Cả nước chỉ 10 cán bộ nhận phiếu tín nhiệm thấp!

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Nhân dân các cấp ở 63 tỉnh, thành khi lấy phiếu tín nhiệm hơn 13 ngàn cán bộ, thì kết quả là 10 người có trên 50% tín nhiệm thấp.

Cựu Trung tá Vũ Minh Trí từ Hà Nội hôm 25/3 nhận định với RFA:

“Tất cả họ đều là đồng đảng, đồng phạm với nhau, cho nên các trường hợp phiếu tín nhiệm thấp, hay tín nhiệm cao hay tín nhiệm… không phản ánh chất lượng thật sự về mặt công việc cũng như vấn đề đạo đức của con người. Tại vì có phải là dân bỏ phiếu đâu, mà là họ cán bộ đảng viên bỏ phiếu với nhau. Tôi ví dụ một trường hợp gần đây nhất ở tỉnh Vĩnh Phúc chẳng hạn, thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc – Lê Duy Thành đạt phiếu tín nhiệm thấp rất nhiều, đồng thời Bí thư Tỉnh ủy – Thúy Lan đạt tín nhiệm cao nhất… thì vừa rồi cả hai đều đã bị bắt vì tham nhũng.”

Tất cả họ đều là đồng đảng, đồng phạm với nhau, cho nên các trường hợp phiếu tín nhiệm thấp, hay tín nhiệm cao hay tín nhiệm… không phản ánh chất lượng thật sự về mặt công việc cũng như vấn đề đạo đức của con người.
-Cựu Trung tá Vũ Minh Trí

Cho nên Cựu Trung tá Vũ Minh Trí cho rằng, việc lấy phiếu tín nhiệm như vừa nêu là hoàn toàn không có giá trị. Đối với việc báo chí nhà nước năm nào cũng tuyên truyền việc lấy phiếu tín nhiệm, ông Trí cho biết ý kiến:

“Tôi thấy đấy là tắt tị, là bế tắc, không còn chủ đề gì để mà nói của báo chí. Ví dụ trong một nền báo chí tự do, người ta sẽ có rất nhiều vấn đề bức xúc về mặt xã hội mà nhà báo có thể viết, thế nhưng ở Việt Nam không có tự do báo chí, không có báo chí tư nhân và không có quyền tự do ngôn luận. Không chỉ những vấn đề về Việt Nam ở trong nước bức xúc, kể cả những vấn đề về mặt quốc tế ví dụ như cuộc chiến Nga – Ukraine, hoặc cuộc chiến Israel và Hamas thì báo chí Việt Nam cũng không thể cất lên được tiếng nói nào khách quan, trung thực, đúng thực tế cả.”

Theo Nghị quyết số 96/2023 của Quốc hội Việt Nam, Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện tổ chức lấy phiếu tín nhiệm một lần trong mỗi nhiệm kỳ vào kỳ họp cuối năm thứ ba của nhiệm kỳ. Người có số phiếu tín nhiệm thấp trên 50% đến dưới 2/3 tổng số phiếu thì ‘có thể xin từ chức’.

Cũng theo Nghị quyết này, trong trường hợp không xin từ chức, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội, thường trực Hội đồng Nhân dân trình Hội đồng Nhân dân tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm tại kỳ họp đó hoặc kỳ họp gần nhất.

b6c43492-7e12-4352-91b9-25e60026679f.jpeg
Ảnh minh họa: Một lần biểu quyết tại Hội nghị Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Courtesy chinhphu.vn

Một người dân ở Sài Gòn không muốn nêu tên vì lý do an toàn nói với RFA hôm 25/3/2024:

“Cái kiểu bỏ phiếu tín nhiệm thấp, tín nhiệm cao là không chính xác, bằng chứng là nếu cán bộ có uy tín, được nhân dân tin cậy thì đâu có vi phạm nhiều thứ như vậy. Tín nhiệm hay tín nhiệm thấp là làm nhẹ đi cái lỗi của những cán bộ lãnh đạo. Từ tháng 6 năm 2023 đến nay, chỉ vụ Việt Á và chuyến bay giải cứu nếu tôi nhớ không lầm có tới 300 cán bộ cao cấp, 22 Ủy viên Trung ương và 3 Ủy viên Bộ Chính trị bị kỷ luật cách chức, đó là những con số biết nói. Tóm lại họ bầu bán với nhau mà có 10 người tín nhiệm thấp là chuyện trong đảng, có nhiều hơn số đó thì người dân cũng không quan tâm.”

Cái kiểu bỏ phiếu tín nhiệm thấp, tín nhiệm cao là không chính xác, bằng chứng là nếu cán bộ có uy tín, được nhân dân tin cậy thì đâu có vi phạm nhiều thứ như vậy.
-Người dân Sài Gòn

Theo người dân này, đó là điều hết sức nguy hiểm. Ông nói tiếp:

“Tại Việt Nam hiện giờ cán bộ mà vi phạm luật pháp rất nhiều, bằng chứng vừa rồi ông Võ Văn Thưởng bị mất chức Chủ tịch nước và một số chức vụ nữa… mà ổng từng được báo chí ca ngợi là người trung kiên, đảng viên trẻ đầy tiềm năng, hạt giống đỏ, được đào tạo từ nguồn… thế mà ngã ngửa ra là như vậy đó.”

Vì vậy vị này cho rằng, việc đánh giá tín nhiệm là không chính xác, vì cán bộ vi phạm quá nhiều và điều này thể hiện qua những vụ án liên tục thời gian qua.

Còn Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nguyên là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển IDS, đã tự giải thể, khi nói với RFA từ Hà Nội về vấn đề này cho rằng:

“Chắc chắn là nó còn tốt hơn là không có bỏ phiếu tín nhiệm gì cả, như là ở Trung Quốc và Bắc Triều Tiên thì không có chuyện bỏ phiếu tín nhiệm. Cái việc bỏ phiếu tín nhiệm kỳ lạ như ở Việt Nam nó có tác dụng nhất định nào đấy. Thứ nhất là để cho người dân và bên ngoài thấy là chúng tôi cũng tiến bộ, cũng làm chuyện này. Và nó cũng tạo ra áp lực đối với những người bị nhiều phiếu tín nhiệm thấp, hoặc nhiều phiếu tín nhiệm vừa, được ít phiếu tín nhiệm cao, thì nó cũng gây áp lực cho họ. Về cái khía cạnh đấy thì tôi nghĩ là nó tăng cường sự cạnh tranh, mà thế thì là tốt.”

Nhưng dư luận mạng xã hội thì cho rằng, việc lấy phiếu tín nhiệm chỉ là cơ hội để cho các phe phái so kè ảnh hưởng và triệt hạ nhau.