Việt Nam ký thỏa thuận hợp tác năng lượng hạt nhân với Rosatom của Nga đang bị Mỹ trừng phạt

Việt Nam và tập đoàn năng lượng nguyên tử nhà nước Nga, Rosatom, đã ký kết thỏa thuận hợp tác về năng lượng hạt nhân, bất chấp các lệnh trừng phạt mà Mỹ đang áp đặt lên Rosatom.

Hãng tin Reuters ngày 14/1 cho biết Rosatom, tập đoàn năng lượng nguyên tử nhà nước của Nga và công ty điện lực nhà nước EVN của Việt Nam đã nhất trí tăng cường hợp tác trong lĩnh vực hạt nhân, theo một văn bản chung liệt kê các thỏa thuận hợp tác đã ký của họ.

Thỏa thuận được thông qua trong chuyến thăm Hà Nội của Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin, tuy nhiên, nội dung của thỏa thuận không được công khai.

Hoa Kỳ đã áp đặt hàng chục lệnh trừng phạt đối với các công ty con và quan chức cấp cao của Rosatom hồi tuần rồi. 

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã công bố vòng trừng phạt mới nhất, Rosatom đã mô tả lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ đối với các quan chức cấp cao của mình là “vô căn cứ và bất hợp pháp” và là “một hình thức cạnh tranh không lành mạnh từ các quốc gia không thân thiện”.

Không rõ việc hợp tác này có ảnh hưởng gì đến các biện pháp trừng phạt của Mỹ, hay quan hệ Việt – Mỹ vốn đang nồng ấm, hai nước vừa kỷ niệm một năm nâng cấp lên Đối tác Chiến lược Toàn diện hồi tháng 9 năm ngoái. 

Theo Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Huy Vũ từ Na Uy, Việt Nam đang tìm kiếm điện hạt nhân để giải quyết bài toán năng lượng và không loại trừ cả mục tiêu quân sự trong dài hạn.

Do quan hệ với Mỹ chưa đến mức đủ tin cậy để được chuyển giao công nghệ hạt nhân từ Hoa Kỳ thì Nga là đối tác để Việt Nam lựa chọn. Ông nói với RFA: 

“Nga hiện nay là một kênh mà giới lãnh đạo Việt Nam tin là họ có khả năng để nhận được sự chuyển giao (công nghệ hạt nhân- PV), vì vậy mà họ bất chấp sự đe dọa từ phía Mỹ trong việc cấm vận Rosatom. 

Việt Nam cũng tự tin trong trong khả năng ngoại giao của mình, là họ có thể thỏa hiệp với Mỹ để bằng cách nào đó không nhận sự trừng phạt (của Mỹ- PV) khi làm đối tác trong các hoạt động thương mại với Rosatom.”

Giáo sư Carl Thayer, ở Đại học New South Wales Canberra, một chuyên gia về Việt Nam trong cùng ngày cho biết, đã không có thỏa thuận mua sắm vũ khí lớn nào được ký kết vì các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga đã ảnh hưởng đến các giao dịch tiền tệ quốc tế thông qua hệ thống SWIFT (Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu). 

Ông Carl Thayer dẫn lại Tuyên bố chung Việt-Nga đưa ra khi kết thúc chuyến thăm của Putin nêu rõ, hợp tác quốc phòng-an ninh chỉ giới hạn ở các vấn đề an ninh phi truyền thống. Ông cho rằng “Việt Nam muốn tránh mọi hình phạt vì vi phạm lệnh trừng phạt của phương Tây.” 

Theo Giáo sư Carl Thayer, ngoài việc hợp tác trong lĩnh vực điện hạt nhân, một thỏa thuận không gây tranh cãi khác đã đạt được giữa Bộ Quốc phòng Việt Nam và Bộ Khoa học Nga để chuyển giao một tàu nghiên cứu hàng hải cho Việt Nam. 

Phóng viên gửi email tới Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và Đại Sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam để hỏi về việc ký kết hợp tác giữa Việt Nam và Rosatom ảnh hưởng thế nào đến lệnh trừng phạt Rosatom của Hoa Kỳ, nhưng chưa nhận được ngay phản hồi.