Tổng bí thư lấn sân: bình thường hóa việc vi phạm hiến pháp

Hiến pháp 2013 quy định, Nhà nước là một tổ chức mang tính chính trị, có quyền lực tối cao trong xã hội; Chủ tịch nước giữ vai trò là người đứng đầu Nhà nước, thay mặt nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về đối nội và đối ngoại.

Vi phạm hiến pháp

Trong chuyến thăm chính thức Malaysia từ ngày 21 đến 23 tháng 11 năm 2024, Tổng bí thư Tô Lâm và Thủ tướng Malaysia Dato’ Seri Anwar Ibrahim đã quyết định nâng cấp quan hệ hai nước lên Đối tác Chiến lược toàn diện.

Trong khi đó, Tổng Bí thư chỉ là chức danh lãnh đạo cao nhất của đảng cộng sản, dù là đảng cầm quyền nhưng vẫn chỉ là một tổ chức chính trị, chứ không đại diện cho nhà nước Việt Nam.

Do vậy, việc ông Tô Lâm đại diện Việt Nam nâng cấp quan hệ với Malaysia, là “không đúng thẩm quyềntheo luật sư Đặng Đình Mạnh.

“Theo Hiến pháp hiện tại, Chủ tịch nước là người đại diện Nhà nước Việt Nam trong quan hệ đối ngoại. Theo đó, chỉ có Chủ tịch nước mới có thẩm quyền ký kết các hiệp định song, đa phương, bao gồm cả thỏa thuận nâng cấp quan hệ ngoại giao. Cũng theo Hiến pháp, Tổng Bí thư của đảng cộng sản không được quy định có vai trò gì trong quan hệ đối ngoại của Nhà nước Việt Nam cả.Luật sư Mạnh nói thêm. 

Trên thực tế, chuyện ông Tổng bí thư của đảng cộng sản qua mặt nhà nước, ký kết một văn kiện ngoại giao với nước ngoài, đã từng có tiền lệ ở Việt Nam.

Tháng 9 năm 2023, Tổng bí thư lúc đó là ông Nguyễn Phú Trọng đã cùng với tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố nâng cấp quan hệ hai nước lên Đối tác Chiến lược Toàn diện. Điều trái khoáy là lễ đón ông Biden được diễn ra tại Phủ Chủ tịch, nơi làm việc của Chủ tịch nước, người đứng đầu nhà nước Việt Nam. Thời điểm đó thì ông Võ Văn Thưởng đang giữ chức này.

————————–

Thấy gì từ việc ông Tô Lâm bỏ vị trí Chủ tịch nước?

Tô Lâm toan tính giành trọn nhiệm kỳ trên đỉnh cao quyền lực

Cuộc cải cách “từ bên trên” khởi xuống bởi Tô Lâm

—————————

Quyền lực tối thượng của Tổng bí thư

Nhiều nhà quan sát cho rằng các quốc gia gần đây đã chấp nhận làm việc trực tiếp với Tổng bí thư của đảng Cộng sản Việt Nam, bởi họ nhận ra, đây mới là người có thực quyền.

Và sở dĩ ông Tô Lâm, chứ không phải Chủ tịch nước Lương Cường, đã đại diện Việt Nam tới Malaysia để nâng cấp quan hệ, bởi vì “Tô Lâm hiện là nhân vật quyền lực nhất trong hệ thống chính trị Việt Nam”, theo luật sư và nhà quan sát chính trị Vũ Đức Khanh.

Chủ tịch nước Lương Cường hiện tại có vai trò mang tính nghi lễ và ít nổi bật trong các hoạt động đối ngoại. Theo thông lệ, các mối quan hệ quan trọng về chính trị hoặc nâng cấp chiến lược giữa Việt Nam và các quốc gia khác thường được thực hiện ở cấp cao nhất để thể hiện cam kết mạnh mẽ từ phía Việt Nam”, Luật sư Khanh nhận định thêm.

Ở một khía cạnh khác, nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc lại đánh giá cao dàn trợ lý của ông Tô Lâm đã có những bước đi ngoại giao “thời thượng” khi nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Malaysia, nước sẽ làm Chủ tịch ASEAN trong 5 năm tới.

“Chính phủ Kuala Lumpur rất cứng rắn trong vấn đề biển đảo nên Việt Nam phải nâng cấp ngay quan hệ với nước này để tạo sự đồng thuận đối phó với Trung Quốc”, ông Phúc kết luận.

Còn với việc ông Tô Lâm với vai trò là Tổng Bí thư lại thay mặt Nhà nước Việt Nam ký kết các văn bản ngoại giao, ông Đinh Kim Phúc cho rằng, ở Việt Nam có bốn cái ghế gọi là “Tứ trụ” theo thứ tự gồm Tổng Bí thư, Thủ tướng, Chủ tịch nước và chủ tịch Quốc hội với quyền lực “không nói ai trên ai vì tất cả đều theo sự phân công của Đảng”.

Rõ ràng nếu nhìn vào “sự phân công” của Đảng trong thời gian qua theo cách nói của ông Đinh Kim Phúc, thì có thể dễ dàng nhận thấy ghế Tổng bí thư vẫn hội tụ nhiều quyền lực hơn cả.

Từ khi lên nắm quyền, ông Tô Lâm đã liên tiếp phát động các kế hoạch tham vọng, nhằm “cải cách thể chế”, và “chống lãng phí”. Toàn bộ bộ máy chính trị cũng đã được huy động để thực hiện chỉ đạo của đồng chí Tổng bí thư.

Mập mờ Điều 4

Điều 4 Hiến pháp 2013 quy định, đảng Cộng sản Việt Nam “là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội”.

Liệu đảng Cộng sản có đang hoạt động dựa trên giả định vì điều 4 trong hiến pháp cho họ quyền “lãnh đạo” nhà nước, nên nhiễm nhiên Tổng bí thư của đảng này cũng có thẩm quyền đại diện nhà nước?

Nhưng vấn đề nằm ở chỗ, toàn văn bản hiến pháp năm 2013, không hề tồn tại chức danh Tổng bí thư.

Đảng cầm quyền vẫn thường tuyên truyền người dân cần phải sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật. Nhưng trong trường hợp này, rõ ràng đảng Cộng sản đang hoạt động ngoài vòng hiến pháp.

“Nếu trong trường hợp hiến pháp ghi rõ, trong trường hợp Chủ tịch nước không thể thực hiện nhiệm vụ, thì Tổng bí thư được phép thay mặt chỉ đạo, thì còn được. Nhưng đằng này không hề có quy định như vậy.” Một vị luật sư đang hành nghề ở Việt Nam trao đổi với RFA dưới điều kiện ẩn danh vì lý do an toàn, phần tích về bản chất của điều 4 trong hiến pháp.

Không chỉ lấn sân của Chủ tịch nước, ông Tô Lâm trong thời gian gần đây cũng đưa ra hàng loạt chỉ đạo cho các bộ ngành của chính phủ, vốn thuộc về thẩm quyền của Thủ tướng, đã được hiến pháp quy định rõ ràng.

Điều này, theo vị luật sư này, thể hiện sự “tùy tiện” của đảng cầm quyền trong việc diễn giải hiến pháp và áp dụng pháp luật.

“Đất nước gì mà chẳng tôn trọng quy định pháp lý, quy định luật lệ gì cả!”, ông cảm thán.