Những vấn đề xung quanh dự án điện hạt nhân Ninh Thuận

Hôm 30 tháng 11, Quốc hội Việt Nam thông qua nghị quyết quyết định khởi động lại dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận. Trong chuyến thị sát địa điểm quy hoạch dự án sau đó, Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định “chủ trương khởi động lại dự án điện hạt nhân Ninh Thuận đã có. Nhân dân đồng tình, thì cần xây dựng kế hoạch để bắt tay vào làm và triển khai có hiệu quả. Chậm là lãng phí.”

Có những điều nếu “chậm là lãng phí,” nhưng theo các chuyên gia, với điện hạt nhân ở một nước như Việt Nam, nhanh có thể còn “lãng phí” hơn. 

Ở lần triển khai dự án trước, bắt đầu từ năm 2010, có rất nhiều tiếng nói phản biện dự án. Bộ Chính trị và sau đó Quốc hội Việt Nam đã quyết định hủy bỏ dự án năm 2016. Thế nhưng, lần này, trong hai tháng qua, các quan chức và cơ quan truyền thông của Việt Nam liên tục ca ngợi chủ trương này mà hầu như không thấy tiếng nói phản biện nữa. 

Năng lực của chính quyền 

Tháng Năm năm 2023, chính phủ Việt Nam công bố Quy hoạch điện VIII do Bộ Công thương soạn thảo.

Trong đó, không đề cập đến kế hoạch xây dựng nhà máy điện hạt nhân. 

Quy hoạch Điện VIII đặt ra mục tiêu với những con số rất tham vọng. Hai mục tiêu lớn nhất là bảo đảm an ninh năng lượng và đưa phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. 

Đến tháng 10 cùng năm, Bộ Công thương kêu gọi trở lại với điện hạt nhân.  Lúc này, lãnh đạo Bộ Công thương khẳng định “việc phát triển điện hạt nhân thời gian tới là cần thiết để đảm bảo an ninh năng lượng, đáp ứng mục tiêu Net Zero.” 

Câu hỏi đặt ra là tại sao khi nghiên cứu, soạn thảo và phê duyệt Quy hoạch Điện VIII, điện hạt nhân  không được xem xét như yếu tố cần thiết để đạt được các mục tiêu năng lượng kể trên, thì nay chính cơ quan soạn thảo lại khẳng định muốn thực hiện Net Zero, phải có điện hạt nhân,” và điện hạt nhân lựa chọn tất yếu cho an ninh năng lượng quốc gia”?

000_Hkg7955133 (1).jpg
Một người dân tham quan mô hình lò phản ứng hạt nhân VVER-1200 của Nga mà Việt Nam dự định sử dụng cho nhà máy hạt nhân đầu tiên ở tỉnh Ninh Thuận. Triển lãm diễn ra ở Hà Nội hôm 26/10/2012. HOANG DINH NAM / AFP

Lập quy hoạch, nhưng loay hoay không xây dựng được kế hoạch thực hiện. Đó là một vấn đề lớn khác của Bộ Công thương. Sau gần một năm Quy hoạch điện VIII được phê duyệt, Bộ này đã sáu lần trình Chính phủ “kế hoạch triển khai” nhưng kế hoạch quá yếu kém nên phải làm lại liên tục. Kế hoạch này được phê duyệt vào tháng 3 năm 2024. 

Điều đáng chú ý là Bộ Công thương đã bỏ ra ba năm để nghiên cứu soạn thảo Quy hoạch Điện VIII. Họ bắt đầu soạn thảo Quy hoạch điện VIII từ năm 2021. Họ phải trải qua nhiều lần sửa đổi, tháng Năm 2023 mới hoàn thành và phê duyệt. 

Đến tháng 9 năm 2024, Bộ này lại xin sửa đổi Quy hoạch Điện VIII. Tuy nhiên, ở thời điểm tháng 9 năm 2024, các nội dung sửa đổi này vẫn chưa nói đến điện hạt nhân.

Quan chức Nhà nước cũng đã đưa ra những tuyên bố mâu thuẫn xung quanh vấn đề này.

Tháng 6 năm 2023, Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên còn khẳng định trước Quốc hội “về lâu dài, năng lượng tái tạo là nguồn điện năng rẻ nhất.” Giờ đây, theo Bộ Công thương, điện hạt nhân mới là nguồn điện rẻ.

Điện nền là nguồn điện ổn định hệ thống khi các nguồn điện tái tạo như điện mặt trời, điện gió không ổn định. Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên phát biểu năm 2023, “ở Việt Nam, điện than, điện dầu, điện khí, sinh khối và cả thủy điện được xem là nguồn điện nền.” Nay thì muốn có nguồn điện nền ổn định, nhất định phải có điện hạt nhân. 

Theo Bộ Công thương, nguyên nhân Việt Nam khó thực hiện các mục tiêu Quy hoạch Điện VIII là dự án điện khí, điện mặt trời, điện gió, thủy điện… luôn bị chậm tiến độ, khó hoàn thành như kế hoạch. 

Thế nhưng, nguyên nhân gây ra các trở ngại nêu trên nằm ở đâu, năng lực quản trị của Bộ này hay vấn đề nằm ở nguồn điện? 

Chỉ cần nhìn vào việc cơ quan này đã phải soạn dự thảo Quy hoạch Điện VIII trong ba năm với nhiều lần sửa đổi, soạn “kế hoạch thực hiện”  với sáu lần sửa đổi, có thể thấy Bộ Công thươngvấn đề về năng lực quản lý hệ thống sản xuất điện, gồm cả công và tư, của các loại nhà máy điện thông thường một cách khoa học để đúng kế hoạch.

Nếu vậy, thì liệu xây nhà máy điện hạt nhân trong bối cảnh năng lực còn nhiều hạn chế có phải là “giải pháp” đúng?

Đó là chưa kể đến nguy cơ tiêu cực, tham nhũng chính sách khi quy hoạch năng lượng quốc gia.

Vào tháng 12 năm 2023, Bộ Công thương bị Thanh tra Chính phủ kiến nghị Bộ Công an điều tra việc tham mưu Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung 154 dự án điện mặt trời “không có căn cứ, cơ sở pháp lý về quy hoạch.” Đến tháng Chín, 2024, nhiều lãnh đạo Bộ này bị truy tố, trong đó, Hoàng Quốc Vượng (cựu Chủ tịch EVN, cựu Thứ trưởng Bộ Công thương) và Phương Hoàng Kim (cựu Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công thương) bị truy tố vì lợi dụng chức vụ, quyền hạn, “tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định về diện đối tượng và điều kiện được hưởng chính sách giá điện ưu đãi.”

000_33BC7NP.jpg
Turbines điện gió ở tỉnh Đắk Lắk hôm 15/3/2023. Nhac NGUYEN / AFP

Nhà máy điện hạt nhân trong vùng đất của người bản địa 

Năm 2009, Quốc hội Việt Nam công bố nghị quyết xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại hai huyện giáp biển là Thuận Nam và Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận. Dự án này sau đó bị hủy bỏ vào năm 2016. Nay chính phủ Việt Nam nói muốn tiếp tục xây dựng tại vị trí cũ

Khi dự án điện hạt nhân này được khởi động lần đầu tiên năm 2010 (nhà máy số 1) và 2011 (nhà máy số 2), một vấn đề lớn được đặt ra là khu vực ảnh hưởng của dự án là nơi sinh sống hàng ngàn năm qua của cộng đồng người bản địa, trong đó chủ yếu là đồng bào Chăm. 

Theo bài nghiên cứu “Quan hệ nhóm tộc người – tôn giáo của người Chăm ở tỉnh Ninh Thuận với quốc gia trong phát triển hiện nay”, đăng trên tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam, số 7 – 2023, của hai nhà nghiên cứu Trần Minh Hằng (Viện Dân tộc học) và Lý Hành Sơn (Hội Dân tộc học và Nhân học Việt Nam) cho biết huyện Ninh Hải và Thuận Nam là hai trong số địa bàn người Chăm sinh sống đông nhất.

Trong đó, hai huyện Ninh Phước và Thuận Nam có “cộng đồng Chăm thuộc ba nhóm là Chăm Bàlamôn, Chăm Bàni và Chăm Islam sinh sống” theo khảo sát năm 2022. Ở huyện Ninh Hải, có cộng đồng Chăm và Raglai sinh sống, tập trung tại xã Xuân Hải và Vĩnh Hải (Vĩnh Hải là nơi đặt nhà máy số 2), với số dân 9.748 người, theo thống kê năm 2019. Theo nghiên cứu nêu trên, cộng đồng Chăm ở đây chủ yếu sống bằng nghề chăn nuôi và trồng trọt.

Trao đổi với RFA, nhà văn, nhà hoạt động văn hóa người Chăm Inrasara nói với RFA rằng nếu muốn tái khởi động dự án điện hạt nhân tại Ninh Thuận, nhà nước nên thực hiện theo tinh thần của Điều 27 trong Tuyên ngôn về quyền của các dân tộc bản địa. 

Điều 27 của Tuyên ngôn về quyền của các dân tộc bản địa của Liên Hiệp quốc năm 2007 khẳng định rằng:   

“Nhà nước cần thiết lập và thực thi, cùng với các dân tộc bản địa, một quá trình công bằng, độc lập, không thiên vị, cởi mở và minh bạch công nhận một cách đầy đủ luật lệ, truyền thống, phong tục và hệ thống sở hữu đất đai của các dân tộc bản địa, để công nhận và phân xử các quyền của các dân tộc bản địa với đất đai, lãnh thổ và tài nguyên của họ, bao gồm cả đất đai, lãnh thổ và tài nguyên theo sở hữu truyền thống hay đã sinh sống và sử dụng nhờ các phương thức khác. Các dân tộc bản địa có quyền tham gia vào quá trình này.”

Ông Inrasara cho biết từ khi dự án điện hạt nhân Ninh Thuận được khởi động từ năm 2010, ông đã lên tiếng với Nhà nước về cộng đồng Chăm trong vùng ảnh hưởng của dự án. Theo ông, ngày nay, khi dự án được khởi động lại, những ý kiến đó vẫn còn nguyên tính thời sự. 

Người Chăm là cộng đồng bản địa tại địa phương trước khi người Kinh di cư tới và trước khi nước Việt Nam thống nhất ngày nay hình thành. “Panduranga”, âm tiếng Việt là “Phan Rang”, gồm Ninh Thuận và Bình Thuận ngày nay, là khu vực cực nam của vương quốc Champa. Người Chăm đã cư trú ở đó khoảng hơn 2.000 năm.

Trong khu vực này, cách hai nhà máy điện hạt nhân trong vòng bán kính 30 km, có cụm tháp Po Rome và Po Klaung Girai. Đây là các di sản văn hóa của cộng đồng Chăm, nơi bà con vẫn hành lễ hàng năm. Ngoài hai cụm tháp tiêu biểu này, trong vùng còn có hàng trăm di tích văn hóa – tín ngưỡng khác đang được thờ phụng. 

000_APH2001090258470.jpg
Một lễ của người Chăm ở Thánh địa Mỹ Sơn trước đây. HOANG DINH NAM / AFP

Nhà nghiên cứu văn hóa Inrasara khẳng định khu vực dự định xây dựng hai nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận là vùng đất văn vật và tâm linh sâu đậm nhất của dân tộc Chăm, được truyền lại từ truyền thống lịch sử hàng năm của họ.

Sau thảm họa hạt nhân Chernobyl ở Liên Xô năm 1986, khu vực trong bán kính 30km trở thành vùng cấm. Nhà nghiên cứu Inrasara đặt vấn đề rằng nếu tai nạn hạt nhân Ninh Thuận xảy ra, các tháp thiêng nói trên của người Chăm sẽ thành “Bimong bhaw” (tháp bỏ hoang). Đó là chưa kể hàng trăm nghĩa trang tộc mẫu trong các làng người Chăm cũng sẽ bị bỏ hoang, không được thờ cúng. Theo ông Inrasara, đó là điều không người Chăm nào “có thể tưởng tượng nổi” khi mình còn sống. 

Chủ tịch tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam hôm 9 tháng Mười hai nói trên trang Báo cáo viên của Ban Tuyên giáo Trung ương, cho biết tỉnh này sẽ “chủ động tiến hành khảo sát, lấy ý kiến, xác định tâm tư, nguyện vọng nhân dân vùng dự án, đồng  tăng cường tuyên truyền, thông tin, vận động tạo đồng thuận nhân dân khi dự án được triển khai.”

Bản thân lời ông Trần Quốc Nam không cho biết chính quyền địa phương có coi cộng đồng Chăm bản địa là một cộng đồng quan trọng trong dự án này hay không. Ngay cả khi chính quyền làm việc trực tiếp và sâu sát với cộng đồng Chăm, rõ ràng phương hướng của chính quyền là “tuyên truyền”, “vận động” để “tạo đồng thuận” chứ không thực sự thấy các vấn đề lịch sử chính trị và văn hóa tại khu vực rất phức tạp. 

Nỗi lo của người dân  

Tháng 11 năm 2024, khi Bộ Công thương và một số chuyên gia nhà nước bắt đầu kêu gọi tái khởi động dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, Thông tấn xã Việt Nam đã kể chuyện rằng “khi hay tin Chính phủ đề xuất tái khởi động lại dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, người dân vùng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2 trước đây đều bày tỏ phấn khởi và đồng thuận cao.”

Không chỉ quan chức như ông chủ tịch tỉnh Ninh Thuận, các chuyên gia của “Hội đồng Khoa học Tạp chí Năng lượng Việt Nam” khi viết kiến nghị cho chính quyền cũng chỉ quan tâm đến các vấn đề kỹ thuật của dự án. Họ không thấy đây là một vấn đề xã hội, chính trị nhạy cảm. 

2011-04-26T120000Z_1643171257_GM1E74Q0Y4L01_RTRMADP_3_THAILAND.JPG
Những nhà hoạt động phản đối điện hạt nhân tập trung bên ngoài Đại sứ quán Việt Nam ở Bangkok, Thái Lan hôm 26/4/2011. REUTERS/Chaiwat Subprasom

Trao đổi với RFA, một nhà hoạt động xã hội văn hóa người Chăm không muốn nêu tên vì lý do an ninh cho biết “bà con người Chăm tất nhiên là không ủng hộ dự án này ngay từ trước năm 2016 rồi.”

Ông cho biết mức độ phản đối của bà con mạnh “đến nỗi thời điểm đó đã dấy nên xung đột căng thẳng dẫn đến bắt nguội sau sự vụ.” Chính quyền địa phương “bắt nguội” một số người nhiệt tình, có ảnh hưởng, “làm công tác tư tưởng rồi thả cho về”, ông nói với RFA.

Theo nhà hoạt động văn hóa trẻ này, hai nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận dù chưa có quyết định xây dựng đã ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân. 

“Về môi trường rõ ràng là ảnh hưởng rất nặng, vì quỹ đất làm rẫy, chăn thả gia súc đã bị thu hồi, bất động sản ăn theo, hay các doanh nghiệp ăn theo đang thâu tóm quỹ đất xung quanh càng làm cho xã hội càng xáo trộn hơn.

Lợi ích thì chưa thấy, vì nó là ở tương lai khi dự án triển khai hoạt động, nhưng trước mắt thì người dân không biết bám víu vào đâu, mông lung thôi.” 

Về khả năng lắng nghe tiếng nói của người dân địa phương, ông cho biết ở lần triển khai trước, “người dân còn dám đưa ra chính kiến của mình về việc đồng ý hay không đồng ý về dự án, nhưng sau vụ bắt nguội 2016 thì người dân chỉ phó mặc thôi, đâu biết kêu ai, ai lắng nghe mình đâu.”

Ông khẳng định “không có chuyện người dân đồng tình về dự án đâu, vì người dân hoàn toàn không nghe biết gì về thông tin dự án, kiểu ngày mai làm thì tối nay mới biết.”

Liệu một cơ quan yếu kém về năng lực và tham nhũng chính sách như Bộ Công thương có thể đảm đương một đại dự án liên quan đến các vấn đề quốc tế, công nghệ cao, các vấn đề chính trị – xã hội nhạy cảm tại địa phương? Đó là một câu hỏi chưa có lời giải đáp thỏa đáng.  

_________

Người dân Ninh Thuận lo lắng về dự án điện hạt nhân

Điện hạt nhân: Nhu cầu và các quan ngại

Đàm phán hạt nhân dân sự Mỹ – Việt, ai hưởng lợi?

__________