Nghị định 168: Luật sư chỉ ra những điều bất hợp lý

Trong thời gian gần đây, các quy định xử phạt vi phạm giao thông theo Nghị định 168/2024/NĐ-CP (Nghị Định 168) và các văn bản liên quan đã gây nhiều tranh cãi về tính hợp pháp, minh bạch và tác động xã hội.

Những vấn đề chính bao gồm mức phạt quá cao, cơ chế trừ điểm giấy phép lái xe, quy trình thưởng người báo cáo vi phạm, thẩm quyền xử lý vi phạm và việc hạn chế giám sát bằng ghi âm, ghi hình.

Gánh nặng lên người vi phạm

Theo Nghị Định 168, mức xử phạt vi phạm giao thông đã được điều chỉnh tăng lên nhiều lần so với quy định cũ trước đây, đặc biệt có những trường hợp mức xử phạt vi phạm theo nghị định mới đã tăng từ 27-30 lần đối với người điều khiển phương tiện là ô tô, hoặc tăng mức xử phạt đối với cá nhân lên tới 70 triệu đồng (Điều 6.13 của Nghị Định 168).

Trong khi đó, Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định mức phạt tối đa đối với cá nhân trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội chỉ là 40 triệu đồng (Điều 24.1.b của Luật xử lý vi phạm hành chính 2012).

Việc Nghị Định 168 quy định mức phạt cao hơn khung luật cho phép là có dấu hiệu trái luật, gây tranh cãi về tính hợp lý, hợp pháp của nghị định.

Theo đánh giá của tác giả bài viết, mức phạt quá cao của Nghị Định 168 không chỉ gây áp lực tài chính đối với người lao động có thu nhập trung bình và thấp, mà còn dẫn đến nguy cơ sinh ra nhiều hành vi lẩn tránh, chống đối lại lực lượng chức năng hoặc hệ quả khác là tìm mọi cách để tháo chạy khi bị phát hiện do nhiều người không có khả năng nộp phạt.

Trừ điểm giấy phép lái xe: thiếu cơ sở pháp lý

Nghị Định 168 quy định trừ điểm giấy phép lái xe đối với người vi phạm, nhưng Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 không quy định hình thức này. Các hình thức xử phạt hành chính theo Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 bao gồm: cảnh cáo; phạt tiền; tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn, đình chỉ hoạt động có thời hạn; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm, và trục xuất.

Nếu coi biện pháp trừ điểm giấy phép lái xe là hình thức xử phạt bổ sung thì Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 cũng không quy định hay đề cập tới biện pháp này.

Trong khi đó, tại Nghị Định 168 quy định trừ điểm khi vi phạm hành chính không được nhắc tới là biện pháp xử lý vi phạm chính hay hình phạt bổ sung khi có hành vi vi phạm giao thông.

Có thể thấy việc trừ điểm giấy phép lái xe là biện pháp mới, chưa được quy định trong Luật xử lý vi phạm hành chính, quy định này chỉ xuất hiện tại Điều 58 trong Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024.

Như vậy rõ ràng giữa Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 và Luật Trật tự, an toàn giao thông 2024 đang không tương thích, có sự xung đột trong vấn đề xử phạt điều này dẫn đến nghi ngờ về tính hợp pháp của quy định này.

——————————-

Nghị định 168 làm giàu cho cảnh sát giao thông?

Tăng mức phạt đối với vi phạm giao thông: Người dân băn khoăn về tiêu cực trong lực lượng CSGT

Người dân bức xúc vì tín hiệu đèn giao thông trục trặc khi áp dụng mức phạt mới

——————————-

Vấn đề tiền thưởng của người báo cáo vi phạm

Nghị định 176/2024/NĐ-CP (Nghị định 176) có hiệu lực từ ngày 01-01-2025 quy định mức thưởng tối đa 10% số tiền phạt cho người báo cáo vi phạm, tối đa số tiền người báo cáo vi phạm được hưởng là 5 triệu đồng.

Tuy nhiên, đến nay, theo thông tin từ đại diện Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), việc chi trả tiền thưởng cho người báo cáo vi phạm vẫn chưa có quy định cụ thể hướng dẫn thi hành.

Điều này đồng nghĩa với việc mặc dù đã có quy định về việc thưởng cho người báo cáo, nhưng các cơ quan chức năng vẫn chưa thiết lập cơ chế chi trả rõ ràng và minh bạch.

Điều này đặt ra nhiều câu hỏi pháp lý và thực tiễn, cụ thể: Trong trường hợp có nhiều người cùng báo cáo một hành vi vi phạm, cơ quan chức năng sẽ phân chia tiền thưởng như thế nào? Quá trình hồi tố cho các trường hợp đã thực hiện báo cáo từ ngày 01-01-2025, khi Nghị định 176 có hiệu lực, sẽ được xử lý ra sao? Liệu rằng có trường hợp quân xanh, quân đỏ trong trường hợp tiếp nhận tin báo vi phạm để trục lợi chính sách hoặc việc một người rao bán các clip vi phạm giao thông để kiếm lời (chênh lệch) có được coi là hợp pháp hay sẽ gặp vấn đề pháp lý? Quá trình xét duyệt tin báo vi phạm của cơ quan chức năng được diễn ra như thế nào?

Rõ ràng, việc thiếu quy định chi trả rõ ràng và minh bạch vào thời điểm hiện nay còn rất nhiều vấn đề dẫn đến tranh cãi và nghi ngờ về tính công bằng của cơ chế thưởng.

Ngoài ra, việc khuyến khích người dân tham gia báo cáo vi phạm cũng cần phải cân nhắc kỹ lưỡng, bởi có thể dẫn đến tình trạng “đấu tố” vô căn cứ, gây chia rẽ trong cộng đồng và tái hiện những hiện tượng tiêu cực như trong các phong trào cải cách ruộng đất hay cách mạng văn hóa trước đây.

Băn khoăn về thẩm quyền xử phạt 

Theo Điều 39 của Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, các chức danh Công an nhân dân được giao quyền xử phạt hành vi vi phạm hành chính với mức phạt cụ thể tùy theo từng cấp bậc.

Cụ thể, chiến sĩ Công an có quyền phạt tối đa 500.000 đồng, trưởng Công an cấp xã, đồn, trạm có quyền phạt đến 2.500.000 đồng, trưởng Công an cấp huyện được phép phạt tối đa 25.000.000 đồng, giám đốc Công an cấp tỉnh có thẩm quyền phạt đến 100.000.000 đồng, và các cục trưởng các cục thuộc Bộ Công an có quyền xử phạt trong phạm vi của lĩnh vực như an ninh, trật tự, an toàn giao thông, tối đa 40.000.000 đồng.

Tuy nhiên, khi đối chiếu với Nghị Định 168, một số quy định mới trong văn bản này đặt ra một thách thức lớn về sự đồng bộ trong hệ thống pháp luật.

Cụ thể, mức phạt cho một số hành vi vi phạm trong nghị định này quy định mức xử phạt lên đến vài triệu hoặc vài chục triệu đồng, vượt qua giới hạn thẩm quyền của chiến sĩ công an nhân dân khi thi hành công vụ hoặc các chức danh Công an cấp xã, cấp huyện, gây ra sự mâu thuẫn giữa các quy định pháp lý.

Trong trường hợp này, nếu không có quy định rõ ràng về việc chức danh nào có thẩm quyền áp dụng mức phạt vượt quá 500.000 đồng (đối với Cảnh sát giao thông) hoặc vượt quá 25.000.000 đồng (đối với trưởng Công an cấp huyện), sẽ nảy sinh vấn đề pháp lý nghiêm trọng: việc cán bộ Công an áp dụng mức phạt vượt quá giới hạn thẩm quyền của mình theo Luật xử lý vi phạm hành chính sẽ trở thành hành vi trái pháp luật.

Điều này không chỉ ảnh hưởng đến tính hợp pháp của quyết định xử phạt, mà còn gây khó khăn trong việc bảo vệ quyền lợi của công dân và duy trì sự công bằng trong công tác thi hành pháp luật.

Không quy định về giám sát bằng ghi gâm, ghi hình

Ngoài những điểm hạn chế của các nghị định được chỉ ra bên trên, hệ thống pháp luật về an toàn, giao thông đường bộ còn có bất cập khác như trong Thông tư 46/2024/TT-BCA việc giám sát công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông bằng thiết bị ghi âm, ghi hình đã bị loại bỏ.

Tuy nhiên, Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 (Điều 19) quy định quyền giám sát công tác xử lý vi phạm hành chính của người dân mà không hạn chế hình thức.

Việc loại bỏ hình thức ghi âm, ghi hình đối với lực lượng cảnh sát giao thông tại thông tư này rất dễ bị hiểu thành “cấm” người dân ghi âm, ghi hình hạn chế quyền giám sát, đồng thời gây khó khăn trong việc thu thập bằng chứng chứng minh sai phạm của lực lượng chức năng.

Từ những nhận định nêu trên có thể thấy rằng, những quy định hiện hành về xử phạt vi phạm giao thông, mặc dù đặt mục tiêu nâng cao ý thức và bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, nhưng lại đang tạo ra những bất cập về pháp lý và thực tiễn.

Mức phạt quá cao cùng cơ chế trừ điểm giấy phép gây tranh cãi về tính hợp pháp, thiếu minh bạch trong quy trình thưởng, bất cập về thẩm quyền xử phạt và hạn chế quyền giám sát của người dân không chỉ làm suy giảm niềm tin mà còn gây khó khăn trong việc thực thi công bằng pháp luật.

Thiết nghĩ những vấn đề này cần được xem xét kỹ lưỡng để tạo ra một hệ thống pháp luật vừa nghiêm khắc, vừa hợp lý vừa bảo đảm lợi ích của cả người dân và cơ quan thực thi.

*Jacob là bút danh của một luật sư không muốn tiết lộ danh tính, RFA đã xác minh tư cách luật sư của người này.

*Bài viết không thể hiện quan điểm của RFA.