Trung ương Đảng thống nhất tái tục dự án điện hạt nhân ở tỉnh Ninh Thuận

Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam chấp nhận tái khởi động dự án điện hạt nhân tại tỉnh Ninh Thuận để đáp ứng nhu cầu điện của Việt Nam.

Truyền thông Nhà nước dẫn thông cáo của Văn phòng Trung ương Đảng cho biết, quyết định này được Ban Chấp hành Trung ương Đảng đưa ra tại Hội nghị Trung ương vào sáng ngày 25/11.

Phát biểu tại hội nghị, Tổng bí thư Tô Lâm nhấn mạnh việc khởi động Chương  trình điện hạt nhân tại Việt Nam và tiếp tục nghiên cứu Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận là “công việc quan trọng để phát triển hạ tầng năng lượng quốc gia, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước.”

Trung ương giao Bộ Chính trị chỉ đạo các cơ quan, địa phương liên quan nghiên cứu và xây dựng Đề án phát triển điện hạt nhân trong thời gian tới, truyền thông trong nước đưa tin.

Việt Nam đặt mục tiêu đưa công suất phát điện tăng thêm 12% – 15% một năm để đảm bảo an ninh năng lượng và mức tăng trưởng kinh tế 7% một năm, theo các tài liệu của Chính phủ mà hãng tin Reuters tiếp cận được.

Việt Nam cũng có kế hoạch phát triển các nguồn năng lượng tái tạo từ điện gió và khí hóa lỏng. Tuy nhiên trong các tháng qua, một loạt các nhà đầu tư nước ngoài đã rút khỏi các dự án điện gió ngoài khơi của Việt Nam do khó khăn về quy định trong lĩnh vực này. Đó là các hãng Enel của Ý, Equinor của Na Uy và Orsted của Đan Mạch.

Hồi năm 2009, Việt Nam đã phê duyệt kế hoạch dây dựng hai nhà máy điện hạt nhân đầu tiên tại tỉnh Ninh Thuận nhưng sau đó đã phải bỏ kể hoạch này vào năm 2016 sau thảm họa điện hạt nhân Fukushima ở Nhật.

Các nhà máy điện hạt nhân Việt Nam có dự định xây trước đó có tổng công suất là bốn gigawatt do Rosatom của Nga và Japan Atomic Power Co. xây dựng.