Luật sư Trần Đình Triển sắp ra tòa vì ‘nói xấu’ ông Nguyễn Hòa Bình

Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội sẽ mở phiên tòa xét xử luật sư Trần Đình Triển vào ngày 9 tháng 1 năm 2025, dưới cáo buộc “lợi dụng các quyền tự do dân chủ”.

Thông tin trên được luật sư Nguyễn Duy Bình, người bào chữa cho ông Trần Đình Triển, đăng tải công khai trên trang Facebook cá nhân vào ngày 29 tháng 12.

Luật sư Trần Đình Triển bị bắt giam từ tháng 6 năm 2024,  phía công an cáo buộc ông vi phạm điều 331 của bộ luật hình sự, vì đã “lợi dụng các quyền tự do dân chủ” trên không gian mạng.

Cụ thể, ông Triển bị cáo buộc đăng tải các bài viết lên trang Facebook cá nhân chứa nội dung “xâm phạm lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”, trong trường hợp này là ngành tòa án và cá nhân lãnh đạo Tòa án Nhân dân Tối cao.

Theo nội dung bản cáo trạng được luật sư Nguyễn Duy Bình công khai trên mạng xã hội, thì sở dĩ luật sư Trần Đình Triển vướng vòng lao lý vì hai bài viết, có các tựa đề “Nguyễn Hòa Bình –  Những cái nhất khi làm Chánh án”, và “Ông Nguyễn Hòa Bình nói đúng hay sai?!”.

Từ đó có thể suy ra, vị lãnh đạo tòa tối cao có lợi ích bị xâm phạm trong vụ án này là ông Nguyễn Hòa Bình, do ở thời điểm các bài viết trên được đăng tải, ông này đang giữ ghế chánh án tòa tối cao.

Nếu bị tuyên có tội trong phiên tòa sắp tới, luật sư Trần Đình Triển có nguy cơ phải đối diện với mức án tối đa là 7 năm tù giam.

Nhiệm kỳ chánh án tòa tối cao của ông Nguyễn Hòa Bình được gắn với vụ án của Hồ Duy Hải, người bị tòa tuyên tử hình dưới cáo buộc giết người, cướp tài sản vào năm 2009, nhưng đã một mực kêu oan.

Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao sau đó đã kháng nghị bản án này vào tháng 11 năm 2019, do phát hiện nhiều sai sót trong khâu điều tra và xét xử. Tuy nhiên, tòa tối cao dưới sự lãnh đạo của ông Nguyễn Hòa Bình sau đó đã ra quyết định giữ nguyên án tử hình đối với Hồ Duy Hải, trong phiên xét xử giám đốc thẩm diễn ra vào tháng 5 năm 2020.

Hai tháng sau khi luật sư Trần Đình Triển bị bắt, ông Nguyễn Hòa Bình được bổ nhiệm làm Phó Thủ tướng Chính phủ, trong phiên họp quốc hội hồi tháng 8 năm 2024.