Bốn thế kẹt của Việt Nam khi đàm phán thuế quan với Mỹ

Hôm 9 tháng Tư, Tổng thống Donald Trump thông báo tạm dừng đánh thuế đối với hơn 75 quốc gia trong vòng 90 ngày. Trong thời gian này, Hoa Kỳ chỉ áp thuế 10% đối với hàng hóa nhập khẩu từ những nước kể trên.

Đây là khoảng thời gian hoãn binh để các nước chính thức đàm phán với Hoa Kỳ.

Việt Nam đề nghị Hoa Kỳ hoãn áp thuế từ một đến ba tháng để đàm phán. Bây giờ Việt Nam đã được toại nguyện. Vậy Việt Nam sẽ đàm phán thế nào?

Trao đổi với RFA, Giáo sư Zachary Abuza ở Đại học Chiến tranh Quốc gia Hoa Kỳ nhật xét rằng sự chủ động của Việt Nam trong đàm phán với Hoa Kỳ rất xứng đáng được ghi nhận. Ông Tô Lâm đã viết thư và nói chuyện với Tổng thống Trump để yêu cầu một lộ trình hành động, ngay lập tức cử Phó Thủ tướng đến Washington để đàm phán trực tiếp với USTR (Cơ quan Đại diện Thương mại Hoa Kỳ) và Bộ trưởng Thương mại. Trước đó, Hà Nội đã giảm thuế đối với hàng hóa của Hoa Kỳ. Quan trọng hơn, họ đã áp thuế đối với nhôm và thép nhập khẩu từ Trung Quốc để ngăn chặn việc trung chuyển các sản phẩm của Trung Quốc.

Thế nhưng, những nỗ lực đó không giúp Việt Nam vượt qua những thách thức to lớn đang chờ trong ba tháng đàm phán sắp đến.

Thách thức đầu tiên: kẹt trong các bài toán của Mỹ

Tổng Bí thư Tô Lâm đã ra mặt gánh vác trách nhiệm đàm phán với Tổng thống Donald Trump. Thách thức lớn mà ông Tô Lâm phải làm được là bảo đảm mức thuế Hoa Kỳ áp đặt lên Việt Nam vừa đủ để bảo đảm công ăn việc làm cho người dân, không để cho khủng hoảng quá nhiều, quá lớn, quá lâu. Nhiệm vụ của Tô Lâm do đó là tạo ra được một mối quan hệ thương mại tốt đẹp với Hoa Kỳ. Có nghĩa là ông phải làm cho Hoa Kỳ tin tưởng và chấp nhận được ra một mức thuế hợp lý hơn. Cái đó còn tùy vào nhiều vấn đề phía sau: Mỹ muốn gì và Việt Nam có thể có thể làm gì. Đó là nhận xét của TS. Nguyễn Huy Vũ.

Biết Mỹ muốn gì lúc này lại là điều không dễ. Bởi lẽ ông Trump và cố vấn Peter Navarro lại đưa ra những thông điệp khác nhau về mục đích của họ. Việc những nhân vật chủ chốt của Mỹ đưa ra thông điệp khác nhau khiến cho việc Việt Nam chọn đúng trọng tâm đàm phán trở nên khó khăn hơn. Ông Trump nói chuyện này, còn ông Pete Naravo lại nói chuyện khác. Ông Trump chỉ nói chuyện thâm hụt thương mại, còn Navarro lại nói chuyện Việt Nam cho Trung Quốc mượn đường để đánh kinh tế Mỹ.

TS Nguyễn Huy Vũ nhận xét rằng nếu theo lời ông Trump thì Việt Nam chỉ cần giảm thâm hụt thương mại là đủ. Việc này dễ hơn vì Việt Nam chỉ cần mua thêm hàng Mỹ. Nhưng theo Peter Navarro thì vấn đề phức tạp hơn: Việt Nam không được trở thành trung gian để cho Trung Quốc đánh vào kinh tế Mỹ. Bây giờ Việt Nam sẽ phải hỏi thẳng Mỹ: rốt cục, các anh muốn cái gì. Vì phải biết Mỹ thực sự muốn gì thì mới giải quyết được vấn đề.

Câu hỏi dành cho Mỹ “các anh muốn gì?”, một lần nữa lại là câu hỏi khó. Trao đổi với RFA, Giáo sư Nguyễn Văn Chữ, nguyên Trưởng khoa Kinh tế và Kinh doanh ở Đại học Houston at Downtown cho rằng bài toán mà nước Mỹ phải giải quá phức tạp và ông Trump đưa vấn đề trở nên phức tạp hơn. Bản thân nước Mỹ bị kẹt trong những mục tiêu của họ.

Theo GS Nguyễn Văn Chữ, Mỹ không còn chấp nhận Việt Nam làm cánh cửa để cho Trung Quốc tấn công kinh tế Mỹ. Nhưng đồng thời, Mỹ cũng mắc kẹt trong các vấn đề của họ, khiến ông Trump phải hoãn 90 ngày đánh thuế. Trung Hoa đã bao vây kinh tế Hoa Kỳ ở khắp các bàn cờ quốc tế. Tất cả các quốc gia, khu vực Canada, Nam Mỹ, Đông Nam Á, Nam Á, Liên Âu đều có mô hình thương mại giống nhau với Mỹ và Trung Quốc: nhập siêu với Trung Quốc và xuất siêu vào Mỹ. Cái chênh lệch thương mại đó từ đâu mà ra? GS Nguyễn Văn Chữ đặt câu hỏi. Câu trả lời của ông là Trung Quốc đã đi một bàn cờ rất thâm sâu với Mỹ. Do đó, Mỹ muốn chuỗi cung ứng toàn cầu tách khỏi Trung Quốc và hình thành một chuỗi cung ứng mới không lệ thuộc Trung Quốc.

Việt Nam bị mắc kẹt trong câu chuyện này của nước Mỹ. Mỹ bị kẹt vì nếu đưa sản xuất về Mỹ thì Mỹ không có đủ nhân công để làm. GS Nguyễn Văn Chữ cho rằng đó là lý do Mỹ tính đến giải pháp Nam Mỹ, đánh thuế phần lớn các nước Nam Mỹ chỉ 10% để đưa việc làm về khu vực này. Làm cách nào Việt Nam cạnh tranh được với khu vực này, ngay cả khi thuế được giảm xuống khoảng 20% đến 30%? Theo vị cựu trưởng khoa Kinh tế – Kinh doanh ở ĐH Houston at Downtown, đó là bài toán khó trả lời.

Thế kẹt thứ hai: không thể giảm thâm hụt thương mại với Mỹ

Đến hết năm 2024, dự trữ ngoại hối của Việt Nam còn khoảng 80 tỷ USD. Trong khi đó, năm 2024 Việt Nam xuất sang Mỹ 119 tỷ USD, nhập khẩu từ Mỹ chỉ 15 tỷ USD. Như vậy, thâm hụt thương mại lên tới 104 tỷ USD. Tóm lại, tổng số tiền dự trữ của Việt Nam hiện nay (80 tỷ USD) không đủ để bù đắp thâm hụt cán cân thương mại với Mỹ cho một năm. Những con số này đặt ra hàng loạt câu hỏi rất khó trả lời: Việt Nam có thể mua gì từ Mỹ? Một trong những vấn đề cần giải quyết là giảm mua hàng Trung Quốc. Việc giảm nhập khẩu từ Trung Quốc khó như thế nào? Việt Nam có khả năng giải quyết không?

Việt Nam sẽ phải làm nhiều động thái để cho Mỹ thấy họ muốn giảm thâm hụt thương mại hai chiều. Theo Giáo sư Zachary, chúng ta sẽ nhanh chóng chứng kiến 5 thỏa thuận đầu tiên giữa Hà Nội và Washington D.C.

“Đầu tiên, Hà Nội phải hành động nhanh chóng để giải quyết tình trạng nhập khẩu trì trệ kéo dài từ Hoa Kỳ, trong khi xuất khẩu lại tăng vọt. Do đó, sẽ có một số thỏa thuận lớn được thực hiện, chẳng hạn như mua máy bay vận tải C-130 hay máy bay dân dụng Boeing. Ngoài ra, Hà Nội có thể sẽ ký một số hợp đồng mua khí hóa lỏng LNG vì đó là cách nhanh nhất để tăng lượng nhập khẩu, bất chấp hoạt động sản xuất điện LNG của Việt Nam đang chậm lại. Thứ hai, tôi nghĩ Việt Nam sẽ tiếp tục để cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ thực hiện hoạt động vận động cho họ. Thứ ba, Hà Nội thực sự sẽ phải đưa ra những cam kết chắc chắn về việc trấn áp các hoạt động trung chuyển của Trung Quốc. Thứ tư, Hà Nội thực sự sẽ phải tăng cường bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của Hoa Kỳ. Thứ năm, tôi nghĩ Hà Nội sẽ bắt đầu thảo luận về khai thác và tái chế đất hiếm.”

Tuy nhiên, ở đây lại có câu hỏi khác đặt ra: việc chính phủ Việt Nam bỏ tiền dự trữ ngoại hối ra mua thêm hàng Mỹ có đủ khả năng giải quyết vấn đề Mỹ đặt ra không? Việt Nam có khả năng tìm kiếm giải pháp nào khác hay không? Đi liền với những câu hỏi này là vấn đề “Việt Nam thao túng tiền tệ”. Đây là một trong những cáo buộc Hoa Kỳ đưa ra để giải thích lý do Việt Nam có thể xuất siêu ồ ạt vào thị trường Hoa Kỳ, cao hơn mười lần nhập khẩu từ thị trường này. Do đó, trong vấn đề giảm thâm hụt thương mại với Mỹ, theo GS Zachary Abuza, có khả năng sẽ có một số cuộc đàm phán căng thẳng, được đưa ra trước hết từ phía Chính quyền Trump, về việc Hà Nội thao túng tiền tệ.

Một lần nữa, “thao túng tiền tệ” lại là một thế kẹt khác của Việt Nam. Một chuyên gia của Ngân hàng Thế giới trao đổi với RFA trong điều kiện ẩn danh, cho biết thực ra Việt Nam lâu nay “đã phải làm gần chết để tiền không mất giá thêm” chứ không phải cố phá giá đồng tiền để thao túng tiền tệ, hỗ trợ cho xuất khẩu. Bây giờ trong bối cảnh cả thế giới suy giảm kinh tế, việc giữ cho tiền không mất giá thêm nữa đã là bất khả thi rồi. Do đó, khả năng làm tăng giá đồng tiền Việt để tránh bị kết tội “thao túng tiền tệ” nhằm hỗ trợ cho xuất khẩu càng trở nên khó khăn hơn.

Thế khó thứ ba: vị thế địa chính trị của Việt Nam đã suy yếu

Trao đổi với RFA, Giáo sư Vũ Minh Khương, Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, Đại học Quốc gia Singapore, cho rằng “quân bài” chính của Việt Nam khi đàm phán với Mỹ trong ba tháng sắp tới là “vị thế địa chính trị và mô hình phát triển biến thù thành bạn với sự thành tâm và trân trọng đặc biệt với nước Mỹ.” Trong những gì Việt Nam có, những quân bài như đất hiếm hay những quân bài tương tự khác chỉ là một điểm cộng chứ không có ý nghĩa đáng kể trong cuộc đàm phán thuế quan này.

Theo Giáo sư Vũ Minh Khương, nếu Mỹ chơi thật tình và hào hiệp với Việt Nam, Mỹ thực sự thành công trong chiến lược định hình lại trật tự thương mại thế giới. Trật tự thương mại quốc tế mới này được định hình theo phương hướng nào? Theo hướng các nước có thương mại với Mỹ, đặc biệt là thặng dư, phải làm hết sức để xóa bỏ rào cản thương mại, tăng nhập khẩu hàng Mỹ. Quan trọng hơn, họ phải tạo điệu kiện cao nhất cho hoạt động đầu tư, kinh doanh của các công ty Mỹ, cũng như tăng cường bảo vệ sở hữu trí tuệ. Theo GS Vũ Minh Khương, nếu làm được như vậy, Việt Nam sẽ trở thành một mô hình thành công đặc sắc. Khi đó, Việt Nam có thể trở thành một “thông điệp” tốt cho các nước như Bắc Hàn, Nga, Iran.

Tuy nhiên, theo Giáo sư Nguyễn Văn Chữ, kể từ nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump đến nay, trải qua chưa tới mười năm, vị thế địa chính trị của Việt Nam đã suy yếu.

Dẫn lại một nghiên cứu của Trung tâm Stratford từng liệt kê 16 quốc gia, trong đó có Việt Nam, có cơ hội để phát triển khi Trump khởi động thuơng chiến ở nhiệm kỳ một, Giáo sư Nguyễn Văn Chữ chỉ ra là hiện nay, ở nhiệm kỳ 2 của Trump, vai trò của Việt Nam đã giảm.

Áp lực để khiến Mỹ bắt buộc cần Việt Nam đã không còn, do có nhiều quốc gia khác nổi lên ở khu vực Nam Á, Nam Mỹ. Ngoài ra, trong trường hợp Hoa Kỳ giảm thuế cho Việt Nam từ 46% xuống còn 20% hay 30%, một khả năng sẽ xảy ra, theo TS Nguyễn Huy Vũ, thì giá cả xuất khẩu của Việt Nam vẫn thấp hơn các nước Nam Mỹ. Như vậy sản xuất có thể được chuyển về phía Nam Mỹ nhiều hơn. Thực vậy, theo Council of the Americas (COA) thống kê, Trump đánh thuế các nước Nam Mỹ chủ yếu chỉ 10%.

Nhưng đó vẫn chưa phải là yếu tố duy nhất khiến cho quân bài “địa chính trị” của Việt Nam đã suy yếu để thương lượng với Mỹ.

Theo GS Nguyễn Văn Chữ, chúng ta phải nhìn bài toán thương mại từ địa chính trị. Vị thế của Việt Nam đã suy yếu, và sẽ không còn quan trọng với Tây phương. Ông lấy ví dụ về vấn đề Biển Đông, với công nghệ vũ khí như bây giờ, Hoa Kỳ có thể kiểm soát các tuyến đường biển trên Biển Đông từ Nam Hàn, Philippines, không để cho Trung Quốc khóa tuyến đường trong trường hợp chiến tranh. Hoa Kỳ không nhất thiết phụ thuộc vào Việt Nam.

Thế kẹt thứ tư”: đàm phán với Mỹ, chìa khóa là Trung Quốc

Việt Nam không thể giảm thâm hụt thương mại với Mỹ. Vì Việt Nam dự trữ ngoại hối không đủ. Con số dự trữ 80 tỷ USD chỉ đủ để bảo đảm một cuộc khủng hoảng tài chính không xảy ra ở Việt Nam. Theo TS. Nguyễn Huy Vũ, vì lý do đó, con đường để giảm thâm hụt thương mại với Mỹ vẫn là giảm hàng hóa Trung Quốc mượn đường đi Mỹ. Về mặt kỹ thuật, do đó Việt Nam không thể cấm nhập hàng Trung Quốc mà chỉ có thể điều tiết bằng cách đánh thuế. TS Nguyễn Huy Vũ phân tích về thủ thuật này:

“Nếu anh nhập khẩu vào Việt Nam mà không dùng ở Việt Nam mà bán đi nước khác (cụ thể là Mỹ) thì sẽ bị đánh thuế. Tức là Việt Nam đánh thuế, nhưng nếu tái xuất đi nước khác thì không hoàn thuế lại, nếu hàng hóa ở lại Việt Nam thì được hoàn thuế. Tuy nhiên, để làm được điều đó mà không bị Trung Quốc mất lòng và trả đũa thì Việt Nam phải đàm phán và giải thích cho Trung Quốc. Như vậy cánh cửa để đàm phán với Mỹ lại phải thông qua Trung Quốc. Việt Nam không thể đóng cửa thương lại với Trung Quốc mà phải đàm phán với họ.”

Như vậy, có thể sẽ có những cuộc thảo luận căng thẳng về hoạt động trung chuyển của Trung Quốc qua ngả Việt Nam. Theo GS Zachary Abuza, lượng hàng nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc rất gần với lượng hàng xuất khẩu của họ sang Hoa Kỳ. Ngoài ra, có rất nhiều khoản đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam đôi khi để trốn thuế quan của Hoa Kỳ. Với những lý do này, GS Zachary nói ông “thận trọng” khi nghĩ đến khả năng một thỏa thuận Việt Mỹ sẽ đạt được theo cách hai bên đều hài lòng.

Trong bài toán đàm phán với Trung Quốc, Việt Nam còn bị mắc kẹt trong giải pháp giảm thuế Mỹ xuống 0%. Bởi lẽ, khi đó, Trung Quốc có thể mượn Việt Nam để nhập hàng Mỹ rồi chuyển hàng Mỹ về Trung Quốc với chi phí rẻ. Đó là phân tích của TS Nguyễn Huy Vũ, nhìn từ góc độ thương mại quốc tế.

Theo TS. Nguyễn Huy Vũ, Trung Quốc tung ra con số đánh thuế hàng từ Mỹ 125% nhưng không ai biết đằng sau đó là cái gì. Trong quá khứ, Trung Quốc từng mượn Việt Nam làm cánh cửa nhập khẩu hàng hóa. Ví dụ Ecuado từng xuất khẩu tôm rất lớn vào Việt Nam, nhưng thực chất không phải Việt Nam mua tôm Ecuado mà Ecuado mượn đường Việt Nam để chuyển hàng về Trung Quốc. Khi đó, Ecuado chưa có hiệp định thương mại với Trung Quốc. Khi hai nước này có hiệp định thương mại, hàng tôm được miễn thuế thì Ecuado xuất khẩu thẳng vào Trung Quốc, không cần qua Việt Nam nữa.

Ngày nay những mặt hàng Trung Quốc cần ở Hoa Kỳ thì họ có thể mượn Việt Nam để nhập khẩu. Ngoài ra, để xuất khẩu vào Hoa Kỳ, Trung Quốc có thể mở công ty tại Việt Nam, lắp ráp sản phẩm công đoạn cuối tại Việt Nam để xuất đi Mỹ. Việt Nam không ăn được gì cả, cùng lắm là dịch vụ xuất khẩu ở các hải cảng. Chưa kể, Việt Nam còn phải tốn chi phí bảo trì, duy tu mạng lưới giao thông vận tải mà chủ yếu để phục vụ cho Trung Quốc. Thành ra, theo TS Nguyễn Huy Vũ, nếu tính tổng thể thì Việt Nam không được gì cả.

Trong chính sách đánh thuế gây sốc của ông Donald Trump, Việt Nam là một trong những nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất. GS Zachary chỉ ra gần một phần ba GDP của họ đến từ xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Do đó, Việt Nam hiểu rằng đây là cuộc đàm phán rất quan trọng và họ đã rất chủ động. Tuy nhiên, thách thức trước mắt không dễ vượt qua. Nếu Việt Nam không tìm được cách giải quyết có lợi cho mình trong 3 tháng để kết thúc đàm phán với Mỹ, hệ lụy là gì? Xã hội sẽ khủng hoảng. Nhiều doanh nghiệp sẽ phá sản. Kinh tế Việt Nam cần thời gian để điều chỉnh, ông Tô Lâm sẽ bị ảnh hưởng “tính chính danh” khi kinh tế suy thoái. Việt Nam sẽ nói Mỹ chịu trách nhiệm cho cuộc khủng hoảng đó. Theo GS Nguyễn Văn Chữ, họ sẽ rất thành công trong ván bài tuyên truyền này thôi: “chúng ta phải thắt lưng buộc bụng, vượt qua khó khăn do Mỹ gây ra.”