Hà Nội chặn cửa các Báo cáo viên đặc biệt của LHQ dù khẳng định tôn trọng nhân quyền

“Việt Nam, hãy mời tôi. Tôi rất muốn được trở lại Việt Nam!”

Bà Mary Lawlor, Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp quốc (LHQ) về Người bảo vệ nhân quyền nói trước Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam ở Geneva trong một video đăng tải trên mạng xã hội X hôm 27/11. 

Bà nói thêm:

“Nhưng quý vị biết không, quý vị đến đây và nói tất cả những thứ này và quý vị không cho bất kỳ ai trong chúng tôi vào (Việt Nam) thì làm sao chúng tôi có thể tin những gì quý vị đã nói?”

Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp quốc về Người bảo vệ nhân quyền của LHQ không phải là trường hợp duy nhất bị từ chối dù nhiều lần đề nghị được thị sát Việt Nam.

Văn phòng Cao ủy về Nhân quyền của Liên Hiệp quốc hôm 27/11 đưa ra một cập nhật cho hay, Chính phủ Việt Nam chỉ trong năm 2024 từ chối hai đề nghị thăm quốc gia của Báo cáo viên đặc biệt về Xu hướng tính dục và bản dạng giới, cùng với Báo cáo viên đặc biệt về Chất độc và Nhân quyền.

Hà Nội cũng chưa đưa ra lời mời thường trực đến Nhóm công tác về giam giữ tùy tiện dù cơ quan này thường xuyên bày tỏ sự quan tâm và yêu cầu thăm quốc gia vào năm 2025.

Chính phủ độc đảng cũng từ chối đề nghị viếng thăm của sáu Báo cáo viên đặc biệt trong các năm 2020-2023 về các chuyên đề như: người bản địa, buôn bán trẻ em, nô lệ, buôn bán người, người bảo vệ nhân quyền, và về các vụ hành quyết ngoài tư pháp, tùy tiện.

Báo cáo viên đặc biệt là những chuyên viên độc lập của LHQ hoạt động về một số quốc gia hay một số chuyên đề liên quan đến nhân quyền. Công việc của họ bao gồm đáp ứng những thông tin khẩn cấp về các trường hợp đặc biệt và thực hiện những chuyến thăm đến các quốc gia nơi có vi phạm.

Phóng viên gửi email cho Bộ Ngoại giao Việt Nam với đề nghị bình luận về thông tin trên nhưng chưa nhận được phản hồi.

Báo cáo viên đặc biệt về quyền phát triển Surya Deva là người thăm Việt Nam gần đây nhất. Trong chuyến thăm kéo dài 10 ngày của tháng 11/2023, ông gặp nhiều quan chức chính phủ và thăm một số địa phương, nhưng không gặp trực tiếp đại diện các tổ chức xã hội dân sự độc lập mà chỉ gặp trực tuyến một số gia đình tù nhân lương tâm (TNLT) trước khi đến Việt Nam.

Báo cáo viên đặc biệt Mary Lawlor nói vừa chân thành, vừa thể hiện sự giận dữ:

“Quý vị biết đấy, bất cứ khi nào tôi nói về việc có ai đó bị bắt vì bảo vệ nhân quyền, quý vị đều trả lời tôi bằng cùng một câu trả lời.

Việt Nam là nước có nhiều nhà bảo vệ nhân quyền nhất phải thụ án hơn 10 năm tù, hơn bất kỳ nước nào khác và tôi có thông tin về chuyện này. Nếu quý vị muốn tham gia với tôi, thì hãy làm ơn thực hiện bởi vì tôi rất muốn làm như vậy.”