Luật sư: Không đủ căn cứ để kết tội ông Lưu Bình Nhưỡng

Quốc hội Việt Nam, không ngoa khi công chúng vẫn thường gọi các đại biểu của cơ quan dân cử ấy là nghị gật, vì theo dõi qua sinh hoạt nghị trường từ trước cho đến nay, công chúng không thấy được mấy ai xứng đáng là đại biểu quốc hội đúng nghĩa để họ có thể nhớ đến danh tính.

Nhưng ít nhất, trong số gần 500 đại biểu như vô danh ấy, vẫn còn vài ba cái tên như Lưu Bình Nhưỡng, Lê Thanh Vân, Ksor H’Bơ Khăp… là ngoại lệ được công chúng biết đến nhiều qua những phát biểu thẳng thắn của họ tại nghị trường quốc hội.

Cho nên, công chúng đã hết sức ngỡ ngàng khi biết tin các ông Lưu Bình Nhưỡng và Lê Thanh Vân bị bắt giữ, khởi tố hình sự vào dịp trung tuần tháng Mười Một 2023.

Sau 13 tháng bị tạm giam, ngày 7 Tháng Một 2025 cả hai ông Lưu Bình Nhưỡng và Lê Thanh Vân được đưa ra Tòa án Nhân dân tỉnh Thái Bình xét xử theo thủ tục sơ thẩm. Phiên tòa đã tiến hành xét xử vào các ngày 7, 8 và 9, sau đó đã tạm nghỉ để hội đồng xét xử nghị án. Ngày 13 Tháng Một 2025, phiên tòa sẽ trở lại làm việc với phần tuyên án.

Diễn biến tại phiên tòa đã phơi bày các hành vi bị xem là vi phạm pháp luật của hai ông Lưu Bình Nhưỡng và Lê Thanh Vân. Theo đó, bên công tố đã đề nghị hình phạt của ông Lưu Bình Nhưỡng đến mức từ 13 đến 15 năm 6 tháng tù giam. Ông Lê Thanh Vân bị đề nghị mức phạt từ 7 đến 9 năm tù giam.

Theo cáo trạng được bên công tố công bố tại tòa, ông Lưu Bình Nhưỡng bị xét xử về 2 tội danh: Tội cưỡng đoạt tài sản và Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi.

Đối với cáo buộc về tội cưỡng đoạt tài sản. Tội danh này được quy định tại điều 358 Bộ Luật Hình Sự hiện hành.

Hành vi của ông Lưu Bình Nhưỡng được mô tả như sau: Phạm Minh Cường (tức Cường Quắt, bị truy tố chung về hành vi cưỡng đoạt tài sản) gây sự với Công ty Sao Đỏ để yêu cầu bảo kê nhận tiền cho công ty này khai thác mỏ cát tại vùng biển xã Thụy Trường, huyện Thái Thụy.

Nhằm che giấu hành vi cưỡng đoạt, Cường đã ký hợp đồng làm bảo vệ cho Công ty Sao Đỏ.

Quá trình khai thác cát, tàu của Công ty Sao Đỏ làm đổ cọc, vây tại bãi triều trái phép của giang hồ Dũng “Chiến” nên nhóm của Cường Quắt thường xuyên phải ra mặt đánh nhau. Thấy không an toàn nên từ Tháng Một 2021, Công ty Sao Đỏ dừng việc khai thác cát và không trả tiền cho Cường.

Bị thất thu, trong Tháng Năm và Sáu 2021, Cường gặp ông Lưu Bình Nhưỡng khi đó là đại biểu Quốc hội khóa XV, phó trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội để nhờ tác động với lãnh đạo Công an tỉnh Thái Bình.

Ông Nhưỡng hứa nhưng chưa tác động.

Cường dụ dỗ vợ chồng ông Nhưỡng mua bãi triều của Cường tự chiếm để có lợi nhuận. Vợ chồng ông Nhưỡng đồng ý mua với giá 900 triệu, giao lại cho Cường để kinh doanh. Cường dự định lấy tiền cưỡng đoạt được đưa cho vợ chồng ông Nhưỡng, nhưng chưa giao.

Đến Tháng Chín ông Lưu Bình Nhưỡng mới gọi điện cho Công an tỉnh Thái Bình nhờ xử lý nhóm Dũng “Chiến”.

Do vậy, mà Công ty Sao Đỏ đã quay lại khai thác cát từ Tháng Mười 2021 đến Tháng Bảy 2022. Trong khoảng thời gian này, Cường đã cưỡng đoạt thêm của Công ty Sao Đỏ hơn 1,6 tỷ đồng (vẫn trong tư cách bảo vệ).

Cơ quan công tố xác định số tiền 1,6 tỷ đồng này là khoản thu lợi bất chính có được là nhờ sự giúp sức của ông Lưu Bình Nhưỡng. Cho nên, ông Lưu Bình Nhưỡng phải chịu trách nhiệm về khoản tiền phi pháp này như là đồng phạm của Cường Quắt về hành vi cưỡng đoạt tài sản.

Qua các diễn biến nêu trên, cho thấy, vợ chồng ông Nhưỡng bỏ tiền mua bãi triều, rồi giao cho Cường quản lý để kinh doanh. Do Cường nói bị nhóm Dũng “Chiến” phá rối nên không thể kinh doanh thu lợi được. Nên ông Nhưỡng mới tác động Công an tỉnh Thái bình để xử lý nhóm Dũng. Việc tác động này là hoàn toàn bình thường và chính đáng, vì Cường là nhân viên bảo vệ, có hợp đồng với Công ty Sao Đỏ, cho nên ông Nhưỡng giúp cho Cường, cũng là giúp cho chính mình. Mặt khác, lại dẹp được nhóm Dũng gây rối trật tự xã hội.

Về phương diện pháp lý, việc ông lưu Bình Nhưỡng tác động để dẹp nhóm Dũng không có gì sai?

Cường có hành vi cưỡng đoạt tài sản của Công ty Sao Đỏ là chuyện riêng của Cường. Tất nhiên Cường khôn ngoan, không tiết lộ việc đó cho ông Nhưỡng biết. Vì nếu biết, với cương vị và sự hiểu biết của mình, đời nào ông Nhưỡng ra mặt tác động cho Cường khi việc đó vi phạm pháp luật một cách hiển nhiên. Đồng thời, lại có khả năng gây nhiều rủi ro pháp lý cho chính ông Nhưỡng.

Thế nên, trong mối quan hệ với Cường, ông Nhưỡng không biết việc Cường cưỡng đoạt tài sản của Công Ty Sao Đỏ, nên ngay tình bị Cường lợi dụng để tác động với Công an tỉnh Thái Bình. Bản thân ông Nhưỡng mất số tiền 900 triệu đồng mua bãi triều và cũng chưa thu lợi gì cả. Cho nên, cáo buộc ông Nhưỡng đồng phạm với Cường để cưỡng đoạt tài sản của Công Ty Sao Đỏ là phi lý.

Song song đó, dấu hiệu tội phạm của tội Cưỡng đoạt tài sản là “Người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản”, hoặc ít ra phải biết việc cưỡng đoạt tài sản và đã có hành vi giúp sức.

Áp dụng vào trường hợp ông Lưu Bình Nhưỡng, ông chưa từng quen biết Công ty Sao Đỏ và cũng chưa từng có hành vi “đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác (Công ty Sao Đỏ) nhằm chiếm đoạt tài sản”, kể cả không biết việc Cường cưỡng đoạt tài sản.

Thế nên, càng không có cơ sở cáo buộc ông Lưu Bình Nhưỡng phải chịu trách nhiệm về tội danh này.

Đối với cáo buộc về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi. Tội danh này được quy định tại điều 358 Bộ Luật Hình Sư hiện hành.

Ông Lưu Bình nhưỡng bị cáo buộc đã có 4 hành vi vi phạm vào điều 358 nêu trên, gồm:

– “Can thiệp” việc xét xử của tòa án sau khi được biếu bộ cánh cổng nhà thờ họ;

– 3 lần khác là tác động, can thiệp giúp 3 doanh nghiệp để lần lượt trục lợi. Lần 1 nhận 300 nghìn USD; Lần 2 nhận một lô đất trị giá 1,8 tỉ đồng và hưởng lợi 1.000m2 đất tại dự án này có giá 1,9 tỉ đồng; Lần 3 hưởng lợi 210 triệu đồng.

Trong cả 4 hành vi nêu trên, đều có đặc điểm chung là ông Lưu Bình Nhưỡng đã có hành vi trục lợi lợi ích bằng hiện vật, ngoại tệ, tiền mặt và quyền sử dụng đất.

Qua đó, thoạt nghe thì tưởng chừng như 4 hành vi trục lợi như thế đã thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội danh theo điều 358 Bộ Luật Hình Sự về “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi”.

Thật ra, điều 358 Bộ Luật Hình Sự đòi hỏi yếu tố “trục lợi” phải là hành vi đi trước hành vi “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác”. Tức là người vi phạm phải có sự đòi hỏi, thỏa thuận về lợi ích. Sau đó, họ mới “gây ảnh hưởng đối với người khác”.

Thế nhưng, diễn biến trong phiên tòa cho thấy ông Lưu Bình Nhưỡng đều tự nguyện thực hiện các công việc như một đại biểu quốc hội bình thường, là nhận đơn từ, viết phiếu chuyển đơn rồi chuyển hồ sơ sự việc đến các cơ quan chức năng mà không hề đòi hỏi, hoặc thỏa thuận lợi ích gì trước cả.

Sau khi thực hiện đúng chức năng của mình, ông mới nhận các lợi ích vật chất. Điều này cũng phù hợp với lời khai của ông Lưu Bình Nhưỡng tại tòa rằng “Tôi chưa bao giờ nói bất cứ một lời nào gợi ý về tiền bạc, đây là phong cách của cả cuộc đời tôi”(nguyên văn).

Trong trường hợp này, nếu áp dụng đúng đắn, đầy đủ các dấu hiệu tội phạm, thì việc cáo buộc ông Lưu Bình Nhưỡng với tội danh theo điều 358 Bộ Luật Hình Sự về “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” là chưa chính xác.

Rất có thể hành vi của ông ấy phù hợp với tội danh khác theo Bộ luật Hình Sự, nhưng việc kết tội đó là thiên chức của cơ quan công tố. Và dù bất luận thế nào đi nữa, không thể cáo buộc ông Lưu Bình Nhưỡng với tội danh theo điều 358 nêu trên được.

Tuy đánh giá như vậy, nhưng không vì thế mà có thể miễn trách đối với 4 hành vi nhận lợi ích vật chất của ông Lưu Bình Nhưỡng như một cách trả ơn của các cá nhân hay doanh nghiệp được. Vì điều đó không xứng đáng với phẩm chất của một đại biểu quốc hội được.

Tại tòa, ông Lưu Bình Nhưỡng nhận tội, bày tỏ sự hối hận và xin khoan hồng… Thế nhưng, sự nhận tội trong phiên một phiên tòa tại Việt Nam chưa hẳn là vì bị cáo có tội.

Với ông Lưu Bình Nhưỡng cũng vậy. Là tiến sĩ, giảng viên luật, người từng nhiệt tình can thiệp vào một số vụ án oan tày trời như Hồ Duy Hải, thì ông ấy hiểu rất rõ về hoạt động của nền tư pháp nước nhà. Công an đã bắt giữ, tạm giam và khởi tố thì tòa án không thể tuyên vô tội. Chỉ có thừa nhận tội và xin khoan hồng mới có thể đạt được nhiều lợi ích nhất từ phán quyết của tòa án. Cho nên, ông Nhưỡng có nhận tội, xin khoan hồng là vì ông ấy quá hiểu nền tư pháp Việt Nam.

Tương tự như vậy với sự cáo buộc cùng tội danh theo điều 358 Bộ Luật Hình Sự về tội danh “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” đối với ông Lê Thanh Vân.

Theo thông báo từ hội đồng xét xử, sáng ngày 13 Tháng Một 2025, phiên tòa tiếp tục trở lại làm việc với phần tuyên án.

Chắc chắn, các ông Lưu Bình Nhưỡng và Lê Thanh Vân sẽ không tránh được việc bị tuyên những hình phạt rất nặng nề. Theo đó, cơ quan công an đạt được mục đích kép, một mặt trả đũa được sự xúc phạm của ông Lưu Bình Nhưỡng vào lực lượng công an trong phát biểu công khai tại nghị trường vào dịp Tháng Mười Một 2018. Mặt khác, làm gương cho tất cả số đại biểu quốc hội còn lại nếu từng có ý định phát biểu điều gì khác làm ảnh hưởng đến thanh danh, uy tín của ngành công an hoặc chế độ.

Riêng đối với nhân dân, không chỉ bị mất đi những đại biểu dám nói về sự bức xúc của họ mà kênh thu nhận sự phản ảnh mọi trường hợp oan khiên, góp ý, phê bình, phản biện qua Vụ Dân nguyện của Quốc Hội từ nay sẽ hoàn toàn tê liệt.

*Bài viết không thể hiện quan điểm của RFA.