Tết nghèo của người lao động!

Đối với mọi người Việt, theo truyền thống tự bao đời, Tết đến, dù nghèo khó mấy cũng phải cố gắng dọn dẹp nhà cửa, sửa soạn bàn thờ với ít bông hoa; cũng mua sắm thức ăn, bánh mứt cho ba ngày xuân…

Thế nhưng năm nay, dù chỉ còn 10 ngày nữa là đến Tết nguyên đán nhưng sức mua yếu, dù hàng hóa được bày bán không thiếu, cả về chủng loại lẫn kiểu dáng.

Theo truyền thông Nhà nước, sức mua Tết năm nay giảm là do người dân cắt giảm chi tiêu; do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới và lạm phát tăng cao.

Chị Tha ở Trà Vinh nói với RFA chuyện mua sắm Tết năm nay của gia đình chị:

“Nói thiệt tình với em là Tết năm nay nhà chị chưa mua sắm gì hết. Bữa nay ông xã chị bán vé số bị người ta thiếu lại 200 ngàn (đồng) nữa. Thiếu hụt quá trời. Không có dư dả gì hết. Bữa nào hết bữa đó thôi. Bán một ngày 168 tờ vé số lời được 168 ngàn đồng. Bên phường họ cho phiếu đi lãnh quà Tết trị giá 200 ngàn đồng. Họ cho bốn trứng vịt; ba trái khổ qua; năm ký gạo; 10 gói mì tôm; nửa ký đường; hai bịch muối; ba đôi dép. Ăn Tết vậy đó.”

Cô Tuyết quê Tây Ninh lên Sài Gòn làm công nhân thì cho hay:

Chưa mua sắm Tết gì hết. Năm nay khó khăn quá không chuẩn bị gì hết. Tiền không có nhưng cũng phải mua ít bánh mứt ngoài chợ về để có khách tới thì lấy ra mời khách thôi. Anh em trong nhà hùn vô người một miếng thôi chứ không sắm sửa đầy đủ trong nhà ăn Tết đâu.

Chỉ những người giàu, có của ăn của để mới sắm sửa đầy đủ trong nhà thôi. Nhiều người còn bị mất việc về quê hết luôn. Năm nay ai cũng khó khăn chứ không chỉ gia đình em đâu. Nhiều người nói năm nay không ăn Tết luôn. Xóm em chẳng thấy ai chưng bày gì hết vì tình hình chung là nghèo. Không ai mua bán gì được. Ngoài tháng lương 13, năm nay không có thưởng, bổng gì hết”.

Chưa mua sắm Tết gì hết. Năm nay khó khăn quá không chuẩn bị gì hết. Tiền không có nhưng cũng phải mua ít bánh mứt ngoài chợ về để có khách tới thì lấy ra mời khách thôi. Anh em trong nhà hùn vô người một miếng thôi chứ không sắm sửa đầy đủ trong nhà ăn Tết đâu. – Cô Tuyết

Một số người dân chia sẻ với RFA rằng, chuyện mua hoa trang trí nhà cửa là chuyện xa xỉ, thôi thì chờ đến chiều tối 30 ra “lượm” vài chậu về cho có không khí Tết.

Anh Thiệu ở Sài Gòn nói với RFA rằng, đến hôm nay nhà anh chưa sắm gì cho Tết:

“Tình hình Tết năm nay thì buồn nhiều hơn vui rồi đó. Tôi có người bạn thân trồng mai ở làng mai Thủ Đức để bán. Năm nay chỉ dám thuê xe chở 1/10 số mai đi bán so với mọi năm vì biết sức mua rất kém. Những ngành khác cũng đìu hiu lắm. Các mặt hàng đều ế, tình hình kinh tế khó khăn chung. Tôi cũng bình thường như mọi ngày, không sắm sửa Tết gì hết. Tình hình chung ảm đạm lắm. Mà tôi nghĩ, nếu theo cái đà này thì năm 2024 này còn ảm đạm hơn nữa.”

AP21039153235444.jpg
Buôn bán hoa Tết. Reuters.

Báo cáo của Tổng cục Thống kê mới đây cho thấy, trong tháng 1 năm 2024, số doanh nghiệp khó khăn, rời bỏ khỏi thị trường là 54.000 doanh nghiệp, tăng 22,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó có 43.900 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn; gần 8.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể; hơn 2.000 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể.

Cũng theo số liệu Tổng Cục Thống kê công bố cuối tháng 12 năm 2023, trong năm 2023 có 172.600 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Bình quân, một tháng có gần 14.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Tại Hội nghị lần thứ 24 Ban chấp hành Đảng bộ TP.HCM chiều 2 tháng 12 năm 2023, giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP.HCM Lê Văn Thinh đưa ra con số người lao động nghỉ việc nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp trong 11 tháng năm 2023 ở TP.HCM là 156.300 người, thuộc 3.671 doanh nghiệp.

Con số cả trăm ngàn doanh nghiệp ngưng hoạt động chỉ trong hai năm qua kéo theo con số công nhân mất việc không nhỏ, ảnh hưởng chung đến tình hình mua sắm, kinh doanh trong nước.

Cậu Ba, chủ hai nhà hàng ở Sài Gòn và có nhà cho công nhân trọ, chia sẻ nhận định của mình với RFA sáng 30 tháng 1 về tình hình mua sắm Tết ở Sài Gòn:

“So với năm ngoái thì không bằng. Năm ngoái là vẫn còn bình thường. Tháng 3, tháng 5 năm ngoái khách tiệm em còn đông, sau đó giảm dần. Bây giờ ế “banh càng” luôn. Ai cũng than hết. Từ những người bán những món ăn bình dân như cơm tấm, bún gạo. Quán cơm tấm đông nổi tiếng hồi trước 8 giờ hết, bây giờ phải 10 giờ mới hết; bún gạo xào cũng than ế. Quán em giờ đang có ba bàn khách. Như vậy là đông, nhưng chỉ bằng 1/10 so với hồi trước. Hồi trước thời điểm này là khách đầy 30 bàn, có khi hơn. Bây giờ là ế. Có nghĩa là tình hình tệ lắm.

Công nhân trả nhà hàng loạt vì họ không biết sau Tết quay lại có việc làm hay không. Còn 10 ngày nữa Tết nhưng không có không khí Tết; không có một chút sắc xuân. Không có cái gì hết!”

Một nhà quan sát tình hình kinh tế, chính trị ở Sài Gòn (giấu tên vì lý do an toàn) nhận định với RFA:

“Nhìn chung các doanh nghiệp làm ăn cũng bết bát. Người đi xem chợ hoa, chợ Tết thì nhiều nhưng người mua chẳng bao nhiêu. Hàng hóa dồi dào nhưng ế ẩm. Theo tôi, qua đại dịch, tâm lý người Việt thay đổi. Họ không đổ tiền vào cái Tết để rồi ra Giêng thiếu hụt.

Nhìn vào sức mua năm nay cho thấy, về phía nhà nước thì rất phấn khởi trên tivi; thấy tốc độ phát triển kinh tế Việt Nam nhất nhì thế giới. Nhưng nhìn con số tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2023 chỉ có 430 tỷ đô la mà thôi. Không bằng ai hết.

Đừng ru ngủ người dân bằng những con số. Khi tư bản đầu tư vào Việt Nam, họ đem tiền lãi về chính quốc, để chỉ số lại cho lãnh đạo phát biểu trên tivi. Đó là thực chất nền kinh tế Việt Nam hiện nay”.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, GDP năm 2023 của cả nước ước đạt 10.221 nghìn tỷ đồng, tương đương 430 tỷ USD. Trước đó, quy mô nền kinh tế Việt Nam lần đầu tiên được ghi nhận đạt mốc 400 tỷ USD là vào cuối năm 2022, tăng hơn 10 lần so với năm 2000.