Nghị định 186: Những hệ quả tai hại

Nghị định 168/2024/NĐ-CP (Nghị định 168), với mức xử phạt giao thông được đánh giá cao gấp nhiều lần so với thu nhập trung bình của người dân, đã và đang gây ra nhiều tranh cãi trong xã hội.

Những câu chuyện và phản ứng trên mạng xã hội, đặc biệt là TikTok nền tảng vốn ít bị chính quyền kiểm duyệt hơn so với Facebook đã cho thấy những tác động không mong muốn của nghị định này đến đời sống người dân, đặc biệt là tầng lớp lao động nghèo, tài xế, và tiểu thương.

Phản ứng của giới tài xế

Trên mạng xã hội TikTok, ngày càng nhiều tài xế đăng tải video thể hiện sự chán nản, thậm chí quyết liệt như đốt hoặc cắt bỏ giấy phép lái xe, để phản đối các quy định được cho là quá khắt khe, như việc giới hạn chỉ được lái xe liên tục trong 4 giờ. Theo các tài xế, nếu vi phạm quy định này, họ sẽ phải đối mặt với mức xử phạt nặng, khiến cuộc sống vốn đã khó khăn nay càng áp lực.

Bên cạnh đó, nhiều tài xế còn cho biết đặc thù nghề lái xe buộc họ phải di chuyển qua nhiều địa phương với địa hình, địa lý khác nhau trong thời gian dài, nên việc không may vi phạm giao thông trở thành điều khó tránh.

Thêm vào đó, với mức xử phạt vi phạm giao thông lên đến hàng chục triệu đồng khiến nhiều người không khỏi lo lắng, bởi đây là số tiền vượt xa khả năng chi trả của họ, đặc biệt khi thu nhập hàng tháng của tài xế thường chỉ ở mức hơn chục triệu đồng.

Với những gia đình phụ thuộc vào nghề tài xế, một lỗi vi phạm có thể đồng nghĩa với việc gia đình rơi vào cảnh túng quẫn, không đủ tiền sinh hoạt hay con cái không thể học tập.

————————-

Bán tin vi phạm giao thông cho công an: Một hình thức đấu tố?

Nghị định 168 làm giàu cho cảnh sát giao thông?

Nghị định 168: Luật sư chỉ ra những điều bất hợp lý

————————-

Tác động tâm lý xã hội

Những câu chuyện ghi lại trên mạng xã hội còn cho thấy sự khủng hoảng tâm lý trầm trọng mà người dân phải đối mặt. Các video đăng tải trên mạng Tiktok cho thấy một người phụ nữ đã bật khóc nức nở khi nhận thông báo xử phạt từ cảnh sát giao thông với số tiền lên tới vài triệu đồng, trong khi đó số tiền mà chị kiếm được từ buôn bán nhỏ lẻ không đủ trang trải.

Hoặc một video khác cho thấy cảnh một tài xế phải nằm xuống đường để thở vì quá sốc khi biết khoản tiền phạt còn lớn hơn cả thu nhập từ chuyến hàng của mình.

Đáng lo ngại hơn, trên TikTok đã xuất hiện các lời khuyên thu hút hàng chục ngàn lượt thích khi bày tỏ quan điểm “không nên nhường đường cho xe cứu thương hoặc xe cứu hỏa” vì sợ bị xử phạt nguội.

Dù đây là một quan điểm cực đoan nhưng điều này phản ánh sự lo ngại về quy trình xử phạt nguội, vốn thường có độ trễ nhất định (khoảng 1 đến 3 tháng), khiến việc chứng minh không vi phạm trở nên khó khăn cho tài xế.

Sự lan tỏa của những biểu tượng phảng kháng

Trong bối cảnh bức xúc lan rộng, nhiều biểu tượng phản kháng bắt đầu xuất hiện và được lan truyền mạnh mẽ.

Đặc biệt, lời tuyên ngôn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lên án chế độ hà khắc của thực dân Pháp với những dòng đầy ám ảnh “Chúng đặt ra hàng trăm thứ thuế vô lý, bóc lột dân ta đến tận xương tủy, khiến cho dân ta nghèo nàn, thiếu thốn, nước ta xơ xác, tiêu điều” bất ngờ trở nên viral, được các tài xế dẫn lại để ám chỉ sự bất công của các mức xử phạt giao thông.

Cùng với đó, bài hát “Trả lại cho dân” của nhạc sĩ Việt Khang một bài hát thể hiện sự khát khao về quyền tự do và tự quyết đã lan tỏa khắp không gian mạng (Tiktok), trở thành tiếng lòng của nhiều người dân.

Thậm chí, một đoạn sấm” được cho là của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, với những câu chữ dự báo hỗn loạn xã hội như “Chừng nào thằng ngốc làm vua, thế gian cạo trọc, thầy chùa để râu” bất ngờ cũng được nhắc lại, làm sâu sắc thêm sắc thái phản ứng đối với Nghị định 168.

Những biểu tượng này không chỉ phản ánh sự bất mãn mà còn là lời cảnh báo rằng chính sách, nếu không được xây dựng trên sự đồng thuận và thấu hiểu thực tế đời sống nhân dân, có thể làm nảy sinh những làn sóng phản ứng ngầm đầy phức tạp.

Những lo ngại sâu sắc về chính sách

Việc siết chặt quyền tự do ngôn luận ở Việt Nam, khiến cho việc bày tỏ ý kiến, quan điểm ngày càng trở nên khó khăn khi người dám nêu chính kiến phải đối diện với mức xử phạt vi phạm hành chính rất cao hoặc thậm chí đối mặt với án tù, đã tạo ra áp lực ngày càng lớn trong xã hội. 

Trong bối cảnh này, người dân đang tìm đến những hình thức phản kháng gián tiếp, bằng cách sử dụng các phát biểu nổi tiếng của các lãnh đạo từng giữ vai trò quan trọng trong lịch sử hoặc đương nhiệm hoặc những nhạc phẩm đầy ý nghĩa, hay thơ ca sâu sắc để bày tỏ sự bất mãn.

Những yếu tố này không chỉ làm phong phú thêm bức tranh phản kháng trong lòng xã hội mà còn phản ánh một dòng chảy âm ỉ trong lòng dân chúng, nơi những tiếng nói nhỏ bé đang tìm cách cất lên giữa bối cảnh đầy căng thẳng.

Cần một cách giải quyết

Điều đáng chú ý là Nghị định 168, được dân gian gọi đùa là “Nhất Lộc Phát” của ngành Công an, đang đặt ra câu hỏi về sự cân bằng giữa lợi ích của chính quyền và quyền lợi của người dân.

Liệu những bất cập trong nghị định này có được Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng Bí thư Tô Lâm lắng nghe và sửa đổi để phù hợp hơn với đời sống thực tế? Câu trả lời này sẽ là thước đo quan trọng cho việc liệu chính quyền có thực sự đặt mục tiêu “lấy dân làm gốc” như đã nhiều lần tuyên bố hay không.

Thiết nghĩ, một chính sách pháp luật được xây dựng vì dân không chỉ cần hợp tình, hợp lý mà còn cần thể hiện được sự lắng nghe và quan tâm đến tiếng nói của người dân những người chịu tác động trực tiếp từ các quy định pháp luật.

*Bài viết không thể hiện quan điểm của RFA.