Một tàu của Hải quân Mỹ vừa đến cảng Sihanoukville của Campuchia vào ngày 16/12 trong chuyến thăm đầu tiên của tàu chiến Mỹ tới đây kể từ năm 2016 vào khi Hoa Kỳ đang tìm cách cải thiện mối quan hệ quốc phòng với xứ Chùa tháp giữa những lo ngại về việc Trung Quốc đang thiết lập một căn cứ hải quân trá hình tại đây.
Tàu USS Savannah (LCS 28) sẽ có mặt ở cảng Sihanoukville trong vòng năm ngày, đến ngày 20/12. Cảng này cách căn cứ hải quân Ream nơi hai tàu chiến Trung Quốc đang có mặt ở đó nhiều tháng trời chỉ 20 km.
Theo hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, tàu chiến lớp Independence có 100 thuyền viên và đang trong chương trình hoạt động định kỳ ở Biển Đông.
Bộ Quốc phòng Campuchia cho biết chuyến thăm này được thực hiện theo yêu cầu của phía Mỹ nhằm mục đích tăng cường và mở rộng tình hữu nghị và thúc đẩy hợp tác song phương giữa Mỹ và Campuchia”.
“Chuyến thăm mang tính biểu tượng cao khi Mỹ đang cố gắng xây dựng mối quan hệ quốc phòng trở lại với Campuchia, nhất là với lãnh đạo mới của Campuchia” – Ông Rahman Yaacob, một chuyên gia nghiên cứu thuộc Viện Lowy ở Sydney, Úc, nói với RFA.
Thủ tướng Campcuhia Hun Sen đã thôi không giữ chức vụ này vào năm 2023 và con trai ông là Hun Manet lên thay.
Tuy nhiên, cho đến lúc này, tàu USS Savannah, cũng giống như bất cứ tàu chiến không có nguồn gốc Trung Quốc nào khác, đều không thể tiếp cận căn cứ hải quân Ream. Căn cứ này hiện đang trong giai đoạn xây dựng cuối trước khi được chuyển giao cho hải quân Campuchia. Một số nguồn tin cho biết căn cứ đang gần hoàn tất.
Trong số những công trình tại căn cứ hải quân, có một cảng nước sâu có thể chứa tàu chiến lớn hơn tàu USS Savannah.
“Phía Campuchia đã thoogn báo cho phía Mỹ biết rằng công việc tại cảng và các cơ sở khác để tiếp nhận tàu nước ngoài vẫn đang được tiến hành” – ông Rahman cho biết sau khi đã có những nghiên cứu gần đây về căn cứ Ream.
“Hai tàu chiến Trung Quốc tại căn cứ Ream có mục đích đào tạo nhân sự cho hải quân Campuchia và để thử các cơ sở” – ông Rahman nói với RFA.
“Một khi các công việc đã hoàn tất và bàn giao, Ream sẽ mở cửa cho hải quân tất cả các nước” – ông Rahman dẫn thông tin từ các nguồn của Campuchia.
Căn cứ hải quân trá hình
Campuchia đã nhiều lần bác bỏ thông tin là quân đội Trung Quốc sẽ đóng quân vĩnh viễn tại đây, và nói rằng điều này là vi hiến.
Tuy nhiên, vẫn có những lo ngại từ phía quốc phòng Mỹ rằng Bắc Kinh đang tạo một tiền lệ tại Ream vốn rất gần với khu vực Biển Đông đang có tranh chấp và các đường vận chuyển hàng hải của nước này.
Một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ nói với RFA trong điều kiện ẩn danh rằng, mặc dù Ream khó có thể tăng cường đáng kể khả năng của Trung Quốc ở Biển Đông, “chúng tôi lo ngại về tiền lệ Trung Quốc thiết lập các căn cứ ở nước ngoài”.
Với sự hiện diện lâu dài và quyền tiếp cận ưu tiên, Trung Quốc đã thiết lập một căn cứ hải quân trá hình tại Ream.
“Chúng tôi không thể thay đổi được điều đó” – quân chức quân sự Mỹ nói.
Hoa Kỳ từ lâu đã phàn nàn về sự thiếu minh bạch về dự án tại Ream. Vấn đề này đã gây thêm căng thẳng trong quan hệ giữa Mỹ với Campuchia.
Campuchia đã hoãn tập trận chung hàng năm có tên Angkor Sentinel với Mỹ vào năm 2017. Căn cứ Ream do Mỹ tại trợ bị phá bỏ vào năm 2020.
Vào năm 2021, Mỹ bỏ một chương trình học bổng cho phép công dân Campuchia vào học tại Học viện quân sự West Point, nơi ông Hun Manet đã theo học. Lý do được đưa ra là vì “mối hợp tác yếu trong nhiều lĩnh vực quân sự song phương truyền thống”.
Washington cũng chỉ trích Phnom Penh vì những vi phạm nhân quyền và việc đàn áp phe chính trị đối lập.
Quan hệ song phương đã nồng ấm trở lại vào hè năm nay sau chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin tới Phnom Penh. Hai nước đã đồng ý sẽ khởi động lại các tập trận quân sự và chấp nhận sinh viên của Campuchia vào lại West Point, nhưng chưa quyết định vào khi nào và bằng cách nào.
Các quốc gia có đồng chí hướng với Mỹ nên tiếp tục có quan hệ với Campuchia để đối trọng lại ảnh hưởng đang lên của Trung Quốc trong khu vực, chuyên gia Rahman nói.
Ông cho rằng Ream, trước tiên, sẽ cho Trung Quốc một lợi thế không thể chối cãi là thu thập tin tình báo chống lại các quốc gia khác.
Việt Nam, nước láng giềng của Campuchia và là nước có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ hiện đang lo lắng về hệ thống radar tại Ream, ông Rahman cho biết.
“Hệ thống radar này có thể vươn tới TP. HCM và các nhân viên Trung Quốc đang vận hành nó có thể theo dõi không lưu ở phần phía nam của Việt Nam” – vị chuyên gia nói.