Liệu Việt Nam có xây dựng trung tâm tài chính quốc tế thành công?

Thủ tướng chính phủ Phạm Minh Chính vào ngày 4/1 công bố Nghị quyết 259 nhằm xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng trở thành những trung tâm tài chính khu vực và quốc tế.

Trả lời câu hỏi rằng Việt Nam đã đủ điều kiện để thành lập trung tâm tài chính quốc tế chưa, ông Chính trả lời rằng Việt Nam đã có đủ năm yếu tố. Năm yếu tố đó, theo ông Chính, là: (1) quy mô nền kinh tế đã đủ lớn, xếp hạng 33 trên thế giới, kinh tế vĩ mô ổn định và tốc độ tăng trưởng kinh tế cao; (2) có những đột phá chiến lược và đạt được những thành quả rất tích cực theo hướng thể chế thông thoáng, hạ tầng thông suốt, quản trị thông minh; (3) mức vốn hoá thị trường cổ phiếu đạt gần 7,2 triệu tỉ đồng, tức khoảng 283 tỉ đô la, và tốc độ tăng trưởng của thị trường chứng khoán đạt 2 con số; (4) Việt Nam có nền kinh tế mở, hội nhập, và tỉ lệ xuất nhập khẩu gấp 1,7 lần GDP; và (5) chính trị xã hội ổn định.

Để thực hiện chiến lược nhằm đưa Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh trở thành những trung tâm tài chính, ông Chính đề ra các giải pháp tập trung vào năm trọng tâm: (1) phát triển cơ sở hạ tầng tài chính; (2) thu hút nhân tài quốc tế; (3) thúc đẩy đổi mới các công cụ tài chính; (4) mở rộng hội nhập và hợp tác quốc tế; (5) bảo vệ an ninh hệ thống tài chính.

Câu hỏi là liệu một nghị quyết với những chiến lược trên đã đủ để xây dựng Hồ Chí Minh và Đà Nẵng trở thành những trung tâm tài chính khu vực và thế giới chưa?

Trước khi trả lời câu hỏi này, hãy ngược dòng lịch sử để xem lại sự hình thành và vai trò của các trung tâm tài chính thế giới.

Khi nói đến các trung tâm tài chính thế giới, giới doanh nhân luôn nhắc đến New York, Luân Đôn, Hồng Công, Tokyo, Singapore, Zurich, Frankfurt, Paris, và Thượng Hải.

Sự hiện diện của một trung tâm tài chính trước hết là vì nhu cầu của thị trường cho sự tồn tại của nó. Thị trường tài chính đóng vai trò như một hệ thống giúp luân chuyển tài chính từ người có tư bản sang người cần tư bản mà mục đích cuối cùng là tạo ra giá trị cho xã hội. Vì lý do đó, trung tâm tài chính luôn hiện diện ở những nền kinh tế sôi động, như New York, Luân Đôn, Tokyo, Frankfurt, Paris, và Thượng Hải, hoặc ở những vị trí giao thông toàn cầu thuận lợi nhằm hỗ trợ cho thị trường khu vực như Singapore, Zurich, hay Hồng Công. Thị trường tài chính Singapore hỗ trợ cho các doanh nghiệp Đông Nam Á, Zurich cho các thị trường Châu Âu, và Hồng Công từ rất lâu đóng vai trò như cửa ngỏ để thế giới tài chính tiếp cận thị trường Trung Quốc.

Trong cả hai trường hợp, các trung tâm tài chính quốc tế đều có một kết nối rộng rãi và chặt chẽ với các nền kinh tế toàn cầu. Quan trọng nhất, nó tồn tại sẵn ở đó một cơ sở hạ tầng về tài chính lâu đời, trong đó có những quy ước thành văn và bất thành văn được chấp nhận chung trên toàn thế giới. Những quy ước này bao gồm thượng tôn pháp luật, tôn trọng các cam kết quốc tế, đối xử công bằng, minh bạch thông tin, tuân thủ các giá trị đạo đức, và theo đuổi chủ nghĩa tư bản.

Khi Việt Nam quyết tâm hình thành một trung tâm tài chính thế giới, tương tự, câu hỏi đặt ra là một trung tâm tài chính như vậy phục vụ cho thị trường nào và đó chính là lý do cho sự hình thành và tồn tại của nó. Chúng ta không thể bằng một nghị quyết đặt tên nó là trung tâm tài chính quốc tế và nó tự động trở thành một trung tâm tài chính quốc tế được.

Thị trường Việt Nam hiện quá nhỏ. Với GDP chưa tới 500 tỉ đô la Mỹ, còn rất lâu để thị trường tài chính Việt Nam, vốn tồn tại để hỗ trợ cho thị trường nội địa của nó, đủ sức ảnh hưởng để tự mình trở thành một trung tâm tài chính toàn cầu. Hãy nhìn Thổ Nhĩ Kỳ hay Indonesia với nền kinh tế gấp 3 lần Việt Nam, thị trường tài chính của họ vẫn còn rất lâu mới đạt được sự rộng mở, sự công nhận và tin tưởng của giới doanh nghiệp toàn cầu như những trung tâm tài chính thế giới.

Con đường còn lại duy nhất để Việt Nam trở thành một trung tâm tài chính khu vực và sau đó là quốc tế đó là biến mình trở thành một nhà cung cấp chuyên nghiệp các dịch vụ tài chính cho các hoạt động kinh tế trong khu vực. Nói một cách ngắn gọn, Việt Nam đi con đường của Singapore, Hồng Công hay Zurich. Như vậy, Việt Nam buộc phải cạnh tranh trực tiếp với Singapore. 

Hiện tại Việt Nam khó mà cạnh tranh được với Singapore trong cung cấp các dịch vụ tài chính. Có lý do gì để một doanh nghiệp không làm ăn ở Việt Nam lại chọn gửi tiền và thực hiện các giao dịch tài chính với Việt Nam khi mà họ có thể dễ dàng và thuận tiện hơn rất nhiều khi thực hiện các giao dịch đó với các tổ chức của Singapore?

Không phải không có cơ hội để Việt Nam có thể bắt kịp Singapore để trở thành một trung tâm tài chính. Tuy vậy, cái giá để trả nhằm đưa Việt Nam trở thành một trung tâm tài chính quốc tế lại là số phận của đảng Cộng sản.

Như đã nói ở trên, một trung tâm tài chính quốc tế trước hết nó phải bảo đảm việc tôn trọng các cam kết quốc tế, các thành phần kinh tế phải được đối xử công bằng, thông tin phải minh bạch, các giá trị đạo đức trong các giao dịch phải được tôn trọng, và các chính sách phải theo đuổi một nền kinh tế tư bản chủ nghĩa. Và như vậy, khi Việt Nam đảm bảo được việc thực thi các chính sách và cam kết đó một cách nhất quán và nghiêm túc, điều đó cũng đồng nghĩa với việc các chính sách đó cũng sẽ phải được áp dụng chung cho toàn xã hội. Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa lúc này sẽ phải vất bỏ vì chính sách này ưu tiên các doanh nghiệp nhà nước và không công bằng cho các thành phần kinh tế khác nhau. Một chính sách bất thành văn khác là chính sách kinh tế dựa trên chủ nghĩa thân hữu, mà trong đó chính quyền dựa trên hệ thống các cá nhân và doanh nghiệp có quan hệ mật thiết với chính quyền, cũng sẽ phải dẹp bỏ.

Trong thể chế kinh tế – chính trị mới nhằm hướng đến một trung tâm tài chính quốc tế, chính quyền buộc phải cư xử trong sự ràng buộc của hệ thống thượng tôn pháp luật và các định chế quốc tế, nó không thể nào duy trì lối hành xử như hiện nay. Việc chính quyền duy trì quyền lực của mình trong sự ràng buộc của pháp luật và các định chế quốc tế đến lượt nó mở đường cho một kỷ nguyên mới — kỷ nguyên dân chủ, nơi mà mọi người và các tổ chức đều phải hoạt động trên cơ sở tuân thủ pháp luật, sự công bằng và các nguyên tắc chung của thế giới tiến bộ.

Nhưng liệu đảng Cộng sản đã sẵn sàng chịu trói mình trong một khuôn khổ của pháp luật, thậm chí pháp luật do mình soạn, hay chưa? Đây là câu hỏi mà bất kỳ ai với một chút hiểu biết xã hội đều có thể trả lời. Nói một cách khác, đảng Cộng sản sẽ không thể nào biến Việt Nam thành một trung tâm tài chính quốc tế được.

*Bài viết không thể hiện quan điểm của RFA.