Hội Nhà Văn Việt Nam vẫn im lặng một cách khó hiểu

Hôm 5 tháng 12 năm 2024, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều trao quyết định bổ nhiệm ông Lương Ngọc An làm phó tổng biên tập tạp chí Nhà Văn và Cuộc Sống. Việc này gây phản ứng mạnh mẽ trên mạng xã hội, bởi ông An là người đã và đang bị nhà thơ Dạ Thảo Phương tố cáo từng “nhiều lần cưỡng bức” bà “như một nô lệ tình dục” khi còn làm việc ở báo Văn Nghệ.

Giới văn chương nói gì?

Đã hơn 3 tuần trôi qua kể từ quyết định gây dậy sóng dư luận ấy, Hội Nhà Văn Việt Nam vẫn im lặng, không một lời giải trình.

Đây được coi là hành động vô trách nhiệm của một tổ chức có tính chất đặc thù; đại diện cho nền văn học, hoạt động trong phạm vi cả nước, và hưởng ngân sách hàng tỷ đồng mỗi năm.

Sự im lặng mang tính thách thức của Hội Nhà văn không những vô ích trong việc giúp họ thoát khỏi búa rìu dư luận, mà thậm chí còn khiến những người theo dõi vụ việc này bất bình hơn.

Nhà văn Thái Hạo, người nổi tiếng trên mạng xã hội với những bài viết về các vấn đề xã hội thu hút hàng chục ngàn người theo dõi, đã liên tiếp đăng đàn kêu gọi cá nhân ông Lương Ngọc An, và Hội Nhà văn chính thức lên tiếng về sự việc.

Và khi điều duy nhất mà ông và những người khác nhận được là sự ngó lơ, đã phải cảm thán rằng nếu đương sự “im lặng và không có bất cứ phát ngôn phủ nhận hay hành động chính đáng nào, thì việc ông ta bị nghi ngờ ngày càng nhiều và bị xa lánh, bị khinh khi cũng là điều hoàn toàn hợp lý”, và với cơ quan chủ quản nếu “không có bất kỳ hành động nào” thì “càng đáng bị dân làng (công chính) chỉ trích”.

Tôi cho rằng, hành động thực tế của mỗi cá nhân, mỗi tổ chức sẽ là những nét tự vẽ chân thực nhất tạo nên “bức chân dung” của chính họ. Tôi tự chịu trách nhiệm về những hành động của mình, và Hội Nhà văn Việt Nam, cũng như những cá nhân các cấp ở đó, cũng như vậy. Hãy để quyền phán xét cho lương tri của công luận, và thời gian. Sự phán xét đó khắc nghiệt, nhưng công bằng, và chẳng thế lực nào xoá nổi đâu! – Nhà thơ Dạ Thảo Phương

Không dừng lại ở những lời kêu gọi hay chỉ trích trên mạng xã hội, giới văn chương đã xuất hiện những động thái cụ thể hơn nhằm thể hiện sự bất mãn đối với cơ quan chủ quản của họ.

Hôm 23 tháng 12, nhà thơ Trần Duy Bảo Khang, tác giả của tập thơ “Đi tìm những bóng người”, được chính Hội Nhà văn trao giải Tác giả trẻ năm 2022, đã tuyên bố ngưng hợp tác với cơ quan này cho đến khi nào “có thông báo chính thức về kết quả xử lý vụ việc ông Lương Ngọc An bị tố cáo xâm hại tình dục”.

Không những giới cầm bút tỏ ra bức xúc trước thái độ của Hội Nhà văn, mà nhiều người từ các thành phần khác nhau trong xã hội cũng đã lên tiếng, ca sĩ Thái Thùy Linh viết trên trang Facebook cá nhân, chất vấn cách hành xử của hội này rằng nếu đã mạnh dạn làm cả 1 quy trình để “điều động” Lương Ngọc An trở lại chức Phó Tổng biên tập – thì cũng nên lên tiếng khi mỗi ngày đều bị nhân sĩ trí thức và giới văn chương réo tên đối chất việc này… Dù câu trả lời bất kỳ là gì, cũng còn đỡ hơn hẳn việc Hội hành xử như câm như điếc”.

Nạn nhân phản ứng

Ở phía bên này, nhà thơ Dạ Thảo Phương vẫn kiên trì đốc thúc làn sóng dư luận, bà liên tiếp tung ra các bằng chứng chi tiết để chứng minh cho các cáo buộc của mình, và mỗi lần bằng chứng mới được công khai, sóng dư luận lại nổi lên.

Trao đổi với RFA Tiếng Việt, nhà thơ này vẫn tỏ ra cương quyết:

“Tôi cho rằng, hành động thực tế của mỗi cá nhân, mỗi tổ chức sẽ là những nét tự vẽ chân thực nhất tạo nên “bức chân dung” của chính họ. Tôi tự chịu trách nhiệm về những hành động của mình, và Hội Nhà văn Việt Nam, cũng như những cá nhân các cấp ở đó, cũng như vậy. Hãy để quyền phán xét cho lương tri của công luận, và thời gian. Sự phán xét đó khắc nghiệt, nhưng công bằng, và chẳng thế lực nào xoá nổi đâu!”

Thời gian gần đây đã xuất hiện dấu hiệu cho thấy nỗ lực bịt miệng nạn nhân.

Cụ thể, vào ngày 26 tháng 12, nhà thơ Dạ Thảo Phương cho biết bài viết của bà trên trang Facebook cá nhân đã bị gỡ bỏ, với lý do “vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng”. Không chỉ bài viết của nạn nhân bị gỡ bỏ một cách lạ lùng, bài viết về sự việc này của những người khác cũng bị Facebook kiểm duyệt, đơn cử như các bài viết của nhà văn Thái Hạo.

Trao đổi với RFA, nhà thơ Dạ Thảo Phương cho biết hiện không có chứng cứ để nói là ai bịt miệng. Nhưng theo bà, “có vẻ những nhóm lợi ích, quyền lực và đồng tiền đang ráo riết vận hành cỗ máy của họ”. 

Câu chuyện của chị Dạ Thảo Phương bây giờ không còn là vấn đề cá nhân nữa mà nó là vấn đề của xã hội. Điều cần ghi nhận là chị ấy muốn một xã hội tốt đẹp hơn từ câu chuyện của chính mình. Đó là mong muốn của chị ấy. – Luật sư Ngô Anh Tuấn

Hai ngày sau khi bài viết của mình bị Facebook gỡ, bà Dạ Thảo Phương đăng Thư ngỏ yêu cầu ông Thiều, ông Khoa xin lỗi. Thư ngỏ một lần nữa nêu rõ những lý do khiến bà và cộng đồng phẫn nộ và yêu cầu “các ông các bà ngay lập tức có hành động nhận trách nhiệm của mình, thể hiện sự tôn trọng tối thiểu với cá nhân tôi và với cộng đồng. Bắt đầu, bằng việc xin lỗi tôi và cộng đồng một cách chính thức, công khai, như cách các ông các bà công bố sự bổ nhiệm Lương Ngọc An.”

Gia đình nhà thơ Dạ Thảo Phương cũng vừa công bố lá đơn của cha mẹ nhà thơ gửi đến ông Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội văn học Nghệ thuật Việt Nam và ông Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam tố cáo tội ác năm xưa của Lương Ngọc An và phản đối việc bổ nhiệm Lương Ngọc An vào bất kỳ vị trí lãnh đạo nào, kêu gọi lương tri và hành động công tâm, chính đáng của Ban chấp hành Hội nhà văn mà ông Nguyễn Quang Thiều là Chủ tịch.

471840496_9667958883214304_5854516264773612830_n.jpg
Gia đình nhà thơ Dạ Thảo Phương công bố lá đơn gửi đến ông Nguyễn Quang Thiều.

Hiện nhà thơ Dạ Thảo Phương đã mời Luật sư Ngô Anh Tuấn làm đại diện pháp lý cho mình. Trao đổi với RFA, Luật sư Ngô Anh Tuấn nêu rõ mục đích khởi kiện:

Có thể đã qua thời hạn truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng việc tố cáo thì mình vẫn làm để xác minh sự việc là có thật. Không xử lý hình sự được thì xử lý hành chính, xử lý theo lối khác. Lần này đưa vụ việc ra pháp lý với mục đích bên kia phải xin lỗi công khai nạn nhân, và ông ta không thể đảm nhiệm bất cứ chức vụ gì, nhất là trong một môi trường văn hóa như thế.

Câu chuyện của chị Dạ Thảo Phương bây giờ không còn là vấn đề cá nhân nữa mà nó là vấn đề của xã hội. Điều cần ghi nhận là chị ấy muốn một xã hội tốt đẹp hơn từ câu chuyện của chính mình. Đó là mong muốn của chị ấy”.

Bài phát biểu của ông chủ tịch Hội nhà văn

Tuy bề ngoài, Hội Nhà văn tỏ ra im lặng và coi thường dư luận, nhưng ở bên trong, ông chủ tịch Nguyễn Quang Thiều của hội này đã phải lên tiếng biện minh cho quyết định bổ nhiệm Lương Ngọc An.

Tại Hội nghị tổng kết công tác văn học 2024 diễn ra vào sáng ngày 12 tháng 12 vừa qua, ông Nguyễn Quang Thiều xác nhận ông An chưa bao giờ bị bãi nhiệm chức Phó tổng Biên tập Báo Văn nghệ mà chỉ bị điều động về văn phòng Hội vì “những vấn đề nhạy cảm”.

“Anh An chưa bao giờ bị bãi nhiệm chức Phó tổng Biên tập Báo Văn nghệ. Và trước đó chúng tôi đã báo cáo các cơ quan quản lý cấp trên – Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, và được sự cho phép của Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Thông tin và truyền thông, mới bổ nhiệm anh An làm Phó Tổng biên tập báo Văn Nghệ. Nhưng bấy giờ, vì những vấn đề đầy nhạy cảm, thì chúng tôi điều động anh An về Văn phòng Hội, và bây giờ chúng tôi điều động tiếp”, lời ông Nguyễn Quang Thiều.

Nhưng điểm đáng chú ý hơn trong bài phát biểu của ông Chủ tịch Hội Nhà văn, nằm ở chỗ ông này tìm cách bảo vệ, gỡ tội cho Lương Ngọc An, bằng lập luận… ông An tốt với Đảng (!?).

“Thái độ của anh An đối với trong Ban Chấp hành, đối với đảng đoàn, đối với công việc là một người tốt”. Ông Thiều nói về Lương Ngọc An.

Sau khi đoạn video quay lại bài phát biểu của ông Thiều được đăng tải lên mạng xã hội, đã gây ra phản ứng dữ dội từ những người theo dõi vụ việc này.

————-

Vụ bê bối của cận vệ Lương Cường và vấn nạn quấy rối tình dục ở Việt Nam

Lý do ngại tố giác tội phạm xâm hại tình dục trẻ em

————-

Nhà văn Phạm Thị Hoài sau đó đã cho đăng bài viết với tiêu đề “Khi nhà thơ không hoàn toàn cưỡng dâm”, để châm biếm phát biểu của ông Chủ tịch Hội Nhà văn.

Theo Luật sư Đặng Đình Mạnh, cho đến nay, vẫn chưa có một phán quyết nào của tòa án tuyên ông Lương Ngọc An là tội phạm, hoặc của cơ quan Nhà nước kỷ luật hành chính đối với ông ấy cả. Cho nên, ông Lương Ngọc An vẫn phải được xem như là một công dân bình thường.

“Tuy nhiên, sự cất nhắc chức vụ trong hội đoàn có sự quản lý về phương diện tổ chức đảng, thì phải xem xét về tư cách đảng viên. Do đó, với sự tố cáo của cô Dạ Thảo Phương, thì ông Lương Ngọc An phải được xem như là trường hợp có dư luận xấu từ quần chúng. Việc cất nhắc chức vụ trong trường hợp này không thể được chấp nhận, trừ trường hợp đương sự được ưu ái theo cách không bình thường”, LS Mạnh phân tích.

Có lẽ để đáp lại sự phản ứng của cộng đồng vì sự im lặng của mình, hôm 29 tháng 12 năm 2024, Website của Hội Nhà văn Việt Nam đăng bài viết “Tấn công” Hội Nhà văn Việt Nam, thù hận hay đố kỵ? của nhà thơ Nguyễn Hữu Quý. Bài viết có vẻ mang tính chụp mũ khi viết “Một số phát ngôn thiếu thiện chí về nhà văn, về Hội Nhà văn Việt Nam đã được tung ra. Người ta dễ dàng cảm nhận được trong đó mùi vị thù hận hằn học và đố kỵ. Không khó để nhận ra ai là kẻ phát ngôn hay tung hứng những lời lẽ công kích thiếu trong sáng đó”.

Tác giả thừa nhận “trong quá trình xét kết nạp hội viên có thể còn để lọt lưới một số người chưa xứng đáng nhưng trong Hội Nhà văn Việt Nam không quá thiếu những người tài”.