Vì sao Việt Nam vẫn tuyên truyền chống Mỹ?

Một cựu chiến binh Mỹ muốn quay trở lại thăm Việt Nam để xem hiện giờ đất nước thay đổi ra sao kể từ sau chiến tranh. Nhưng đã ngần ngại thay đổi ý định khi nghe đến những chiến dịch tuyên truyền chống phương Tây cực đoan trên mạng ở Việt Nam.

Câu truyện trên được tiến sĩ Phạm Thanh Vân chia sẻ trên trang Facebook cá nhân sau khi tham dự một hội nghị về Biển Đông ở Philippines.

Câu hỏi đặt ra là có hay không việc chính quyền Việt Nam tiếp tục duy trì chính sách tuyền truyền chống Mỹ, mặc cho hai nước đã trở thành ‘đối tác chiến lược toàn diện’, và thái độ hằn học với Hoa kỳ sẽ mang lại những hệ lụy gì trong bối cảnh nước Mỹ đang ngày càng trở nên quan trọng với Việt Nam?

Việt Nam có tuyên truyền chống Mỹ?

“Có người bên quân đội khẳng định quân đội không đứng đằng sau các tuyên truyền chống phương tây”, tiến sĩ Phạm Thanh Vân viết trên trang cá nhân một ngày sau khi đăng tải câu truyện về vị cựu binh người Mỹ.

Bà cũng viết thêm rằng “các bạn bên quân đội” đổ cho thế lực “phản động” đứng sau nỗ lực tuyên truyền chống phương tây.

Sự thực thì thế nào?

Vào tháng 7 năm 2021, khi Mỹ gởi hai triệu liều vắc-xin Moderna đến giúp Việt Nam thông qua chương trình COVAX của Tổ chức Y tế Thế giới…  Ngay sau đó, trang Facebook của Trung Đoàn 47, được cho là thuộc lực lượng tuyên truyền mạng của quân đội Việt Nam, lại đăng dòng trạng thái cho rằng, số vắc-xin đó không phải do Mỹ viện trợ.

Cụ thể, bài viết của Trung Đoàn 47 có tựa đề “Có thực Hoa Kỳ viện trợ vaccine covid-19 cho việt nam???” cho rằng Việt Nam đã đóng góp cho COVAX 500.000 USD, còn Mỹ mặc dù là thành viên COVAX và cam kết đóng góp 2 tỉ USD nhưng “chưa thò xu nào cả”. (Xem hình chụp màn hình bên dưới)

Tư tưởng, quan điểm không thiện cảm với nước Mỹ vẫn còn rất nặng nề.
-Cựu Trung tá quân đội Vũ Minh Trí 

Lực lượng 47 trên thực tế là một lực lượng của quân đội, và chính truyền thông nhà nước đã kiểm chứng điều này. Cụ thể, đơn bị này thuộc quản lý của Tổng cục chính trị của Quân đội Nhân dân Việt Nam, được thành lập vào năm 2016, với số quân được cho là hàng chục ngàn người với nhiệm vụ đấu tranh chống lại “tư tưởng sai trái” trên không gian mạng. Kể từ khi Nga phát động cuộc xâm lược Ukraine, làn sóng tuyên truyền chống phương tây trên mạng xã hội tiếng Việt được đẩy lên cao trào.

Trong ngày Tổng thống Putin tuyên bố mở màn cuộc xâm lược, trang Facebook Trung đoàn 47, đã đăng đàn, cáo buộc “bàn tay lông lá” của Mỹ là nguyên nhân dẫn đến cuộc chiến.

Trao đổi với RFA, cựu Trung tá quân đội Vũ Minh Trí cho biết dưới góc độ là người trong hệ thống, ông thấy tư tưởng, quan điểm không thiện cảm với nước Mỹ vẫn còn rất nặng nề.

 “Người dân thì không như vậy. Còn về mặt đảng chính quyền cùng một số tổ chức ngoại vi ví dụ như Đoàn thanh niên, Mặt trận Tổ quốc, Hội Cựu chiến binh… vẫn có tuyên truyền phản đối Mỹ, không thiện cảm với Mỹ. Dưới góc độ người trong cuộc, tôi thấy rất rõ.” Ông Trí nói thêm.

chong-my.png
Dòng trạng thái trên trang Facebook Trung đoàn 47 viết về Mỹ. Ảnh chụp màn hình.

Vì sao Việt Nam vẫn tuyên truyền chống Mỹ?

Chiến tranh Việt Nam đã kết thúc gần 50 năm, mối quan hệ Việt – Mỹ đã nâng cấp nhiều bậc và đã đạt mức Quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện… Nhưng vì sao vẫn phải tuyên truyền chống Mỹ?

Tiến sĩ Thủy Nguyễn từ Đại học Oregon, Hoa Kỳ khi trả lời RFA cho rằng, bản chất của việc tuyên truyền chống Mỹ và phương Tây ở VN là một phương sách của nhà cầm quyền đối với người dân trong nước, nhằm duy trì vị thế tối thượng của mình.

“Nền tảng đầu tiên để Đảng CSVN thiết lập tính chính danh là nêu lên công trạng của họ trong cuộc chiến chống Pháp và chống Mỹ. Họ đã rất thành công trong việc tạo ra niềm tin trong dân chúng là nếu không có Đảng CSVN, sẽ không có đất nước Việt Nam thống nhất như hôm nay.

Gắn liền với chiến thắng của Đảng CS là hình ảnh đế quốc Pháp, Mỹ bạo tàn và lòng căm thù giặc ngoại xâm sâu sắc. Vậy nên mấy mươi năm qua, Đảng CS không từ bỏ chính sách tuyên truyền chống đế quốc.” – Tiến sĩ Thủy Nguyễn nhận định.

Trao đổi với RFA, Giáo sư Carl Thayer ở Đại học UNSW Canberra nhận định rằng việc ban hành Chỉ thị 24 của Bộ Chính trị “Về bảo đảm an ninh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng” cho thấy chế độ ở Việt Nam có những nghi ngờ sâu sắc về động cơ thầm kín của Hoa Kỳ khi hợp tác với Việt Nam để thúc đẩy “diễn biến hòa bình” hoặc “cách mạng màu” (khởi nghĩa quần chúng).”

Chỉ thị số 24-CT/TW ngày 13/7/2023 của Bộ Chính trị bị rò rỉ được Project88 (Dự án 88) công bố khẳng định rằng “Các thế lực thù địch và phản động đã lợi dụng triệt để quá trình hội nhập quốc tế để tăng cường hoạt động phá hoại và chuyển đổi chính trị nội bộ, tác động đến việc hoạch định chính sách và xây dựng pháp luật, tạo ra các mối liên kết, phát triển lực lượng, hình thành các liên minh và mạng lưới ‘xã hội dân sự’, các công đoàn độc lập,… tạo tiền đề cho việc hình thành các nhóm đối lập chính trị trong nước”.

Chỉ thị 24 cũng nêu ra những lo ngại phát sinh từ hội nhập quốc tế và vai trò của chính phủ nước ngoài, các cơ quan viện trợ và các tổ chức phi chính phủ trong việc thúc đẩy xã hội dân sự, cải cách chính trị, nhân quyền, dân chủ và tự do tôn giáo. Đây được cho là những “thế lực thù địch” tìm cách hỗ trợ các nhóm và cá nhân trong nước tại Việt Nam tiến hành “các cuộc cách mạng đường phố”.

Gắn liền với chiến thắng của Đảng CS là hình ảnh đế quốc Pháp, Mỹ bạo tàn và lòng căm thù giặc ngoại xâm sâu sắc. Vậy nên mấy mươi năm qua, Đảng CS không từ bỏ chính sách tuyên truyền chống đế quốc.
– Tiến sĩ Thủy Nguyễn

Tiến sĩ Thủy Nguyễn cho rằng, Đảng CSVN rất sợ “bóng ma” dân chủ. Họ càng không muốn người dân đặt ra những câu hỏi như: nhờ đâu mà Mỹ và Châu Âu lại giàu có, môi trường sạch sẽ, giáo dục tốt như vậy? Việt Nam mình có thay đổi mô hình chính trị và cách quản trị nhà nước để được như vậy không? Bởi vậy, nhà cầm quyền phải thúc đẩy báo chí tuyên truyền tô đậm những điểm tiêu cực trong các xã hội này.

“Xét cho cùng, mong muốn của Đảng Cộng sản VN là người dân phải mãi mãi biết ơn họ, tức mãi mãi công nhận vai trò lãnh đạo tuyệt đối của họ. Quan trọng là chỉ biết ơn Đảng Cộng sản VN thôi, đừng nhìn xa quá sang phía các quốc gia đối tác bên kia, đừng đặt câu hỏi tại sao người ta lại hay hơn mình. Như vậy, tuyên truyền chống đế quốc Mỹ và châu Âu là phương cách để người dân phải ghi nhớ công trạng của Đảng CS trong quá khứ, sợ hãi trước các âm mưu can thiệp của các đế quốc này trong bối cảnh hiện nay, đồng thời để người dân tin rằng mô hình dân chủ ở các nước này cũng đầy rẫy bất cập chứ chẳng hay ho gì.” – Tiến sĩ Thủy Nguyễn nêu ý kiến.

Cũng theo Chỉ thị 24, mối đe dọa từ Mỹ và các nước phương Tây khác còn phức tạp hơn, “do cán bộ đảng và chính quyền Việt Nam không giám sát và kiểm soát đúng mức các mối đe dọa đối với an ninh quốc gia”.

“Tuyên truyền chống Mỹ lan truyền trên mạng xã hội Việt Nam là một phần của chiến dịch phối hợp của lực lượng an ninh và đảng viên nhằm bảo vệ nhà nước độc đảng của Việt Nam vào thời điểm Việt Nam đang đẩy mạnh nỗ lực hội nhập quốc tế thông qua việc nâng cấp quan hệ với Hoa Kỳ lên quan hệ đối tác chiến lược toàn diện.” – Giáo sư Carl Thayer nhận định.

Ngoài ra theo Giáo sư Carl Thayer, các chiến binh mạng trong Lực lượng 47 được thành lập vào năm 2016 bởi Tổng cục Chính trị của quân đội đã bị liên lụy vào các blog chống Mỹ và chống phương Tây trên mạng xã hội (Facebook, TikTok và YouTube) để thể hiện lòng yêu nước của họ.

chong-my-2-700.jpg
Ảnh minh họa chụp tại Hà Nội trước đây. AFP.

Lợi – hại khi tuyên truyền chống Mỹ?

Trong bối cảnh hiện tại, theo Tiến sĩ Thủy Nguyễn, giữ cho kinh tế phát triển là mục tiêu tối quan trọng, vì dù có công trạng trong quá khứ bao nhiêu, mà tình hình hiện tại đói kém thì Đảng CS cũng khó thuyết phục được người dân.

Nhưng mâu thuẫn nội tại mà Đảng CSVN không hoá giải được, đó là một mặt vẫn phải nhắc đi nhắc lại vị thế lãnh đạo và công trạng đánh giặc trong quá khứ của mình, mặt khác vẫn phải bắt tay làm ăn với các “đế quốc” này.

Nhà cầm quyền không muốn người dân trong nước bắt đầu đầu đặt câu hỏi: Năm xưa Mỹ có định chiếm đất, chiếm người của mình không? Tại sao năm xưa lại phải đánh Mỹ? Tại sao không bắt tay làm ăn với Mỹ và châu Âu ngay từ đầu như Nhật, Hàn đã làm?” – Tiến sĩ Thủy Nguyễn nói thêm.

Kể từ khi Hoa Kỳ và Việt Nam thiết lập quan hệ song phương vào năm 1995, rồi hiệp định thương mại song phương Hoa Kỳ – Việt Nam có hiệu lực vào năm 2001… thương mại song phương giữa Hoa Kỳ và Việt Nam đã tăng trưởng từ 451 triệu USD vào năm 1995 lên hơn 90 tỷ USD vào năm 2020. Hoa Kỳ giờ đây là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.

Với những thành quả do quan hệ với Mỹ đem lại, Việt Nam còn những lợi ích gì khi tuyên truyền chống Mỹ?

Điều này cũng nhằm mục đích đe dọa người dân Việt Nam bình thường không hình thành quan điểm riêng của họ về việc vận động cải cách chính trị, nhân quyền và tự do tôn giáo trong nước. Nói cách khác, Đảng Cộng sản Việt Nam hiểu rõ nhất.
– Giáo sư Carl Thayer

“Theo quan điểm của cán bộ đảng, đặc biệt là những người có trách nhiệm về an ninh quốc gia, lợi ích của tuyên truyền chống Mỹ là làm mất uy tín của những người hoạt động trong nước và những người bất đồng chính kiến ​​là những kẻ bị “thế lực thù địch” bên ngoài Việt Nam lừa bịp. Điều này cũng nhằm mục đích đe dọa người dân Việt Nam bình thường không hình thành quan điểm riêng của họ về việc vận động cải cách chính trị, nhân quyền và tự do tôn giáo trong nước. Nói cách khác, Đảng Cộng sản Việt Nam hiểu rõ nhất.” – Giáo sư Carl Thayer nói.

Dù vậy theo Giáo sư Carl Thayer, có nhiều nhược điểm khi tuyên truyền chống Mỹ. Trước nhất, tuyên truyền chống Mỹ, chống phương Tây có thể làm suy yếu mối quan hệ với chính những quốc gia mà Việt Nam cần hỗ trợ để nỗ lực trở thành một quốc gia phát triển có nền công nghiệp hiện đại và thu nhập trung bình khá vào năm 2030 và trở thành một quốc gia phát triển có thu nhập cao vào năm 2045.

“Ví dụ, các nghị sĩ và đại biểu quốc hội ở Hoa Kỳ hoặc các nền dân chủ theo kiểu phương Tây có thể có động thái hạn chế viện trợ và các hình thức hợp tác khác với Việt Nam. Trong trường hợp của Hoa Kỳ, việc Việt Nam quấy rối ba người Việt Nam tham gia Sáng kiến ​​Lãnh đạo trẻ Đông Nam Á (YSEALI) do Hoa Kỳ tài trợ và các cuộc tấn công của giới truyền thông vào Đại học Fulbright có thể dẫn đến sự gián đoạn các chương trình được thiết kế để phát triển nguồn nhân lực.” – Giáo sư Carl Thayer nêu dẫn chứng.

Hay Hiệp định Thương mại Tự do giữa Liên minh Châu Âu với Việt Nam có một điều khoản dân chủ trao quyền cho EU đình chỉ một phần hoặc toàn bộ thỏa thuận một cách đơn phương trong trường hợp bên kia (Việt Nam) vi phạm. Giáo sư Carl Thayer cho biết thêm.

Một bất lợi nữa theo Giáo sư Carl Thayer, việc tiến hành tuyên truyền chống Mỹ là nó có thể phản tác dụng đối với thế hệ thanh niên thông minh của Việt Nam, những người đang hoạt động trên mạng xã hội và đã du học, đặc biệt là ở Hoa Kỳ. Sự bất đồng giữa trải nghiệm cá nhân và tuyên truyền của họ có thể biến họ thành những người hoài nghi chế độ và tìm kiếm các nguồn thông tin thay thế như Facebook.