Ông Đoàn Văn Báu kiểm soát tăng đoàn sư Minh Tuệ như thế nào?

Ông Đoàn Văn Báu, mới đây đã nói trong một livestream của mình rằng nhà nước Việt Nam đã có các công văn chỉ đạo ông làm “trưởng đoàn” đưa sư Minh Tuệ cùng các sư nhỏ sang Ấn Độ. 

Điều này là trái ngược với tuyên bố ban đầu của ông, trước khi chuyến đi bắt đầu, rằng ông “chỉ một công dân bình thường, đã nghỉ hưu và tình nguyện hỗ trợ sư Minh Tuệ trong chuyến bộ hành sang Ấn Độ.”

Vậy, ông Đoàn Văn Báu là ai, vai trò của thực sự của ông Báu trong chuyến bộ hành này là gì? Đơn giản chỉ là một công dân bình thường có lòng muốn hộ tống sư Minh Tuệ cùng một vài sư nhỏ đến Ấn Độ như lời ông nói ban đầu, hay là thừa lệnh chính quyền đưa tăng đoàn ra khỏi Việt Nam?

Đoàn Văn Báu là ai?

Trên kênh YouTube cá nhân, ông Báu tự giới thiệu mình là một cựu sỹ quan an ninh đã về hưu và vẫn còn sinh hoạt đảng. Ông từng giữ chức Vụ trưởng Vụ Lý luận Chính trị, Ban Tuyên giáo Trung ương, cấp bậc Thượng tá. Hiện tại là Cộng Tác viên Ban Tuyên Giáo trung ương lĩnh vực Phân tích tâm lý tội phạm.

Ông Báu cho biết đã theo dõi hành trình của sư Minh Tuệ từ khi thông tin xuất hiện trên mạng xã hội và rất ngưỡng mộ sự kiên định, quyết tâm tu tập của vị sư này. Do đó, ông quyết định bỏ thời gian và tài chính hỗ trợ sư Minh Tuệ bộ hành sang Ấn Độ.

Về vai trò của ông Đoàn Văn Báu trong tăng đoàn sư Minh Tuệ, phóng viên RFA đã có mặt ở tỉnh Ubon Ratchathani (hay còn được gọi tắt là tỉnh Ubon), một tỉnh giáp biên giới giữa Thái Lan và Lào, từ ngày 30/12/2024 đến ngày 2/1/2025, để đưa tin về những thông tin đầu tiên sư Minh Tuệ cùng tăng đoàn đặt chân đến đất Thái.

Trong quãng thời gian này, chúng tôi đã có những trải nghiệm về việc ông Báu đã kiểm soát mọi hoạt động của tăng đoàn như thế nào.

Kiểm soát ai được tiếp xúc tăng đoàn

Khoảng 10 giờ sáng ngày 31/1/2024, khu vực cửa khẩu Chong Mex (tỉnh Ubon, Thái Lan), nằm sát biên giới với cửa khẩu Vang Tao của Lào, trở nên nhộn nhịp với sự xuất hiện của gần 20 YouTuber Việt Nam. Họ chờ đợi để ghi lại hình ảnh của sư Thích Minh Tuệ cùng tăng đoàn khi nhập cảnh vào đất Thái.

Không chỉ có các YouTuber, khoảng 100 người dân địa phương, bao gồm tiểu thương và tài xế xe tuk-tuk Thái Lan và Lào mưu sinh gần biên giới, cũng tập trung để đảnh lễ các vị sư. Khi đoàn bộ hành tiếp tục di chuyển khỏi cửa khẩu, những người dân này trở về công việc thường ngày, trong khi các YouTuber vẫn bám theo để quay phim.

Tăng đoàn lúc này gồm có ông Đoàn Văn Báu và Lê Khả Giáp, hai người đã đồng hành cùng tăng đoàn từ khi còn trên đất Lào. Ngoài ra, còn có hai người Thái Lan đảm nhiệm công tác hậu cần. 

Trong hành trình, các nhà sư di chuyển thành hàng một, sư Minh Tuệ đi cuối cùng. Ông Báu, Giáp và Therawat thường xuyên đi sát bên hoặc ngay sau sư Minh Tuệ. Phía sau đoàn là một chiếc xe bán tải hậu cần. Những người này ngăn cản bất cứ ai đến gần tăng đoàn, với lý do “bảo vệ an toàn cho các nhà sư”.

báu1.jpg
Ông Đoàn Văn Báu và Lê Khả Giáp đi sát tăng đoàn, chiếc xe bán tải hậu cần chạy theo sau cùng. Ảnh: RFA

Tuy nhiên, thực tế cho thấy trên suốt chặng đường từ biên giới vào nội địa Thái Lan, không hề có đám đông gây mất trật tự hay có khả năng gây nguy hiểm cho tăng đoàn. 

Các YouTuber cũng bị buộc phải giữ khoảng cách hàng chục mét hoặc đứng bên kia đường để quay phim. Trong giờ nghỉ trưa, buổi tối, hay lúc các sư thọ thực, ông Báu nghiêm cấm bất kỳ YouTuber nào tiếp cận khu vực nghỉ ngơi của các nhà sư.

Tuy nhiên, không phải tất cả YouTuber đều bị ngăn cản. Một nhóm YouTuber đi theo đoàn trong nhiều ngày lại được phép quay phim và tiếp cận gần khu vực các nhà sư ngủ nghỉ. Ông Báu sau đó giải thích trên livestream rằng nhóm này là các tình nguyện viên người Việt ở Thái đến để hỗ trợ tăng đoàn, nên họ được đặc cách quay phim các nhà sư.

Trong ngày đầu tác nghiệp, phóng viên RFA cũng gặp khó khăn tương tự. Khi đặt máy quay gần lề đường để ghi lại hình ảnh đoàn bộ hành, chúng tôi bị chiếc xe bán tải của nhóm hậu cần đậu chắn ngay tầm nhìn. 

Ông Báu xuất hiện ngay sau đó, tự nhận mình là “trưởng đoàn” và yêu cầu bất kỳ hoạt động nào cũng cần có sự đồng ý của ông. 

Khi phóng viên RFA đưa thẻ phóng viên của Thái Lan thì ông Báu thay đổi thái độ, trở nên cởi mở hơn và cam kết sẽ “tạo điều kiện” cho phóng viên Thái Lan đưa tin. Từ thời điểm đó, chúng tôi có thể quay phim, chụp ảnh các nhà sư ở vị trí gần hơn mà không bị ông Báu ngăn cản như hầu hết các Youtuber khác.

Định hướng thông tin

Minh Tue.jpg
Sư Minh Tuệ nghỉ trưa tại một căn nhà hoang hôm 1/1. Ảnh: RFA

Không chỉ kiểm soát người nào được tiếp xúc với sư Minh Tuệ. Ông Báu còn định hướng và kiểm duyệt thông tin đối với phóng viên và cả YouTuber.

Ngày thứ hai tác nghiệp, 1/1/2025, trong thời gian các sư đang nghỉ trưa tại một ngôi nhà hoang nằm trong một khu vườn cách khá xa mặt đường chính, phóng viên RFA gặp ông Báu và đề nghị thực hiện một cuộc phỏng vấn với sư Minh Tuệ. Chúng tôi buộc phải cung cấp tất cả các câu hỏi cho ông Báu trước khi được phép vào gặp sư Minh Tuệ.

Sau khi vào nơi nghỉ chân của các nhà sư để chuẩn bị phỏng vấn, chúng tôi đề nghị ông Báu rời đi nhưng ông Báu không đồng ý. Ông Báu nói chỉ ngồi gần đó nghe chúng tôi hỏi gì chứ không can thiệp vào câu trả lời của sư Minh Tuệ. Ông nói làm như vậy để đảm bảo chúng tôi không đặt những câu hỏi liên quan đến chính trị, xã hội:

“Tôi có một nguyên tắc là không hỏi đến chính trị, chỉ hỏi đến văn hóa, con người thôi…” 

Lúc này, sư Minh Tuệ ngồi đó đã lên tiếng rằng “anh Báu cứ để cho họ hỏi, không sao đâu.”

Tuy nhiên, ông Báu viện dẫn lý do chúng tôi có thể cắt ghép thông tin nên từ chối rời đi: “Mình không kiểm soát được thông tin đó thì nó có hại cho mình, chứ không đơn giản.” – ông Báu nói với sư Minh Tuệ.

Ngoài ra, ông Báu còn yêu cầu chúng tôi phải cam kết trước máy quay của ông ấy rằng sẽ gởi tất cả các bài viết hay video cho ông ấy duyệt trước khi đăng tải lên tờ báo của mình.

“Nhưng mà trước khi tụi em đăng có thể đưa anh xem qua. Có thể thầy nói một kiểu rồi các bạn cắt và đăng theo kiểu khác. Tôi không kiểm soát được nội dung thì tôi sẽ không cho các bạn phỏng vấn.”

Điều này đi ngược lại với nguyên tắc báo chí của RFA nên chúng tôi từ chối và bị buộc phải rời đi mà không thực hiện được cuộc phỏng vấn.

Trước khi rời đi, sư Minh Tuệ còn một lần nữa nói với ông Báu rằng: “Mình biết gì nói đấy, nên là không sao đâu, cho họ (phỏng vấn – PV) đi.”

Tuy nhiên lúc này, ông Báu cầm máy quay trả lại và yêu cầu chúng tôi rời đi với lý do “để cho thầy nghỉ ngơi.” 

Để đối phó với các YouTuber tự ý đi theo tăng đoàn, trong các buổi livestream trước đây, ông Báu thường đe dọa rằng nếu cố tình bám theo đoàn để quay phim chụp hình bất cứ thành viên nào trong đoàn thì sẽ bị xử lý theo luật pháp của nước sở tại.

Đồng thời, ông Báu cũng nhiều lần giới thiệu người lái xe của đoàn là cán bộ an ninh mạng của Thái Lan. Một người khác tên Therawat là “người của Hoàng gia Thái Lan được cử để bảo vệ tăng đoàn”. Tuy nhiên, ông Therawat sau đó đính chính rằng ông chỉ là một doanh nhân bình thường, không liên quan đến Hoàng gia.

Ngày 3/1, báo BenarNews của RFA cũng đã đăng tin cho biết Văn phòng Phật giáo của tỉnh Ubon Ratchanthani không nhận được thông tin gì về chuyến đi của đoàn nhà sư Thích Minh Tuệ sang Thái Lan và cũng không có sự phối hợp trước đó với phía Việt Nam. 

Báo chí chính thống trong nước cũng không đưa bất kỳ một thông tin nào về chuyến đi này. Mặc dù chuyến bộ hành của sư Minh Tuệ đã diễn ra gần một tháng và thu hút sự chú ý khủng khiếp từ cộng đồng người Việt khắp nơi trên thế giới. Tất cả các  thông tin được cập nhật về tăng đoàn gần như chỉ được đăng tải trên kênh của ông Báu, Giáp và một số thành viên đi thảo đoàn làm công tác hậu cần. 

Kiểm soát những ai được gia nhập tăng đoàn.

Ông Đoàn Văn Báu, ban đầu tự nhận là ông đã đến xin gặp và tự nguyện hỗ trợ cho sư Minh Tuệ đến Ấn Độ. Tuy nhiên sau này, ông Báu dần trở thành “trưởng đoàn” và có thể quyết định những ai được đi theo tăng đoàn.

Trong một video do chính ông Báu đăng tải trên kênh YouTube của mình hôm 12/12 về công tác chuẩn bị cho hành trình sang Ấn Độ, sư Minh Tuệ cũng chỉ nhờ ông Báu giúp về giấy tờ thủ tục để qua hải quan các nước, chứ không ủy quyền cho ông Báu sắp xếp tổ chức hoạt động của tăng đoàn.

Trong một văn bản do công ty Phát tâm Thiên Định Tuệ – do anh trai sư Minh Tuệ thành lập – công bố hôm 1/12 có nêu rõ 10 cá nhân được đi theo hỗ trợ sư Minh Tuệ đi Ấn Độ, nhưng đến ngày khởi hành thì chỉ có hai trong số 10 người này được đi theo đoàn là ông Đoàn Văn Báu và Lê Khả Giáp. Những người hậu cần qua từng quốc gia cũng do ông Báu lựa chọn.

Ông Nguyễn Thái Tâm, là người có tên trong danh sách này cũng bị ông Đoàn Văn Báu từ chối không cho đi cùng sư Minh Tuệ.

Ông Báu cũng không cho sư Phước Nghiêm hay sư Minh Khổ đi theo tăng đoàn với lý do không có tên trong danh sách đoàn bộ hành do cơ quan chức năng Việt Nam đăng ký với nước sở tại.

Hôm 3/1, ông Báu công bố trên kênh YouTube của mình danh sách 9 vị sư khác có thể sẽ gia nhập đoàn trong thời gian tới. Danh sách này, theo ông Báu nói là đã được thảo luận với các sư trong tăng đoàn.

Sư Minh Tuệ, khi trả lời BBC tiếng Việt về vấn đề lựa chọn vị sư nào sẽ đi cùng đoàn đã nói rằng ông Báu quyết định được.

Khi livestream hôm 7/1, ông Báu nói rằng kể từ khi đặt chân lên đất Thái thì mỗi ngày đều xảy ra “kiếp nạn” mà ông phải giải quyết. Từ chuyện xử lý những người đi theo tăng đoàn mà không được sự cho phép của ông, cho đến chuyện đối phó với các phóng viên nước ngoài. Ông Báu cho rằng những sự việc xảy ra không những ảnh hưởng tới sư Minh Tuệ mà còn ảnh hưởng tới cả đoàn. 

Do đó, ông đề nghị sư Minh Tuệ không can thiệp vào việc sắp xếp, tổ chức của đoàn bộ hành: “Tất cả việc tu tập thì không ý kiến gì. Nhưng mong thầy không can thiệp vào việc tổ chức, sắp xếp cũng như điều hành của con đối với đoàn.”

Như vậy, từ một người ban đầu muốn hỗ trợ sư Minh Tuệ về mặt giấy tờ thủ tục xuất nhập cảnh các nước, giờ đây ông Báu gần như kiểm soát mọi hoạt động của đoàn bộ hành đưa các vị sư sáng Ấn Độ.