Tại sao không thực hiện khủng bố nhưng lại bị cáo buộc khủng bố?

Khi nghe về khái niệm khủng bố, công chúng thường liên tưởng đến các hình ảnh bạo lực, phá hoại bằng đặt mìn, nổ bom, xả súng vào đám đông người vô tội … gây hoang mang, lo sợ trong công chúng. Như từng xảy ra ở Afghanistan, Iraq, Libia, Syria. Thậm chí, bằng cả không tặc làm cả thế giới kinh hoàng khi chứng kiến trên màn ảnh truyền hình về sự kiện khủng bố ngày 11/09/2001 làm đổ sụp 2 tòa tháp Trung tâm Thương mại Thế giới tại thành phố New York, Hoa Kỳ, gây tử vong gần 3 nghìn nạn nhân trong phút chốc.

Với tính chất nguy hiểm như vậy, cho nên, luật pháp của hầu hết các quốc gia trên thế giới đều điển chế tội danh khủng bố trong luật hình sự để chế tài hành vi phạm tội. Luật pháp Việt Nam cũng không có ngoại lệ. Trong Bộ luật Hình sự hiện hành đã dành 03 điều luật quy định chế tài liên quan đến khủng bố : Điều 113 quy định về “Tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân”, điều 299 quy định về “Tội Khủng bố”, điều 300 quy định về “Tội tài trợ khủng bố”.

Qua đó, chúng ta không thể tự hỏi: Tại sao hình phạt của tội danh khủng bố rất nặng, thế nhưng tại sao người dân trong nước không sợ, mà lại vẫn thực hiện hành vi khủng bố, đưa đến việc bị bắt giữ thường xuyên, thậm chí hàng tuần đều có người bắt giữ, khởi tố?

Tháng 11/2019, tòa án của chế độ Cộng Sản tại Sài Gòn đưa nhóm các ông Châu Văn Khảm, Nguyễn Văn Viễn, Trần Văn Quyền ra xét xử về tội danh này với hình phạt rất nặng: Ông Châu Văn Khảm là 12 năm tù giam và trục xuất khỏi Việt Nam sau khi mãn hạn tù, ông Nguyễn Văn Viễn là 11 năm tù và 5 năm quản chế, ông Trần Văn Quyền là 10 năm tù và 5 năm quản chế.

Nếu được tham khảo cáo trạng của vụ án, chắc chắn, công chúng sẽ rất ngạc nhiên khi trong hồ sơ không có bất kỳ chứng cứ nào mô tả về những âm mưu hoặc hành vi bạo lực, bạo động, phá hoại của nhóm 3 người này để nhằm mục đích gây hoang mang, lo sợ trong dân chúng cả!

Theo cáo trạng, vào tháng 01/2019, ông Châu Văn Khảm được mô tả là người Việt định cư tại Úc, ông là thành viên tổ chức Việt Tân (Việt Nam Canh Tân Cách mạng Đảng) trở về Việt Nam gặp gỡ với một số bạn hữu và họ một ít tiền. Sau đó, ông bị lực lượng an ninh Việt Nam bắt giữ cùng với một số người khác.

Thế thì, tại sao họ không có hành vi khủng bố như bạo lực, bạo động, phá hoại, nhưng lại bị truy tố về tội khủng bố?

Câu trả lời nằm ở tam đoạn luận này:

– Tổ chức Việt Nam Canh Tân Cách Mạng Đảng (tổ chức Việt Tân) bị Bộ Công an xếp vào tổ chức khủng bố tại Việt Nam vào năm 2016.

– Các ông Khảm, Viễn và Quyền tham gia tổ chức Việt Tân.

– Vậy, họ là kẻ phạm tội khủng bố phải bị truy tố.

Cho thấy, chính yếu tố tham gia tổ chức Việt Tân khiến họ bị truy tố.

Điều này được khẳng định trong chính thông báo của Bộ Công An khi xếp Việt Tân vào danh sách những tổ chức khủng bố vào năm 2016, nguyên văn như sau:

“Việt Tân là tổ chức khủng bố, do đó, người nào có hành vi tham gia, tuyên truyền, lôi kéo, xúi dục người khác tham gia, tài trợ nhận tài trợ của Việt Tân; Tham gia các khóa huấn luyện do Việt Tân tổ chức; Hoạt động theo sự chỉ đạo của Việt Tân sẽ đồng phạm tội khủng bố, tài trợ khủng bố và sẽ bị xử lý theo quy định của luật pháp Việt Nam”.

Tam đoạn luận vừa nêu về trường hợp của tổ chức Việt Tân cũng là câu giải đáp chung về trường hợp người dân khác bị bắt giữ, khởi tố, chỉ vì họ tham gia vào các tổ chức bị Bộ Công an xếp vào dạng tổ chức khủng bố. Đa phần đều liên quan đến Chính Phủ Quốc Gia Việt Nam Lâm Thời của ông Đào Minh Quân.

Hiện nay, ít nhất đã có 5 tổ chức của người Việt ở nước ngoài bị Bộ Công An xếp vào tổ chức khủng bố như vậy, gồm:

Việt Nam Canh Tân Cách Mạng Đảng (Việt Tân)

Triều Đại Việt

Chính Phủ Quốc Gia Việt Nam Lâm Thời

Nhóm Hỗ Trợ Người Thượng

Người Thượng Vì Công Lý

Điều đáng nói là nhiều tổ chức trong nhóm 5 tổ chức bị xếp vào nhóm khủng bố nêu trên không hề có tôn chỉ, mục đích, phương thức đấu tranh… liên quan đến khủng bố.

Thậm chí, Việt Nam Canh Tân Cách Mạng Đảng (Việt Tân) đã ghi rõ trên trang chủ của họ về phưng thức đấu tranh bất bạo động.

Cho dù có khủng bố thật hay không, việc chế độ đặt các tổ chức có quan điểm chính trị chống lại mình vào danh sách khủng bố là một thủ đoạn đầy thâm hiểm. Một mặt, đặt các tổ chức này vào vị thế bất hợp pháp từ trong nước, mặt khác, toan tính mượn tay chính phủ nơi các tổ chức này thành lập (Hoa Kỳ và Canada) để loại bỏ họ nhân danh chống khủng bố.

Tuy toan tính thâm hiểm, nhưng thực tế lại hoàn toàn vô ích.

Các chính phủ Hoa Kỳ và Canada đều cho rằng họ chỉ là các tổ chức chính trị đối lập với chế độ Cộng Sản ở Việt Nam mà thôi. Là những quốc gia dân chủ, chính quyền ở đó hoàn toàn tôn trọng sự đối lập chính trị, thậm chí, cổ súy và khuyến khích. Vì họ hiểu rất rõ lợi ích của sự đối lập chính trị có giá trị tích cực như thế nào đối với sự phát triển của một quốc gia.

Việc chế độ xếp các tổ chức trên thành tổ chức khủng bố chỉ phát sinh hậu quả tiêu cực cho nhiều người dân mà thôi. Nhất là nhiều người dân ít có dịp tiếp cận với thông tin cần thiết, đã ngây thơ tin cậy vào những lời dụ dỗ trên trang YouTube của tổ chức do ông Đào Minh Quân như Chính Phủ Quốc Gia Việt Nam Lâm Thời, nên đã tham gia bỏ phiếu bầu chức vụ tổng thống hoặc quốc vương cho ông ấy, hoặc chào đón ông ấy về Việt Nam để chấp chính, nhận bàn giao chính quyền, giải tán Cộng Sản… Bấy nhiêu đã đủ cấu thành tội danh khủng bố để cho lực lượng an ninh trong nước bắt giữ, khởi tố và chế tài với những hình phạt nặng nề.

Điều khốn nạn nhất là khi chế độ đã biết rất rõ những hoạt động của Chính Phủ Quốc Gia Việt Nam Lâm Thời do ông Đào Minh Quân đứng đầu chỉ như phường tuồng diễn trò, và người dân thì ngây thơ, dễ tin… Thế nhưng, vẫn trừng phạt họ rất nặng chỉ vì trót tham gia các hoạt động theo lời dụ dỗ trên trang của tổ chức này.

Đây là quan điểm hiện nay của chính quyền xử lý về tội phạm liên quan đến khủng bố mà công chúng cần biết để có các ứng xử phù hợp, tránh vô tình vướng vào các rủi ro pháp lý đôi khi rất nặng nề chỉ vì sự vô ý, thiếu thông tin và ngây thơ của mình.

*Bài viết không thể hiện quan điểm của RFA.