Ông Tô Lâm quẳng cái đe sắt cho đối thủ đang sắp chết đuối

Việc Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) Tô Lâm – dưới danh nghĩa chống tham nhũng – sử dụng Bộ Công an như một vũ khí để buộc các đối thủ từ chức đã được ghi nhận rõ ràng.

Từ tháng 12/2022 đến tháng 5 năm nay, tám ủy viên Bộ Chính trị đã từ chức, mở đường cho ông Tô Lâm – người vốn đứng đầu ngành công an – kế nhiệm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sau khi ông này qua đời vào tháng 7 vừa qua. 

Bằng chứng sai phạm của mỗi trường hợp đã được trình lên các phiên họp của Bộ Chính trị và mỗi quan chức cấp cao này đều đã được dành cho một lối ra mang tính giữ thể diện. 

Tất cả đều được hạ cánh an toàn và được giữ lại phần lớn tài sản, lợi ích tại các doanh nghiệp cũng như địa vị. Không ai bị đưa ra xét xử.
Nhưng điều này có thể sẽ thay đổi.

Các biện pháp này đều là quyết định của Bộ Chính trị dựa trên các khuyến nghị của Ủy ban Kiểm tra Trung ương (UBKT) – cơ quan điều tra của Ban Chấp hành Trung ương, chuyên kiểm tra, giám sát tham nhũng xảy ra ở cấp lãnh đạo trung ương.

UBKT có thể đề xuất bốn mức kỷ luật lên Bộ Chính trị: Khiển trách, cảnh cáo, cách chức trong Đảng và khai trừ ra khỏi Đảng. Cơ quan này cũng có thể đề xuất các biện pháp kỷ luật [mang tính tập thể] đối với toàn bộ các ban của đảng. 

P2.jpg
Chủ tịch nước Việt Nam Tô Lâm tham dự lễ tang Tổng Bí thư ĐCSVN Nguyễn Phú Trọng tại Hà Nội, ngày 25/7/2024. Nguồn ảnh: TTXVN/Reuters

Vào tháng 11 năm nay, UBKT đã đề nghị Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo đối với cựu Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ – người đã buộc phải từ chức vào tháng 4.

Tại cùng phiên họp, UBKT đã quyết định không đưa ra kết luận kỷ luật đối với cựu Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng với lý do ông Thưởng có vấn đề về sức khỏe. Ông Thưởng đã bị buộc phải từ chức vào tháng 3 năm nay.

Có thông tin cho hay ông Thưởng đang mắc ung thư phổi giai đoạn 3 nhưng đã bị ngăn chặn không cho ra nước ngoài điều trị.

‘Hậu quả nghiêm trọng’

UBKT kết luận rằng ông Huệ và cựu Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể đã “vi phạm quy định của Đảng và Nhà nước trong việc thực hiện chức trách, có các vi phạm liên quan đến chống tham nhũng, gây hậu quả nghiêm trọng và ảnh hưởng đến uy tín của Đảng và Nhà nước”. 

UBKT tiếp tục các cuộc điều tra và đưa ra các biện pháp kỷ luật đối với ba cựu quan chức cấp cao trong phiên họp giữa tháng 12.

Ngày 13/12, Bộ Chính trị đã đưa ra biện pháp kỷ luật cảnh cáo đối với cựu Thủ tướng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và cựu Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình.

Ông Phúc bị nêu đích danh vì vi phạm các quy định của Đảng và Nhà nước trong việc thực hiện nhiệm vụ và trách nhiệm “đặc biệt trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực”. 

Ngoài ra, ông còn vi phạm quy định của Đảng về “những điều đảng viên không được làm” mặc dù thông báo của Bộ Chính trị không nêu rõ đó là những điều gì.

P3.jpg
Trưởng Ban Dân vận Trung ương ĐCSVN Trương Thị Mai (trái) và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự một phiên họp của Quốc hội khóa 14 tại Hà Nội – Ảnh chụp ngày 20/7/2016. Nguồn ảnh: Hau Dinh/AP

Bà Trương Thị Mai – cựu Thường trực Ban Bí thư ĐCSVN, người phụ nữ giữ vị trí cao nhất trong chính trường Việt Nam tính tới thời điểm trước khi bà từ chức vào tháng 5 năm nay – cũng bị kỷ luật trong dịp này.

Bà bị kỷ luật khiển trách vì đã “vi phạm các quy định về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, vi phạm các quy tắc đạo đức đối với đảng viên và các quy định về trách nhiệm nêu gương”. 

Gia đình bà Mai có rất nhiều lợi ích doanh nghiệp trong lĩnh vực y tế – một lĩnh vực được hưởng lợi từ đại dịch COVID-19.

Những hình thức kỷ luật này đều là các biện pháp kỷ luật nội bộ trong Đảng Cộng Sản (ĐCS). 

Giống như Trung Quốc, các biện pháp này quan trọng vì Đảng thường tiến hành điều tra các quan chức cấp cao của mình trước khi hệ thống tư pháp có thể xử lý họ.

Có nguy cơ bị khởi tố?

Cánh cửa cho việc khởi tố giờ đây đã được mở mặc dù điều này không có nghĩa là bất kỳ ai trong số những cựu lãnh đạo nói trên cũng sẽ phải đối mặt với nguy cơ pháp lý. 

Khởi tố một ủy viên Bộ Chính trị là điều hiếm thấy. Kể từ thời kỳ Đổi mới (bắt đầu vào năm 1986), chỉ có một trường hợp duy nhất bị khởi tố là ông Đinh La Thăng.

Ông Hoàng Trung Hải – một ủy viên Bộ Chính trị khác cùng thời kỳ đó cũng bị cảnh cáo nhưng chưa bao giờ bị khởi tố. 

Tuy nhiên, trường hợp của ông Phúc có thể khác.

Vụ việc đang được điều tra là một dự án phát triển du lịch sinh thái trị giá một tỷ USD tại tỉnh Lâm Đồng thuộc khu vực Tây Nguyên, do Công ty Cổ phần Đại Ninh Sài Gòn triển khai. Phần lớn kinh phí của dự án vừa mới bắt đầu này dường như đã bị biển thủ.

Cả ông Phúc và cựu Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đều có liên quan tới cuộc điều tra tham nhũng kéo dài đối với ông Mai Tiến Dũng, cựu Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.

Ông Dũng khai với cơ quan hữu trách rằng ông hỗ trợ dự án ở tỉnh Lâm Đồng theo chỉ đạo của “cấp trên”. Ông Phúc lúc đó là Thủ tướng và được cho là đã nhận khoản hối lộ ba triệu USD để phê duyệt dự án.

Điều tồi tệ nhất có thể đến bất cứ lúc nào

Ông Dũng không nhận trách nhiệm hay hy sinh cho ai cả. Dự án du lịch sinh thái này đã khiến ba quan chức cấp cao cấp tỉnh mất chức vào giữa năm 2024.

Tòa án tiếp tục điều tra Công ty Sài gòn Đại Ninh – vốn có liên quan đến một cuộc điều tra lớn hơn về bà Trương Mỹ Lan.

Trong vụ bê bối đó, 58% cổ phần của Sài Gòn Đại Ninh đã được bán cho Tập đoàn Vạn Thịnh Phát của bà Lan mặc dù chủ sở hữu của công ty này đã cố gắng biển thủ số tiền mà bà Lan đã trả cho ông ta tại thời điểm bà bị bắt.

Bà Lan bị kết án tử hình vào năm 2024 vì bí mật kiểm soát Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB) và chuyển hơn 90% các khoản vay của ngân hàng này cho chính mình, tập đoàn Vạn Thịnh Phát, và các công ty liên kết khác, gây thiệt hại cho ngân hàng này khoảng 24 tỷ USD.

Hiện tại, bà Lan đang cố gắng trả lại ba phần tư số tiền đã biển thủ để tránh án tử hình.

Mặc dù còn mong manh, nhưng hiện đã có sợi dây liên hệ trực tiếp giữa ông Phúc và vụ tham nhũng lớn nhất trong lịch sử Việt Nam.

Bà Lan được cho là đã hối lộ ông Phúc và vợ ông – bà Trần Thị Nguyệt Thu – một số tiền lớn.

Vợ và con gái ông Phúc – cô Nguyễn Thị Xuân Trang – cũng đang bị điều tra vì đã giúp cháu bà Lan – ông Trương Khánh Hoàng – khi đó là quyền giám đốc ngân hàng SCB, rửa tiền sang Hồng Kông.

Trong một vụ án riêng biệt khác, bà Lan bị kết án tù chung thân vì tội rửa tiền.

Trong tất cả những vụ việc này, điều quan trọng cần phải hiểu là ông Phúc không chỉ là đối thủ chính trị mà còn là đối thủ kinh doanh của ông Tô Lâm.

Gia đình ông Phúc hiện nắm cổ phần kiểm soát tại Tập đoàn Trung Nam, trực tiếp cạnh tranh trong hầu hết các lĩnh vực với tập đoàn Xuân Cầu thuộc sở hữu của ông Tô Dũng –  em trai ông Tô Lâm. 

Điều tồi tệ nhất có thể đến với ông Phúc bất cứ lúc nào.

Tuy nhiên, vào thời điểm này, khả năng ông cựu thủ tướng, cựu chủ tịch nước cùng với một số thành viên trong gia đình ông, sẽ bị điều tra hình sự là nhiều hơn khả năng không bị. 

Một người sắp chết đuối đang sắp được quẳng cho cho một cái đe sắt.

*Zachary Abuza là giáo sư tại Đại học Chiến tranh Quốc gia Hoa Kỳ ở Washington và là trợ giảng tại Đại học Georgetown. Các quan điểm thể hiện trong bài viết này là của riêng tác giả và không phản ánh quan điểm của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, Trường Đại học Chiến tranh Quốc gia Hoa Kỳ, Đại học Georgetown hay RFA.