Thủ đô muốn thêm môn ‘Hà Nội học’ trong trường phổ thông!

Ban Thường vụ Thành uỷ Hà Nội hôm 19/2/2024 vừa yêu cầu nghiên cứu đưa môn “Hà Nội học” vào giảng dạy trong hệ thống các trường ở Thủ đô. Với mục đích được cho nhằm ‘Phát huy giá trị đạo đức, văn hóa Thăng Long – Hà Nội’

Trả lời phỏng vấn của Đài Á châu Tự do hôm 20/2/2024, nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Minh triết Việt, cho rằng:

“Thật ra Hà Nội học hay Huế học hay Sài Gòn học cũng có một cái thú vị cần thiết. Nhưng vấn đề là nội dung như thế nào, học cái gì, phương pháp làm sao? Nếu không thì lại chuyển những cái hình thức vô lối cấp cho mọi người, thì đó là dở hơi. Cho nên cái này phải có một sự nghiên cứu đầu tư cho thấu đáo thế nào là Hà Nội học thì mới rõ được. Ngay cả môn Việt Nam học ngày nay cũng có nhiều cái rất sơ sài và hình thức là chính.”

Cho nên ông Mai lo ngại, nghĩ ra được một cách làm, nhưng không đủ sức để làm đến nơi đến chốn, và cũng không dám mời tập hợp những “cao nhân”, những người tài giỏi thực sự để tham gia… thì sẽ không mang lại lợi ích gì. Ông cho rằng trường hợp làm tùy tiện, hình thức và đánh trống bỏ dùi… là điều đáng lo nhất hiện nay.

Cũng theo Thành uỷ Hà Nội, việc xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, đưa nhà trường thực sự trở thành cái nôi nuôi dưỡng, bồi đắp nhân cách, đạo đức, lối sống… cho thế hệ trẻ Thủ đô, để hướng tới hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới.

Thầy Đỗ Việt Khoa, giáo viên trường Trung học Phổ thông Thường Tín ở Hà Nội, khi trả lời Đài Á Châu Tự Do hôm 20 tháng 2 năm 2024, liên quan vấn đề này nhận định:

“Thật ra họ đã đưa vào các trường phổ thông từ hai năm nay môn học có tên ‘Giáo dục địa phương’, có giáo trình có biên soạn hẳng hoi. Giáo trình này chủ yếu nói về tự nhiên, dân cư, xã hội và một vài nét cơ bản về Hà Nội. Các trường Trung học phổ thông sử dụng chung giáo trình như thế, nhưng cũng chỉ đại khái thôi chứ không phải môn chính. Tuy nhiên Hà Nội học hay Việt Nam học nếu dạy phải có giáo trình cho hợp lý, chứ học về tự nhiên, kinh tế, xã hội thì đã được đưa vào một số môn học khác.”

Hà Nội học hay Việt Nam học nếu dạy phải có giáo trình cho hợp lý, chứ học về tự nhiên, kinh tế, xã hội thì đã được đưa vào một số môn học khác.
-Thầy Đỗ Việt Khoa

Theo Thầy Khoa, muốn dạy về mặt ‘văn hóa’ thì nên nói là học về ‘văn hóa Hà Nội’. Nhưng ông Khoa cho rằng, văn hóa Hà Nội hay văn hóa Việt Nam thì rất vô cùng, không thể gói gọn trong một môn học:

“Văn hóa ở đây phải được hiểu là sự tích cực, sự tiến bộ văn minh, chứ không phải học chung chung. Hà Nội học nếu đưa vào học sẽ ôm đồm và chồng chéo. Theo tôi là không cần thiết, thay vì vậy, hãy dạy những cái tích cực hơn như kiên quyết lên án những vấn đề vi phạm đạo đức, vi phạm văn hóa, vi phạm pháp luật… trong ngành giáo dục, trong ngành văn hóa chẳng hạn. Ví dụ tệ nạn của ngành giáo dục như lừa đảo học sinh, ép học sinh học thêm, thu các khoản tiền bất chính của học sinh…

Thầy Đỗ Việt Khoa cho rằng, những tệ nạn trong trường học hiện nay đã đánh chết, quét sạch những gì là văn hóa đạo đức của Hà Nội. Theo ông Khoa cần chấn chỉnh việc này trước khi muốn đưa môn Hà Nội học vào giảng dạy.

Một người dân không muốn nêu tên vì lý do an toàn nói với RFA về việc này:

“Nhu cầu lối sống văn hóa đạo đức là có chứ không phải không. Nhưng những chủ trương chính sách của Nhà nước thì có thể nói thẳng, họ sử dụng văn hóa để tuyên truyền chủ trương chính sách của Nhà nước. Thực sự mà nói đến vấn đề nhu cầu lối sống văn hóa đạo đức của người dân thì rất cần, nhưng chủ trương của Nhà nước thì tôi thấy có vẻ là lồng ghép với chính trị để tuyên truyền thôi.”

000_9VZ3RX.jpg
Ảnh minh họa chụp tại Hà Nội trước đây. AFP PHOTO.

Cũng trong chỉ thị ban hành hôm 19/2/2024, Ban Thường vụ Thành uỷ Hà Nội cũng yêu cầu hoàn thiện các tiêu chí xây dựng “Trường học hạnh phúc” trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên theo Thầy Đỗ Việt Khoa, thực tế khó có thể thực hiện các tiêu chí này:

“Nếu hỏi học sinh theo kiểu phong trào đoàn rằng ‘em đi học có hạnh phúc không?’… thì học sinh sẽ nói ‘có’. Nhưng số đông mà hỏi như thế thì sẽ nhận được câu trả lời ‘bình thường’… thậm chí các em sẽ kể một lô một lốc những chuyện không ‘hạnh phúc’. Một trường thật sự là ‘trường học hạnh phúc’ phải là một môi trường học sinh được học đúng nghĩa, giáo dục đào tạo đúng nghĩa, không có bất cứ tệ nạn gì, không có các khoản thu…”

Nếu hỏi học sinh theo kiểu phong trào đoàn rằng ‘em đi học có hạnh phúc không?’… thì học sinh sẽ nói ‘có’. Nhưng số đông mà hỏi như thế thì sẽ nhận được câu trả lời ‘bình thường’… thậm chí các em sẽ kể một lô một lốc những chuyện không ‘hạnh phúc’.
-Thầy Đỗ Việt Khoa

Thầy Khoa cho rằng, Thành ủy Hà Nội hay lãnh đạo Hà Nội, hay lãnh đạo Bộ Giáo dục có đề ra việc học này, học kia thì theo ông Khoa trong điều kiện hiện nay, tốt nhất hãy đi vào cụ thể, chứ không thể nói chung chung. Ông Khoa nói tiếp:

“Nói phong trào học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, thì cả nước đi học đấy, nhưng mà có bao nhiêu người thật sẽ học được? Học tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh mà phải chứng kiến việc xây dựng trường học lãng phí, đầu tư công còn dàn trải bất hợp lý, chất lượng công trình nhà trường kém… thì chính các lãnh đạo đã tiếp tay cho việc đảo ngược các giá trị học tập trong các trường học.”

Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai cho rằng, sở dĩ Nhà nước Việt Nam bàn luận về vấn đề đạo đức văn hoá vì đã thấy có bất cập. Tuy nhiên, vẫn theo Giám đốc trung tâm nghiên cứu văn hoá Minh Triết Việt, lãnh đạo Việt Nam muốn bàn thì phải bàn đến nơi đến chốn, chứ không thể hời hợt được.