Cảnh sát giao thông có cần hóa trang để “mật báo” tình hình giao thông?

Cục Cảnh sát giao thông thuộc Bộ Công an mới đây cho biết, sẽ có lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) hóa trang, mặc thường phục, thường xuyên di chuyển, bí mật nắm tình hình để ghi nhận vi phạm trên các tuyến đường không có hệ thống camera giám sát. Từ đó thông tin cho lực lượng làm nhiệm vụ công khai để xử lý.

Ngay sau khi thông tin này được truyền thông nhà nước loan tải, một số độc giả đặt câu hỏi: “Rồi xảy ra tình trạng giả giả thật thật. Là người dân bình thường ai sẽ phân biệt được đâu là CSGT thật, đâu là CSGT giả. Sao không tìm cách cho người dân có ý thức hơn khi tham gia giao thông để hạn chế nhất vấn đề xử phạt?” hoặc “Mặc thường phục mà làm nhiệm vụ kiểm tra và xử phạt là không được, kẻ xấu sẽ giả danh gây án. Chỉ được phép cung cấp thông tin cho tổ tuần tra thôi. Và cần xem kỹ luật quy định có được không?”

Theo giải thích của đại tá Nguyễn Quang Nhật – trưởng Phòng hướng dẫn tuyên truyền, điều tra giải quyết tai nạn giao thông, Cục Cảnh sát giao thông với truyền thông nhà nước, lực lượng mặc thường phục, hóa trang chỉ có nhiệm vụ là sử dụng kỹ thuật nghiệp vụ để giám sát, phát hiện hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm trật tự an toàn giao thông chứ không trực tiếp xử lý vi phạm. Trường hợp phát hiện hành vi vi phạm nghiêm trọng, cảnh sát giao thông hóa trang sẽ sử dụng giấy chứng minh Công an nhân dân để ngăn chặn hành vi vi phạm.

Đại diện Cục CSGT cho biết, “việc hóa trang ghi hình các tài xế điều khiển xe vượt ẩu, lấn làn đã được Cục CSGT áp dụng tại tuyến cao tốc Cam Lộ – La Sơn. Bước đầu, phát huy hiệu quả tốt, nhiều tài xế có ý thức chấp hành hơn”.

Tôi không bất mãn với ngành công an đâu. Tôi vẫn yêu ngành công an bởi lý tưởng của ngành này rất lớn, rất nhân văn, rất thực tế. Nhưng một số người thực hiện lại dựa vào một số điểm của luật để khai thác tài chính của chính người dân nước mình. – Cựu công an Nguyễn Doãn Tú

Cựu công an Nguyễn Doãn Tú nêu ý kiến của ông:

“Rõ ràng đây là Bộ Công an đang làm nhiễu loạn xã hội, bởi thực hư trong xã hội bây giờ rất là mờ ảo. Thời buổi bây giờ in giả một cái thẻ ngành rất là dễ dàng. Bây giờ ngay tại Việt Nam, cảnh sát giao thông đã sử dụng những người tiếp thị sữa, hay những người mà tôi gọi là chim mồi, là những người chuyên ‘bẫy’ các xe khác trên đường quốc lộ để những xe này phải cán vạch, lấn tuyến. Buộc những xe này phải vi phạm để cảnh sát giao thông lấy tiền người ta.

Tôi không bất mãn với ngành công an đâu. Tôi vẫn yêu ngành công an bởi lý tưởng của ngành này rất lớn, rất nhân văn, rất thực tế. Nhưng một số người thực hiện lại dựa vào một số điểm của luật để khai thác tài chính của chính người dân nước mình.”

Bộ Công an Việt Nam hồi tháng 9 năm 2020 từng ra cảnh báo với người dân về thủ đoạn lừa đảo bằng cách mạo danh công an, kiểm sát viên… đe dọa bắt giam để lừa tiền. Theo Bộ này, chỉ trong sáu tháng đầu năm 2020 đã có gần 800 vụ giả dạng công an lừa đảo số tiền lên đến hàng nghìn tỉ đồng, chiếm tỉ lệ trên 65% số vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng. Những người lừa đảo cho biết, họ mua trang phục công an trên mạng xã hội.

Mới cuối năm 2023, Phòng cảnh sát hình sự Công an tỉnh Thanh Hóa đã khởi tố, bắt tạm giam bà Trần Thị Hạnh do giả danh công an chiếm đoạt tài sản. Chuyện làm giả thẻ ngành công an đi lừa đảo cũng thường xuyên được báo chí trong nước đưa tin.

Làm sao để người dân biết ai là CSGT thật, ai là CSGT giả không nằm trong “nghiệp vụ” của người dân một khi CSGT được phép mặc thường phục khi làm nhiệm vụ, cho dù là xử phạt hay quay phim để ghi nhận các hành vi vi phạm. Luật sư Nguyễn Văn Miếng nói với RFA:

“Đó là một hình thức thi hành công vụ. Mà thi hành công vụ thì phải minh bạch. Việc gắn camera, quay camera cũng phải công khai. Cảnh sát giao thông T phải mặc sắc phục. Thậm chí cò phải chứng minh mình đang thi hành công vụ. Hình thức bố trí cán bộ hóa trang, mặc thường phục nó tiềm ẩn một sự mờ ám. Nó trái ngược với những quy định về mặt pháp luật cần phổ biến cho mọi người biết.”

social_media.jpg
Một cảnh sát giao thông đang điều tiết giao thông tại Hà Nội. Reuters

Đề xuất CSGT mặc thường phục để sử dụng thiết bị nghiệp vụ giám sát tình hình giao thông, phát hiện người vi phạm được đưa ra từ năm 2022. Tuy bị nhiều người dân lên tiếng phản đối, đề xuất này vẫn được thông qua theo thông tư 32/2023/TT-BCA của Bộ Công an.

Cụ thể, CSGT hóa trang phải có kế hoạch trước, được cấp có thẩm quyền ban hành. Nội dung kế hoạch cần nêu rõ phương pháp thực hiện; lực lượng; trang phục; phương thức liên lạc, thời gian, tuyến, địa bàn tuần tra, thiết bị nghiệp vụ; vũ khí, công cụ hỗ trợ…

Mục đích của lực lượng cảnh sát giao thông phải là an toàn trong giao thông, làm cho người dân ngày càng ý thức hơn trong khi tham gia lưu thông, chứ không phải mục đích là bắt càng nhiều càng tốt. – Ông Nguyễn Đăng Quang

Với tư cách là một người dân, ông Nguyễn Đăng Quang cho rằng, CSGT đâu phải là cơ quan tình báo, gián điệp và vi phạm giao thông cũng không phải là những tội phạm nghiêm trọng. Việc phải hóa trang như thế nó mờ ám trong mắt người dân. Ông phân tích:

“Nếu nói về lực lượng cảnh sát hình sự thì có thể sử dụng hình thức này, tứ phải giả dạng để điều tra. Còn đối với cảnh sát giao thông mà giả dạng, hóa trang thì tôi thấy không ổn. Thứ nhất, nó thể hiện lực lượng này bất lực nên mới nghĩ ra chuyện mặc thường phục. Bởi lực lượng cảnh sát giao thông là phải phục vụ người dân, làm cho tình hình an toàn giao thông tốt hơn, chứ không phải lén lút, mặc thường phục quay video rồi phạt. Làm như thế thì rõ ràng người dân không phục.

Mục đích của lực lượng cảnh sát giao thông phải là an toàn trong giao thông, làm cho người dân ngày càng ý thức hơn trong khi tham gia lưu thông, chứ không phải mục đích là bắt càng nhiều càng tốt. Một xã hội có ít người vi phạm pháp luật, có ít người vi phạm luật giao thông thì càng thể hiện một xã hội văn minh. Không phải cái gì không làm được thì tự nghĩ ra những cách không giống ai. Điều đó theo tôi chỉ phản tác dụng, chứ không phải tăng sự chấp hành luật của người dân lên đâu.”

Có ý kiến cho rằng, mục đích của Bộ công an là thu thật nhiều tiền phạt, bởi tỷ lệ được hưởng quá cao. Theo Nghị quyết phân bố ngân sách trung ương 2024 được Quốc hội thông qua chiều ngày 10 tháng 11 năm 2023, Bộ Công an được hưởng 85% số thu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn giao thông, 15% còn lại dành cho các địa phương để chi cho các lực lượng khác.