Các thành phố lớn của Việt Nam hôm Chủ nhật tràn ngập xe máy, ô tô… đổ ra đường ăn mừng chức vô địch của đội tuyển bóng đá Việt Nam ở giải AFF Cup 2024, cảnh sát giao thông đã xử phạt một số trường hợp vi phạm giao thông, có ý kiến cho rằng người dân cần chia vui với đội tuyển một cách văn minh hơn.
Việc người hâm mộ bóng đá tràn ra đường “đi bão” đã trở thành thường xuyên trong nhiều năm qua. Không chỉ hò hét và gõ chiêng trống hay nồi chảo họ mang theo, mà có người còn khoả thân, hay nẹt pô xe máy, phóng nhanh qua các con phố… gây ồn ào và khiến người đi đường thót tim, và lực lượng CSGT vất vả để kiểm soát tình hình.
Nguyễn Phượng, 19 tuổi, cho biết đêm 5/1 vừa qua đã vượt 20 km đến khu vực đường Giải Phóng (Hà Nội) để hoà mình vào dòng người ăn mừng trong thời gian từ 22 giờ đến 1 giờ sáng hôm sau.
Cô gái trẻ này cho biết đám đông hò hét, gõ mâm, thổi kèn… và làm tắc một đoạn dài. Theo quan sát của cô, chỉ có một vài người vượt đèn đỏ, đa số còn lại tuân thủ tín hiệu đèn vì sợ bị phạt trong bối cảnh mức phạt nâng cao gấp nhiều lần từ đầu năm.
Phượng, người vừa đi học và đi làm, cho biết chuyến “đi bão” vừa qua rất vui vì “Việt Nam chiến thắng” và nó không ảnh hưởng gì đến công việc của ngày hôm sau.
Một bạn trẻ khác cho biết đêm Chủ nhật đã cùng nhóm bạn từ Đông Anh đến cầu Chương Dương để hò hét đến 3 giờ sáng. Người này cho biết sau cuộc vui, người có mệt chút và khản giọng nhưng “rất đáng vì bao năm mới có một lần Việt Nam vô địch AFF Cup.”
Truyền thông nhà nước đưa tin nhiều người bị CSGT thổi phạt vì vi phạm trật tự giao thông trong khi “đi bão” đêm Chủ nhật (05/1) và trước đó ba ngày khi Việt Nam thắng Thái Lan 2-1 trong trận lượt đi.
Báo Sài Gòn Giải Phóng cho biết lực lượng công an ở TPHCM xử phạt 70 người vì vi phạm giao thông trong đêm Chủ nhật khi xuống đường ăn mừng chiến thắng. Riêng ở Hà Nội đã xử lý một tài xế lái xe cứu thương “đi bão” nhưng có mức nồng độ cồn kịch trần với mức phạt 60 triệu đồng.
Ông C., một người dân ở Sài Gòn cho hay ông thường tránh ra đường sau những trận bóng như thế này vì lo sợ cho tính mạng của mình. Ông nói với RFA:
“Việc đi bão không có ý nghĩa gì về xã hội lại hay xảy ra tai nạn và như vậy thì trước tiên họ và gia đình sẽ gánh hậu quả. Xã hội hiện nay tồn tại biết bao nhiêu là chuyện tiêu cực xảy ra hàng ngày, sao không đem sức trẻ đó mà đấu tranh với những tiêu cực trên?!”
Ông Nguyễn Viết Dũng, một người quan sát Việt Nam, cho rằng việc ăn mừng khi đội tuyển bóng đá quốc gia chiến thắng là bình thường nhưng việc “đi bão” của một số thanh thiếu niên đáng bị chỉ trích vì bất chấp luật lệ giao thông và có khả năng gây nguy hiểm tính mạng cho chính họ hay người khác.
Ông cũng cho rằng nhiều người nhầm lẫn việc chiến thắng trong bóng đá đồng nghĩa với sức mạnh của Việt Nam.
“Tôi cũng mong muốn Việt Nam chiến thắng trong bóng đá, nhưng cũng mong muốn người dân hãy ăn mừng theo cách văn minh hơn và phân biệt rạch ròi việc chiến thắng trong một môn thể thao với thế mạnh về kinh tế, giáo dục, quân sự… của một đất nước.”