Viện Kiểm sát đề nghị án tù từ 24 – 26 năm đối với ông Trịnh Văn Quyết

Viện Kiểm sát hôm 26/7 đề nghị án 24 – 26 năm tù tổng cộng dành cho cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC trong phiên toà sơ thẩm xét xử ông Quyết (49 tuổi) và 49 người khác.

Ông Quyết bị đề nghị 5 – 6 năm tù về tội thao túng thị trường chứng khoán và 19 – 20 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. 

Cùng bị truy tố tội danh giống ông Quyết còn có bốn người khác bao gồm hai em gái ruột của ông Quyết và một anh họ ông Quyết – đều là các cán bộ quản lý thuộc FLC. Những ngươi này bị đề nghị án tù thấp nhất là 10 năm và cao nhất là 19 năm.

Ngoài ra, còn có bốn cựu lãnh đạo Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM cũng bị đề nghị các án tù từ mức thấp nhất là ba năm đến cao nhất là chín năm với cáo buộc hành vi “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Ba quan chức thuộc Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam bị đề nghị các án tù từ 18 tháng đến 42 tháng với cáo buộc tội “công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán”.

Viện Kiểm sát xác định ông Trịnh Văn Quyết có vai trò chủ mưu, chỉ đạo thực hiện hành vi sai phạm trong vụ án, ghi nhận thái độ muốn khắc phục hậu quả nhưng đến nay mới nộp hơn 200 tỷ đồng là “không đáng kể” so với thiệt hại gây ra.

Báo Nhà nước cho biết ông Quyết khai tại toà rằng từ trại giam ông vẫn “luôn đau đáu” tìm cách nộp đủ 4.300 tỷ đồng hậu quả vụ án. Ông được cơ quan tố tụng ghi nhận đã nộp gần 240 tỷ đồng, tương đương 5,5% thiệt hại vụ án.

Ông Quyết ước tính tài sản cá nhân lên tới gần 5.000 tỷ đồng, chủ yếu đến từ việc bán hãng Bamboo Airways và 30% cổ phần tại tập đoàn FLC, song chưa được bán.

Gần 100.000 nhà đầu tư, gồm bị hại và người liên quan, được tòa triệu tập song chỉ năm người có mặt, phát biểu quan điểm. Truyền thông Nhà nước cho biết, những người có mặt tại toà có hai quan điểm: xin giảm án cho ông Quyết để sớm gây dựng lại Faros và người mua cổ phiếu có thể tiếp tục đầu tư, đồng hành. Những người còn lại, muốn được bồi thường luôn.