Kỷ niệm vụ sát hại ông Lê Đình Kình ở Đồng Tâm: Sau năm năm gia đình vẫn bị chính quyền trấn áp

Năm năm sau ngày chính quyền đưa khoảng ba nghìn cảnh sát cơ động tấn công vào xã Đồng Tâm và bắn chết ông Lê Đình Kình, gia đình bà quả phụ Dư Thị Thành nói họ vẫn tiếp tục bị công an địa phương sách nhiễu và đàn áp.

Vào ngày thứ Ba, 15 tháng Chạp năm Giáp Thìn, tức ngày 14/1 Dương lịch, gia đình tổ chức lễ giỗ lần thứ năm của ông Lê Đình Kình, người có 57 năm tuổi đảng.

Cách đây năm năm, vào rạng sáng 15 tháng chạp năm Kỷ Hợi, tức ngày 09/01/2020, chính quyền Việt Nam đã điều động cảnh sát chống bạo động tấn công vào tư gia của ông Kình, bắn chết ông và bắt giữ, đánh đập gần 30 người khác trong vụ giải quyết tranh chấp đất đai rộng 59 ha ở cánh đồng Sênh.

Bà quả phụ Dư Thị Thành, người chứng kiến công an bắn chết chồng mình và cũng bị công an bắt giữ, đánh đập, sỉ nhục hôm đó, chia sẻ với RFA trong phỏng vấn đầu tuần này:

Bọn nó (công an- PV) vẫn chì chiết gia đình đấy, coi mình là con người kiểu ‘phản động’. Mình đi đâu nó vẫn gây khó khăn tất cả các thứ đấy.”

Bà nhắc lại trong lúc tấn công vào nhà của ông bà, công an đã bắn bừa bãi khiến ngôi nhà lỗ chỗ vết đạn, hiện vẫn còn những chứng tích đó. Ngôi nhà từ đó tới nay vẫn chưa được sửa lại do ông bị bắn chết, còn các con trai, cháu trai bị bắt dẫn tới cảnh nhà chỉ còn toàn phụ nữ.

Để nguyên tất cả, nhà cửa chỉ chỗ nào bị dột thì che lại thôi. Bây giờ làm thế nào mà sửa được. Nhà dột nát, nó bắn lên thủng hết mà.” Bà nói thêm một lý do khác khiến gia đình không thể sửa nhà được là điều kiện kinh tế khó khăn.

Con trai “tê liệt”

Trong cuộc tấn công vào Đồng Tâm, có ba sỹ quan công an bị cho là chết khi rơi xuống hố sâu- khoảng không giữa nhà ông Kình-bà Thành và hàng xóm. Chính quyền cho rằng khi bị rơi xuống giếng này, họ bị hai người con của ông bà là Lê Đình Công và Lê Đình Chức sai người đổ xăng và thiêu chết họ.

Trong vụ án “giết người” và “chống người thi hành công vụ” ở Đồng Tâm, hai người con trai Công và Chức bị kết án tử hình về tội giết người. Hiện họ đang bị giam ở Trại tạm giam số 2 của Công an thành phố Hà Nội ở huyện Thường Tín.

Bà Thành cho biết trong lúc bị công an tấn công, người con thứ, anh Chức, bị thương ở đầu bên trái, cộng thêm việc bị đánh đập, tra tấn trong lúc tạm giam và cùm chân trong buồng giam của tử tù nên ông đã bị tê liệt nửa người, không thể tự đi mà phải có hai công an xốc nách mỗi khi gặp gia đình trong các buổi thăm gặp.

Sức khoẻ của người con trưởng Công cũng rất yếu do bị tra tấn và điều kiện giam giữ hà khắc. Bà Thành nói:

Hai con yếu lắm rồi, Chức thì bị tê liệt một bên người, còn Công thì nó nói chỉ nằm được sấp, không bao giờ nằm ngửa được do bị đánh đập nhiều và bị ghẻ lở. Khi nào gặp cũng thấy máu đầy tất cả từ đầu đến chân.”

Do tình cảnh bệnh tật không được chữa trị và giam giữ khắc nghiệt nên hai con bà có thái độ tiêu cực, “chỉ muốn chết thôi mà không làm thế nào chết được,” bà Thành cho hay.

Việc thăm hai con trai ở trại giam cũng gặp khó khăn, bà Thành nói:

Bây giờ xin giấy ra thăm các con, nó (công an xã- PV) bắt phải ghi thế này ‘phần tử giết người’ thì nó mới cho giấy. Tôi bảo là nhà tôi chẳng ai giết người cả, các anh cho thì cho mà không cho thì thôi.” 

000_8PX4EJ.jpg
Phiên toà xét xử những người dân Đồng Tâm ở Hà Nội hôm 14/9/2020. Vietnam News Agency / AFP

Chính quyền địa phương vẫn từ chối cấp giấy chứng tử, sổ đỏ

Trong cuộc tấn công vào Đồng Tâm, công an bắn chết ông Lê Đình Kình đồng thời thu giữ nhiều giấy tờ của gia đình, trong đó có cả sổ đỏ chứng nhận quyền sở hữu mảnh đất mà ngôi nhà của gia đình hiện đang toạ lạc.

Bà trình báo về việc mất sổ đỏ lên Uỷ ban Nhân dân xã, ban đầu công an nói sẽ trả lại nhưng sau đó không trả. Gia đình đề nghị cấp lại sổ đỏ cho gia đình nhưng phía công an không cho, bà nói với RFA.

Phóng viên gọi điện cho Uỷ ban Nhân dân huyện Mỹ Đức để hỏi về việc cấp lại sổ đỏ cho gia đình bà quả phụ Dư Thị Thành nhưng không có ai nghe máy. Phóng viên cũng không thể kết nối được với Công an huyện Mỹ Đức bằng số điện thoại đăng công khai.

Theo luật sư Nguyễn Văn Đài, người có nhiều năm hành nghề trước khi bị bắt và buộc phải sống lưu vong ở Đức, khi người dân bị mất sổ đỏ hay là sổ hồng liên quan đến chủ quyền sử dụng đất và tài sản trên đó, họ được quyền yêu cầu cơ quan là Uỷ ban Nhân dân huyện đã cấp giấy đó cấp lại bản mới.

Thủ tục đầu tiên là gia đình phải đến trình báo với cơ quan công an để làm biên bản xác nhận việc bị mất những cái giấy tờ đó. Gia đình cần khai báo lý do mất, và đem biên bản xác nhận của công an về việc mất giấy tờ lên UNND cấp huyện để làm thủ tục yêu cầu cấp lại.

Về trường hợp của gia đình bà Dư Thị Thành, luật sư Đài nói:

Tôi cho rằng ở đây có sự bất đồng giữa cái việc trình báo mất sổ đỏ, gia đình (cụ Kình- PV) chỉ muốn nói đúng sự thật, tức là do cơ quan công an đã vào nhà và lấy đi những giấy tờ đó của họ còn phía chính quyền và công an địa phương họ muốn gia đình nói mất nhưng không rõ lý do.”

Bà Thành cho hay khi gia đình muốn làm giấy khai tử cho ông, phía công an từ chối xác nhận vì họ muốn gia đình khai ông bị bắn chết ở cánh đồng Sênh, trong khi bà chỉ muốn khai đúng sự thực.

Luật sư Đài cho biết để được UBND cấp xã cấp giấy chứng tử cần có xác nhận của công an địa phương. Tuy nhiên, theo ông, việc chính quyền địa phương từ chối cấp giấy chứng tử cho ông Lê Đình Kình là do bất đồng về nơi cụ bị bắn chết.

Việc không cấp giấy chứng tử cho một người có thể ảnh hưởng đến việc chia tài sản thừa kế của người đã mất, và trong trường hợp ông Kình, người vợ không được hưởng tiền tử tuất và trợ cấp tuất hàng tháng. Vì ông Kình làm cán bộ xã nhiều thập niên nên người vợ được quyền hưởng tiền trợ cấp tuất hàng tháng bằng 70% lương cơ bản, luật sư Đài cho hay.

Tám người bị kết tội “chống người thi hành công vụ” đã được về nhà

Trong vụ án Đồng Tâm, ngoài hai ông Công và Chức thì còn bốn người bị kết án “giết người” với bản án từ 12 đến 16 năm và ông Lê Đình Doanh bị án chung thân. Bên cạnh đó, có chín người bị kết tội “chống người thi hành công vụ” với mức án từ ba năm đến sáu năm tù giam.

Trừ bà Bùi Thị Nối đang thi hành bản án sáu năm tù, tám người còn lại đã được tha trước thời hạn từ năm tháng đến chín tháng tù do “lao động chăm chỉ” và “tuân thủ nội quy trại giam.”

Ông Nguyễn Văn Duệ được giảm ít nhất và được đoàn tụ với gia đình vào đầu tháng 4/2023 trong khi các ông Lê Đình Uy, Lê Đình Quang và Nguyễn Văn Quân đều bị án năm năm tù và được trả tự do vào tháng 4/2024 còn hai ông Bùi Văn Tiến và Lê Đình Quân cũng bị án năm năm tù nhưng được tự do sau đó một tháng.

Hai người được về nhà sớm nhất là Bùi Văn Tuấn và Trịnh Văn Hải. Cả hai đều bị án tù ba năm nhưng họ chỉ phải bị giam giữ và tù đày tổng cộng 29 tháng.

_____________

Đồng Tâm: Gia tộc đòi đất sau 1 năm khủng hoảng và mong ước minh oan

Y án vụ Đồng Tâm: Chính quyền coi dân là ‘thế lực thù địch’?

Nỗi ám ảnh triền miên và niềm u uất suốt hai năm vụ Đồng Tâm!

____________

Luật sư Đặng Đình Mạnh, một trong nhiều người tham gia bào chữa cho 29 người trong vụ án Đồng Tâm, bình luận với RFA hôm 13/1 rằng vụ tấn công đầu năm 2020 là hành động trả đũa cho việc công an bị mất mặt năm 2017 khi dân làng Đồng Tâm tạm giữ 38 cảnh sát cơ động vì bắt người vô pháp.

“Từ một tranh chấp đất đai thông thường ở Đồng Tâm, chế độ đã biến chúng thành một vụ đàn áp đẫm máu dẫn đến cái chết của bốn sinh mạng và tuyên án tử hình hai người, trong đó một cụ già hơn 80 tuổi bị Thượng tá Đặng Việt Quảng, Phó Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát Điều tra – Công an thành phố Hà Nội, dùng súng bắn thẳng ngực trong cự ly gần.

“Vụ tấn công Đồng Tâm đã thể hiện rõ nhất là chính sách công an trị hết sức dã man đã chi phối toàn bộ đất nước trong một thời gian rất dài, thậm chí, nó càng khốc liệt cho đến tận ngày nay.”

Theo luật sư Mạnh, bằng cuộc trấn áp bạo lực đối với gia đình ông Lê Đình Kình và người dân Đồng Tâm, chế độ công an trị ở Việt Nam đạt được nhiều mục đích. Một mặt trả đũa được vụ mất mặt, mặt khác, dập tắt được vụ tranh chấp dai dẳng ở Đồng Tâm đồng thời trấn áp để làm gương cho nhiều vụ tranh chấp đất đai đông người khác đang xảy ra trên nhiều địa phương.

“Nhưng theo đó, mọi thiết chế pháp lý căn bản của một quốc gia, tiền đề cho một nhà nước pháp quyền đều đã bị lực lượng công an vô hiệu hóa. Thay thế vào đó, sự việc dược giải quyết bằng bạo lực, bằng súng đạn, bằng lực lượng công an khát máu được tạo dựng hoàn toàn bằng chính tiền thuế của người dân.”

Vị luật sư hiện đang sống tị nạn ở Hoa Kỳ bình luận thêm:

Vụ tấn công Đồng Tâm năm 2020 sẽ vĩnh viễn là câu chuyện tội ác mà chế độ Cộng sản gây ra đối với người dân. Trong đó, trách nhiệm cao nhất là ông Nguyễn Phú Trọng với tư cách là Tổng Bí thư, người đứng đầu chế độ và ông Tô Lâm, nguyên Bộ trưởng Công an đã trực tiếp tổ chức cuộc tấn công khi ấy.

“Với người dân Đồng Tâm và với dân tộc này, món nợ công lý nhuốm máu dân lành vẫn còn nguyên đó. Hai bản án tử hình đầy oan khuất vẫn còn tồn tại… Vụ án Đồng Tâm chưa bao giờ kết thúc để có thể đóng lại.”