Phương án thu giữ các phương tiện vi phạm luật giao thông đang gây ra nhiều hậu quả như tốn kém, lãng phí nguồn lực, gây mất an toàn xã hội… Trong khi đó, cơ quan hữu trách vẫn đang loay hoay chưa tìm ra cách giải quyết dứt điểm thực trạng này.
Giữ xe vi phạm luật giao thông là không cần thiết
Báo Lao Động hôm 18/2 loan tin nhiều bãi tạm giữ xe vi phạm giao thông ở Hà Nội đều bị quá tải. Tại bãi xe ở Hà Đông có hàng nghìn phương tiện, chủ yếu là xe máy chất thành đống. Trong năm 2023, cơ quan hữu trách Hà Nội đã tạm giữ 42.731 phương tiện xe vi phạm giao thông.
Tại TP.HCM, mạng báo Thanh Niên dẫn lời Thượng tá Lê Mạnh Hà cho biết hiện nay, diện tích kho bãi chưa đáp ứng nhu cầu tiếp nhận tang vật, phương tiện vi phạm hành chính…. Thống kê của Công an TP.HCM cho thấy, năm 2023, có 1.537 ô tô, 153.493 mô tô, xe máy và 1.283 xe 3, 4 bánh bị tạm giữ.
Cũng theo ông Lê Mạnh Hà, gần 20% trong số trường hợp giữ xe là do vi phạm nồng độ cồn. Mức phạt vi phạm nồng độ cồn khá cao so với thu nhập bình quân của người Việt Nam, cao nhất có thể lên đến tám triệu đồng, đôi khi còn cao hơn cả trị giá của phương tiện bị tạm giữ. Do đó, không ít trường hợp người vi phạm đã bỏ phương tiện, làm gia tăng số lượng phương tiện bị tạm giữ tại các kho, bãi.
Ông Bình, một tài xế xe công nghệ ở TP.HCM cho biết, đối với người lao động phổ thông, chiếc xe đối với họ là “cần câu cơm”. Có những cái “cần câu cơm” chỉ có trị giá tầm 4-5 triệu đồng, mà tiền phạt đến 7-8 triệu. Nhiều người không có khả năng trả nên bỏ luôn:
“Đối với những người lao động thì tầm bốn triệu đã có chiếc xe rồi. Cho nên có những người nhắm tiền phạt cao hơn giá chiếc xe thì người ta bỏ luôn.
Bản thân xe không có lỗi, chỉ cần phạt hành chính người vi phạm giao thông là được rồi. Với lại nó là phương tiện kiếm sống của người ta, mà giam như vậy thì không có phương tiện đi lại để làm ăn.”
Bình luận về tình trạng này, luật sư Nguyễn Văn Miếng nói trước tiên ông ghi nhận nỗ lực của ngành công an trong việc giữ gìn trật tự giao thông bằng cách kiểm tra người lái phương tiện giao thông xem họ có vi phạm nồng độ cồn hay không. Tuy nhiên, luật sư này cũng cho rằng trong nhiều trường hợp, cảnh sát giao thông gần như lạm dụng việc kiểm tra để thu giữ xe của người dân:
“Việc thu giữ phương tiện giao thông, theo tôi nghĩ (nên – PV) là một hành động cuối cùng, khi mà không còn giải pháp nào nữa thì công an mới thu; Còn hầu như là tất cả những nơi thổi nồng độ cồn đều có một cái xe dừng ở đó. Nó giống như là thu giữ xe núp dưới hình thức kiểm tra nồng độ cồn.”
Bán đấu giá là bất hợp pháp
Phòng cảnh sát giao thông (CSGT) TP.HCM cho báo chí biết, hiện nay còn thiếu khoảng hơn 10.000 mét vuông kho, bãi để giữ phương tiện vi phạm hành chính.
Ngoài ra, cơ quan này còn phải lắp đặt và bảo trì hệ thống phòng cháy chữa cháy; cử thêm cán bộ để quản lý kho bãi, kiểm tra, vận hành hệ thống phòng cháy… Trong khi đó, nhiều phương tiện bị tạm giữ đang trong tình trạng rã nát.
Do đó, công an TPHCM cho rằng cần có phương án xử lý số xe này nhằm tránh lãng phí, giảm nguy cơ cháy nổ và ô nhiễm môi trường.
Một trong những đề xuất được đưa ra là “bán đấu giá” những chiếc xe đã quá hạn tạm giữ mà không có người nộp phạt lấy xe ra.
Luật sư Nguyễn Văn Miếng khẳng định việc công an tự ý bán đấu giá xe của người dân khi chưa có sự đồng ý của họ là bất hợp pháp:
“Công an bán đấu giá những chiếc xe đó là bất hợp pháp. Bởi vì những chiếc xe đó không phải là của công an. Xe là sở hữu của người dân, chỉ khi nào người dân nói rằng tôi đồng ý để cho công an xử lý thì mới được.”
Tháng 3/2023, công an Hóc Môn tổ chức bán đấu giá lô 954 xe vi phạm với giá với giá chốt sau cùng là hơn 1,1 tỉ đồng. Đến tháng 5/2023, phòng CSGT Công an TPHCM thông báo bán đấu giá gồm 5.328 xe các loại. Đây là những phương tiện bị tạm giữ do vi phạm các lỗi như nồng độ cồn, không giấy phép lái xe, không giấy đăng ký xe…
Thậm chí, theo luật sư Miếng, khi tạm giữ xe vi phạm, công an phải có trách nhiệm giữ gìn tài sản của người dân:
“Khi thu giữ (xe – PV) của người ta thì anh phải có trách nhiệm bảo quản. Khi anh thu của người ta, rồi người ta tới nộp phạt thì đã thu luôn tiền giữ xe; tức là anh khẳng định rằng tôi có trách nhiệm giữ xe. Như vậy, nếu anh giữ xe thì anh phải giữ đúng trọng trách, chứ không thể nào lấy tiền giữ xe rồi xe của người ta anh không biết để ở đâu.”
Theo quy định của Thông tư 85 của Bộ Tài chính, ban hành năm 2019, người vi phạm khi đến nhận lại phương tiện bị tạm giữ phải trả chi phí lưu kho, chi phí bến bãi, chi phí bảo quản phương tiện trong thời gian bị tạm giữ.
Ví dụ, giá giữ xe vi phạm giao thông tại Hà Nội được quy định được quy định là 8.000 đồng/xe/ngày đêm. Đối với xe đạp điện, xích lô là 5.000 đồng. Xe ô tô đến chín ghế ngồi và xe tải từ hai tấn trở xuống là 70.000 đồng/xe/ngày đêm.
Ông Bình cho biết, dù người dân đã phải trả tiền giữ xe, nhưng xe của họ không được trông coi cần thận:
“Vào mấy bãi giữ xe thấy nó quăng quật cái xe của mình xót lắm. Xe mới mua mà sau khi bị giữ là nhìn không ra cái xe nữa. Lớp thì nó để ngoài nắng mưa, lớp thì bọn giữ xe trong đó còn luộc đồ xe của người ta nữa, xe nào mới là bị luộc hết. Xe lấy ra là còn cái xác không à, đồ phụ tùng tốt là nó thay hết, xăng nó cũng rút hết ra.”
Để giải quyết thực trạng này, luật sư Miếng cho rằng chỉ cần thu giữ giấy phép lái xe hoặc biển số xe của phương tiện vi phạm là đủ. Ông lý giải, hiện nay, chỉ có cơ quan có thẩm quyền mới được làm biển số xe. Do đó, nếu thu biển số xe thì coi như là thu luôn quyền lưu hành của người vi phạm, khi nào người vi phạm nộp tiền phạt thì mới trả bảng số xe:
“Làm như vậy thì vừa nhẹ cho người dân mà không mất tiền bến bãi, giữ xe và rõ ràng là có sự công minh ở đây; Tài sản anh thì anh giữ còn quyền lưu hành thì chúng tôi giữ, khi nào anh nộp phạt thì cũng tôi trả lại.” – Luật sư Miếng kết luận