Chiến dịch cắt giảm quốc tang

Dân mạng Việt Nam vui sướng kháo nhau rùm trời như thế, cho sự việc Bộ Chính trị kỷ luật ông Vương Đình Huệ nguyên Chủ tịch Quốc hội, và treo kỷ luật ông Võ Văn Thưởng, nguyên Chủ tịch nước.

Bỗng dưng thôi chức

Quốc tang thì ai cũng biết đại khái rồi, đó là nghi thức tang lễ cao nhất dành cho những người quyền cao chức trọng nhất của một thể chế. Khi có quốc tang, cả nước phải treo cờ rủ, dừng toàn bộ hoạt động giải trí, báo chí đưa tin, truyền hình trực tiếp lễ quốc tang. Ban tổ chức lễ gồm toàn các vị lãnh đạo máu mặt nhất trong Đảng, chính quyền, Quốc hội…v.v. Tóm lại, quốc tang là những ngày cả nước (buộc phải) để tang cho một nhân vật lãnh đạo, bày tỏ nỗi đau lòng thương tiếc trên bình diện quốc gia.

Việt Nam quy định chỉ có tứ trụ và cán bộ cấp cao khác có quá trình đóng góp và công lao to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước và nhân dân, có uy tín lớn trong nước và quốc tế-do Bộ Chính trị quyết định – thì khi chết mới được hưởng nghi thức quốc tang. Tứ trụ gồm Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội (đương nhiệm hoặc đã thôi giữ chức đều được). Còn cán bộ cấp cao khác… thì đã từng có ông Võ Nguyên Giáp.

Tháng 4 năm nay, Trung ương đảng “đồng ý cho Vương Đình Huệ thôi giữ các chức vụ Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Chủ tịch Quốc hội khóa 15, nhiệm kỳ 2021-2026, theo nguyện vọng của đồng chí Huệ”.

Đang yên đang lành làm gì có lãnh đạo to nào ấm đầu đi xin cho thôi giữ chức vụ, nhất là các chức vụ đảm bảo chắc suất quốc tang sau khi về với cụ Các-Mác cụ Lê-nin. Trong cả dòng họ có một người được hưởng quốc tang là kinh lắm, vinh dự lắm, là mả tổ bốc khói xanh chứ đùa. Trịnh trọng ghi vào gia phả, sau này con cháu ốm đem ra khấn vái khéo bệnh còn hết nhanh hơn đi Bạch Mai khám chuyên gia ấy chứ.

Thế cho nên phải có cái lý do đằng sau việc bỗng dưng xin thôi chức của bác Huệ, anh Thưởng (và các cô các bác khác nữa, từ từ mình bàn tiếp).

Lý do đó được Trung ương đảng đưa ra trong các thông cáo chính thức là do bác và anh “đã vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm, quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương đảng và chịu trách nhiệm người đứng đầu theo các quy định của đảng và pháp luật của Nhà nước (…) gây dư luận xấu, làm ảnh hưởng đến uy tín của đảng, Nhà nước và cá nhân”.

Nội cái lý do kể trên và kết quả cho thôi giữ chức theo nguyện vọng đã vả nhau đôm đốp.

Ơ hay tại sao vi phạm trầm trọng đến thế mà lại không xử lý theo pháp luật, lại nhẹ nhàng cho hạ cánh an toàn?

Nếu thượng tôn pháp luật thật sự như Đảng vẫn luôn tô khẩu hiệu rất đậm nét, thì mọi vi phạm của các ông Huệ và Thưởng đều phải xem xét công khai và thông qua các quy trình luật định, như với mọi công dân khác. Họ đã vi phạm điều cấm nào của đảng viên, vi phạm ra sao, hậu quả như thế nào, từ lúc nào và tại sao, đã khắc phục chưa?

Còn nếu họ chỉ vi phạm các quy định nội bộ của Đảng thì tại sao lại dẫn đến kết luận nghiêm trọng đến mức “gây dư luận xấu làm ảnh hưởng đến uy tín của (đĐảng và) Nhà nước”? 

Nếu thượng tôn pháp luật thật sự thì phải cho những người bị kết tội cũng như cho các đảng viên khác và cho người dân nói chung-một phiên tòa công khai và công bằng, có công tố luận tội nhưng cũng có luật sư bảo vệ.

000_34Q97RX (3).jpg
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự họp Quốc hội ở Hà Nội hôm 23/10/2023. AFP

Thế cắt giảm quốc tang à?

Tóm lại cái kết luận tháng Tư còn u u minh minh, mờ ảo lắm, không thuyết phục.

Có lẽ vì thế mà kết luận tháng Mười một sáng tỏ thêm một khúc: Kỷ luật hai ông Huệ và Thưởng do có liên quan đến chống tham nhũng, tiêu cực.

Ông Huệ bị cảnh cáo. Ông Thưởng thì treo đấy do đang trị bệnh (nhưng nếu trị bệnh xong mà nghe kết quả kỷ luật khéo ông Thưởng lại lăn ra bệnh nặng hơn, thì lại tốn công trị quá, nhỉ!)

Tức thị có nghĩa thì là… cảnh cáo. Cảnh cáo là bước đầu, bước đệm, bước thăm dò hay đã là bước cuối? Chúng ta chưa biết. Nhưng nhìn hướng gió thì thấy cổng nhà bác Huệ, anh Thưởng không còn vững nữa, đã lung lay rồi. Không còn êm đẹp kiểu trong nhà bảo nhau tuy chú có làm sai nhưng giờ chú tự nguyện xin thôi chức đi thì chúng mình vẫn là anh em như trước nữa. Dân lắm mồm Việt Nam đồn thổi phen này thì chết, cách hết, cách tuột. Tuột cả cái chức nguyên Chủ tịch Quốc hội, nguyên Chủ tịch nước.

Thế nghĩa là lúc chết thì cũng không được quốc tang, nghĩa là cắt giảm quốc tang đấy.

Việt Nam là đất nước nghệ thuật. Thường xuyên có rất nhiều kịch hay, bất ngờ đến phút chót. Nên cái sự cắt giảm quốc tang này có thật không, chỉ cắt hai vị hay là còn cắt tiếp thì chúng mình cứ ngồi bình tĩnh uống nước chè cắn hướng dương chờ xem. Nhưng có cái sự này thì phải nói luôn.

Ấy là, tâm lý sùng kính lãnh tụ ở Việt Nam (chết chửa) đã suy giảm rất nhiều so với trước.

Trên thế giới có lẽ chỉ có Việt Nam và Bắc Triều Tiên là được nhồi sọ tâm lý sùng kính lãnh đạo như cha, như ông, như tổ. Dân Bắc Triều đấm ngực khóc tập thể nức nở từng cơn khi lãnh tụ Kim Nhật Thành chết. Dân Việt Nam cũng thế. 

Thơ ca:

Tháp Mười đẹp nhứt hoa sen

Việt Nam đẹp nhứt có tên Bác Hồ

(Bảo Định Giang)

Bác nhớ miền Nam, nỗi nhớ nhà

Miền Nam mong Bác, nỗi mong cha

(Tố Hữu)

Bác ơi nhớ mấy cho cùng
Ngoài xa Bác có thấu lòng cháu không.
Đêm đêm cháu những bâng khuâng
Giở xem ảnh Bác cất thầm bấy lâu
Nhìn mắt sáng, nhìn chòm râu
Nhìn vầng trán rộng, nhìn đầu bạc phơ
Càng nhìn càng lại ngẩn ngơ
Ôm hôn ảnh Bác mà ngờ Bác hôn

(Cháu nhớ Bác Hồ, tác giả Thanh Hải, 1956)

Có ai se sẽ ngồi xuống đầu giường

Đưa bàn tay mát như kem sữa

Xoa lên trán em đang dịu lửa

Vuốt lên mắt em đang bớt mờ

A, Bác Hồ!

Bác Hồ ta đó!

Bác mặc tấm áo ka ki

Bàng bạc sương rừng Pắc Bó

Trán Bác có ngôi sao

Thảo nào Bác đi đêm không lạc Bác ơi, Bác!

(Trần Đăng Khoa, 1969)

Bác Hồ là vị Cha chung

Là sao Bắc Đẩu, là vầng Thái dương

(Không tìm thấy tác giả)

Hồ Chí Minh – Người là con sông lớn

Người là mặt trời, Người là mặt trăng.

Mùa lạnh nhắc tên Hồ Chí Minh: Cái bụng ấm,

Mùa nắng nhắc tên Hồ Chí Minh: Mây thêu mặt trời hồng,

Mùa Thu nhắc tên Hồ Chí Minh: Mây lắng trời trong,

Mùa Xuân nhắc tên Hồ Chí Minh: Cây cỏ đâm nhựa trổ bông.

Đồng bào Ê đê, Gia lai, Ba na cũng thường hát:

Lên rừng nhắc tên Hồ Chí Minh/ quên cả chân chồn, leo dốc nhanh

Xuống đồng nhắc tên Hồ Chí Minh/ cấy lúa suốt ngày không thấy mệt.

Bữa ăn nhắc tên Hồ Chí Minh/ đôi đũa và cơm như và ngọc

Nằm ngủ nhắc tên Hồ Chí Minh/ trời tan bóng tối, ấm năm canh.

(Không tìm thấy tác giả)

Vân vân

Việt Nam có cả một đại dương thơ ca nhạc họa kịch phim múa… về chủ đề ca ngợi lãnh tụ. Cho đến nay những tượng đồng bia đá khổng lồ mang chân dung các lãnh tụ Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn thường xuyên được các địa phương xây dựng, để tỏ lòng biết ơn.

Cũng chỉ mới rợi đây thôi, công an còn phạt khá nhiều YouTuber, TikToker có nhiều người follow về cái tội lỡ miệng châm chọc lãnh đạo trên sóng livestream.

000_3662498.jpg
Đội danh dự cầm ảnh của cố TBT Nguyễn Phú Trọng trong lễ quốc tang ở Hà Nội hôm 26/7/2024. NHAC NGUYEN / POOL / AFP

Từ gần cả trăm năm trước, tuy ngoài mặt những người cộng sản Việt Nam hô to đả phá phong kiến, hạ bệ vua chúa, nhưng bên trong, hệ tư tưởng đó không hề mất đi. Nó chỉ thay đổi danh xưng: họ vẫn tôn sùng lãnh tụ, nghe lời lãnh đạo y như nó đã được cấy vào máu, theo dòng sữa mẹ chảy vào thân thể. Rồi trên ghế nhà trường, tại nơi làm việc, nó được tiếp tục nhồi nhét vào sọ người ta như cách đúc một khối xi măng. Nó choán toàn bộ bộ não, phủ nhận tất cả những nghi ngờ thắc mắc, dần dần khiến những con người sống trong xã hội Việt Nam hình thành một phản xạ mặc định đã là lãnh đạo thì tất nhiên tài giỏi; đã là lãnh tụ thì tất nhiên yêu nước thương dân đến hy sinh quên mình, sáng suốt tài ba cả thế giới phải nghiêng mình kính phục.

Trong văn viết chính thống, các lãnh tụ được trang trọng dành riêng một đại từ nhân xưng đặc biệt: chữ Người, viết hoa. Nó mang nghĩa cá nhân đó hội tụ toàn bộ những gì đẹp đẽ, trí tuệ nhất, là tinh hoa của loài người. Còn những “người” khác thì không phải người, có lẽ thế!

Trong gia đình các ông bà cách mạng lão thành và chưa lão thành, việc treo ảnh Hồ Chí Minh lên trên cả ảnh ông bà tổ tiên cũng không phải hiếm gặp. Trước đây nhiều địa phương đã trừ tiền đảng viên để mua ảnh “Bác Hồ” về treo trên bàn thờ.

Người dân thì trong bất cứ hành vi tương tác nào với chính quyền, với “quý cơ quan đoàn thể” cũng đều bắt đầu bằng Kính thưa, Kính xin.

Từ tâm lý kẻ dưới khúm núm luôn luôn biết ơn lãnh đạo, lãnh tụ đến như vậy, mà giờ đã dám đem cả các lãnh đạo cao nhất nước ra trào lộng kiểu “chiến dịch cắt giảm quốc tang”.

Tâm lý tôn sùng, thánh hóa lãnh tụ đã suy giảm đến mức có lẽ nó sẽ tan biến cùng với sự ra đi của những người đã quá già hoặc quá hạn hẹp trong nhận thức.

Đó là một bước tiến vĩ đại trong nhận thức của người Việt Nam.

Là kết quả của cả một quá trình dài dằng dặc “tự diễn biến, tự chuyển hóa” trong nhận thức của không ít người Việt Nam hiện tại. Nó là kết quả của những đôi mắt giờ đã nhìn ra khắp thế giới, những đôi chân đã bước khắp hoàn cầu, để từ đó bộ não hình thành nhận thức và ý thức độc lập của mình chứ không phụ thuộc vào những tài liệu, nghị quyết được chép ra nhằm mục đích tuyên truyền cho những ý đồ nào đó. Đó, là “tự quan sát, tự suy nghĩ, tự định hướng”.

Giống như một chấm màu nho nhỏ gần như không nhìn thấy trên cánh đồng tuyết vào cuối mùa đông.

Như tiếng leng keng thánh thót từ rất xa vẳng tới của chiếc chuông trên cổ chú tuần lộc Rudolph.

Như một dòng nước cực kỳ mỏng manh nhưng suốt ngày đêm dâng lên không ngừng.

Một ngày không xa, nó sẽ phá tung những rào chắn cuối cùng của sự kìm hãm, độc tài, nhồi sọ, “lề phải”, để nở bung ngập tràn những đóa hoa, vang lộng bầu trời và tuôn chảy dòng thác dạt dào của trí tuệ và tâm hồn tự do vĩnh viễn.

_______

Tham khảo:

https://dangcongsan.vn/tu-tuong-van-hoa/hinh-tuong-dang-va-lanh-tu-trong-tho-ca-547850.html

https://baotintuc.vn/thoi-su/noi-bat-tuan-qua-tinh-gon-bo-may-he-thong-chinh-tri-ky-luat-canh-cao-ong-vuong-dinh-hue-ong-nguyen-van-the-20241124135817700.htm

https://dangcongsan.org.vn/thanhuydanang/lists/xaydungdang/view_detail.aspx?itemid=383

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do