Ban Thường vụ Đảng ủy Chính phủ họp vào chiều 11/3 với sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính, qua đó quyết định sẽ trình đề án giảm 50% số đơn vị hành chính cấp tỉnh.
Theo báo Chính phủ, tại cuộc họp, các đại biểu đã tập trung thảo luận về tiêu chí sắp xếp các đơn vị hành chính; phương án, định hướng sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính; dự kiến tên gọi, phương án lựa chọn nơi đặt trung tâm chính trị, hành chính của đơn vị hành chính mới được thành lập; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức, biên chế chính quyền cấp tỉnh, cấp xã…
Như vậy có nghĩa phương án sáp nhập tỉnh, chọn tên tỉnh mới, và kế hoạch đặt thủ phủ của tỉnh mới cũng đã được xác định.
Phát biểu kết luận, Bí thư Đảng ủy, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, phiên họp thống nhất dự kiến trình cấp có thẩm quyền phương án sau khi sắp xếp sẽ giảm khoảng 50% số đơn vị hành chính cấp tỉnh và giảm khoảng 60 – 70% đơn vị hành chính cấp cơ sở (cấp xã) so với hiện nay.
Danh sách cụ thể vẫn chưa được tiết lộ.
Cả nước hiện có 63 tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương, nếu giảm một nửa, thì sẽ còn khoảng trên 30 tỉnh. Thông tin này cũng trùng khớp với những tin đồn đang được lan truyền trên mạng xã hội những ngày qua. Cụ thể là hai danh sách tỉnh mới đang được chia sẻ rộng rãi, một đưa ra con số 32 và một đưa ra con số 33 tỉnh sau sáp nhập.
Trước đó, như RFA đã thông tin, hôm 5/3, trong cuộc họp của Ban Thường vụ Đảng ủy Chính phủ nhằm thảo luận “đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp” đã xuất hiện tấm bản đồ 32 đơn vị hành chính cấp tỉnh trong tay của Thủ tướng trên tấm ảnh chụp của báo Chính phủ.
Trong trường hợp tấm bản đồ trên phản ánh chính xác dự án thay đổi địa giới các địa phương, thì có thể thấy, hầu hết các tỉnh phía bắc và miền trung sẽ bị ảnh hưởng. Các tỉnh miền nam và Tây Nguyên không được thấy rõ.
Đơn cử, ngoài các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Ninh, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, thủ đô Hà Nội, toàn bộ các tỉnh còn lại ở phía bắc đều sáp nhập với nhau thành các tỉnh mới.
Các tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình được tô cùng một màu, thể hiên việc gộp hai tỉnh này làm một. Huế và Quảng trị cũng được cho thấy sẽ hợp nhất.
Trước khi công bố kế hoạch cắt giảm 50% số tỉnh, chính quyền đã xử phạt và mời lên làm việc nhiều trường hợp đưa tin về vấn đề này, với cáo buộc “đưa tin sai sự thật”. Đơn cử như trường hợp ông P.V.H. ở Tiền Giang được báo Tuổi Trẻ đưa tin.
Việc sáp nhập tỉnh cũng gây ra nhiều tranh luận trên mạng xã hội, dẫn đến việc công an xử phạt những trường hợp bị cáo buộc “phân biệt địa phương”. Như trường hợp một cán bộ ở Hà Tĩnh bị phạt 7,5 triệu đồng hôm 9 tháng 3.
Dự kiến, Đảng ủy Chính phủ sẽ chính thức trình đề án sáp nhập tỉnh lên Ban Chấp hành Trung ương Đảng vào ngày 7 tháng 4.
Đọc thêm
Xuất hiện bản đồ 32 tỉnh, thành phố với nhiều thay đổi
Hai danh sách tỉnh, thành phố mới được lan truyền trên mạng
Cán bộ Sở Tài chính bị phạt 7,5 triệu do bình luận về chủ trương sáp nhập tỉnh