Theo đề xuất của chính phủ, Bộ Công an sẽ tiếp nhận thêm một số chức năng, nhiệm vụ được chuyển sang từ các bộ, ngành khác, trong đó bao gồm mảng đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ.
Nhiều năm qua, Tổng cục Đường bộ Việt Nam là cơ quan chịu trách nhiệm quản lý về sát hạch, cấp giấy phép lái xe trong phạm vi cả nước; Sở Giao thông vận tải chịu trách nhiệm quản lý tổ chức thi, cấp giấy phép lái xe trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Trước đây, Bộ Công an đã từng phụ trách lĩnh vực này, nhưng Chính phủ sau đó ban hành Nghị định số 36/CP năm 1995, do Thủ tướng Võ Văn Kiệt ký, chuyển việc đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe sang Bộ Giao thông vận tải.
Đã muốn từ lâu
Trong những năm qua, Bộ Công an đã nhiều lần nỗ lực giành lại miếng bánh này.
Tháng 4 năm 2020, Chính phủ đề xuất giao Bộ Công an việc tổ chức sát hạch, cấp giấy phép lái xe từ Bộ Giao thông vận tải trong dự thảo Luật bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ.
Không có gì ngạc nhiên khi dự thảo luật này do chính Bộ Công an viết.
Đề xuất trên sau đó đã nhận được nhiều ý kiến phản đối khi dự thảo luật được công bố. Chủ yếu, các ý kiến tỏ ra lo ngại về nguy cơ “vừa đánh trống vừa thổi kèn”, “dẫm chân lên nhau”, và những xáo trộn không cần thiết. Đề xuất vì thế vẫn nằm trong ngăn kéo quốc hội.
Tháng 7 năm 2023, trong tờ trình gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ rút lại đề xuất thay đổi cơ quan quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe.
Luật không bằng mệnh lệnh của Tổng Bí thư
Luật An toàn giao thông đường bộ mới cuối cùng đã được quốc hội thông qua vào tháng 6 năm 2024.
Trong luật mới, Bộ giao thông vận tải vẫn được quy định chịu trách nhiệm tổ chức đào tạo, sát hạch, và cấp giấy phép lái xe.
Nhưng hai tháng sau một sự kiện chính trị xảy ra khiến mọi chuyện thay đổi. Bộ trưởng Công an Tô Lâm lên làm Tổng Bí thư vào tháng 8 năm 2024.
Gần như ngay lập tức vị tân Tổng Bí thư bắt đầu nhắc đến nhu cầu tinh gọn bộ máy của Đảng và nhà nước.
Mọi chuyện sau đó diễn ra một cách chóng vánh, chỉ trong vòng vỏn vẹn mấy tháng, chính phủ đã hoàn thiện kế hoạch tinh gọn bộ máy bằng việc ban hành văn bản số 141/KH-BCĐTKNQ18 vào tháng 12 năm 2024.
Kết quả là Bộ Giao thông vận tải bị sáp nhập vào Bộ Xây dựng, và phải bỏ mảng đào tạo, sát hạch, và cấp giấy phép lái xe.
Ngành Công an sau đó được đề xuất tiếp quản mảng này từ Bộ Giao thông vận tải, cứ thế, mong muốn giành lại chức năng cấp giấy phép lái xe đã thành công mĩ mãn, và danh chính ngôn thuận.
Câu hỏi đặt ra là hoạt động đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe có gì mà Bộ Công an lại thèm muốn như vậy?
————————
Nghị định 168 làm giàu cho cảnh sát giao thông?
Người dân: Mức phạt theo Nghị định 168 là “bóc lột”
Nghị Định 168, 176: Khi công an viết luật
Tinh giản ngành công an, không công khai quân số có minh bạch?
————————
Miếng bánh béo bở
“Đây là một cái lợi nhuận béo bở mà người ta nhắm đến để phục vụ cho lợi ích nhóm. Nếu như tất cả các công việc của các bộ, ban, ngành thuộc chính phủ mà gom về một đầu mối là Bộ công an thì tôi nghĩ rằng, ở Việt Nam chỉ cần tổ chức ba bộ thuộc chính phủ là đủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước rồi. Đó là Bộ quốc phòng, Bộ ngoại giao và Bộ công an”, một nhà quan sát ở Sài Gòn nhận định với RFA dưới điều kiện ẩn danh vì lý do an toàn.
“Lợi nhuận béo bở” ở hoạt động cấp giấy phép lái xe mà nhà quan sát này đề cập tới nằm ở chi phí mà người dân phải bỏ ra để có được một tấm bằng.
Với nhiệm vụ mới tiếp nhận từ Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an sẽ chịu trách nhiệm việc quản lý nhà nước về trật tự an toàn giao thông đường bộ, bao gồm việc tổ chức thi và cấp, đổi, thu hồi giấy phép lái xe; quản lý quá trình chấp hành pháp luật của người điều khiển phương tiện sau khi được cấp giấy phép lái xe cũng như quy định về trừ điểm giấy phép lái xe.
Đây là miếng bánh béo bở bởi thống kê được Uỷ ban An toàn Giao thông Quốc gia đưa ra vào cuối năm 2024 cho thấy, số lượng ô tô đăng ký tại Việt Nam là gần bảy triệu chiếc; số xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điến gần 80 triệu chiếc. Số xe ô tô cá nhân tăng khoảng 10% một năm.
Một số người từng thi lấy bằng lái xe bốn bánh cho RFA biết, nếu không “chạy” thì rất dễ rớt vì bài thi lý thuyết gồm 500 câu hỏi rất lắt léo như đặt bẫy thí sinh; phần thi thực hành trên đường thì chỉ có “thầy trò biết với nhau”.
“Học, thi lý thuyết bình thường là 15 triệu nhưng “bao đậu” thì 20 triệu. Vô thi thì giám khảo có những dấu hiệu “xi nhan” trước để thí sinh chọn đáp án. Còn lái ra đường là lái cho có thôi. Mỗi xe gồm một giám khảo và bốn thí sinh. Mỗi đứa lái một chút thôi rồi gom tiền hối lộ cho giám khảo là đậu. Mỗi người 500 ngàn đủ hai triệu giấu trong bộ hồ sơ đưa cho ông thầy. Nó đã thành lệ ai cũng phải biết khi thi. Mà họ cũng ăn chia với nhau chứ ông thầy không ăn một mình đâu”. Bà Thủy, một người đã trải qua việc “chạy” để thi bằng lái xe, chia sẻ kinh nghiệm của mình với RFA.
Với số lượng phương tiện đăng ký mới ngày càng cao, kéo theo nhu cầu thi lấy bằng lái xe. Đây rõ ràng là lĩnh vực có mức độ hấp dẫn rất lớn.
Một người dân Sài Gòn nói với RFA rằng, với xe ô tô thì phải “chạy” cả giấy tờ lẫn bằng lái, còn xe gắn máy thì không ai chạy bằng lái vì thi rất dễ đậu, nhưng hầu hết đều chạy giấy tờ. Theo người dân này, theo quy trình bình thường thì làm giấy tờ, trước bạ, sang tên mất cả ngày trời còn bị làm khó dễ. Phải kẹp thêm tiền vô hồ sơ thì mới xong việc, ví dụ mức lệ phí trước bạ xe máy là 2% thì bỏ vô hồ sơ thêm 1% “tiền tươi” nữa.
“Tiêu cực thì ở đâu cũng có. Ai lãnh đạo, ai phụ trách thì tiêu cực vẫn diễn ra hàng ngày. Cái quan trọng là cái cơ sở nào giao quyền cho Bộ công an đảm nhận cả việc sát hạch và cấp bằng lái xe, tức là vừa đá bóng vừa thổi còi. Người dân sẽ không phục”, ông kết luận.
Lệ phí trước bạ xe là khoản tiền phải nộp vào ngân sách nhà nước khi đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng ô tô, xe máy. Người dân phải đến cơ quan công an để thực hiện tất cả các thủ tục đăng ký, cấp biển số xe ô tô, xe máy.
Không chỉ “giành ăn” với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an còn muốn “nhận thêm nhiều nhiệm vụ chuyển sang từ các bộ” khác, như quản lý nhà nước về an toàn, an ninh thông tin mạng từ Bộ Thông tin và Truyền thông; Chủ trì xây dựng, thu thập, cập nhật, khai thác, chia sẻ thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất nhập cảnh; Chủ trì trong việc bảo đảm an ninh hàng không tại sân bay và trong máy bay; Quản lý nhà nước về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy, lý lịch tư pháp và thực hiện dịch vụ công cấp phiếu lý lịch tư pháp.
Đáng chú ý, Tổng công ty Viễn thông Mobifone cũng được đề xuất chuyển về Bộ Công an quản lý. Đây vốn là mạng di động lớn thứ ba ở Việt Nam, với khoảng 21 triệu thuê bao ở thời điểm năm 2021.
Bình luận về hiện tượng Bộ Công an ráo riết tiếp quản các lĩnh vực béo bở từ những bộ, ngành bị tinh giản. Nhà báo Đoàn Bảo Châu gọi đây là hoạt động “tranh giành miếng ăn”.
“Bây giờ kéo về Bộ công an thì nó có thêm miếng bánh nữa. Đó là một trò chơi quyền lực mà ngành công an thâu tóm lại. Họ muốn có thêm quyền lực cho họ. Nó thể hiện một chế độ mà quyền lực rơi vào ngành công an quá nhiều. Ăn của dân rồi vun vén vào ngành công an. Đấy là điều dở cho xã hội”. Nhà báo Đoàn Bảo Châu nói thêm.
Vì sao Bộ công an cần tiền?
Tuy chức năng, nhiệm vụ của Bộ Công an theo quy định là bảo vệ an toàn, trật tự xã hội, nhưng trên thực tế, Bộ Công an từ lâu đã tham gia làm kinh tế.
Một bài báo trên tờ Công An Nhân Dân vào năm 2017 cho biết, Bộ Công an vào lúc đó đã có 10 doanh nghiệp với tổng số vốn nhà nước hơn 1.200 tỷ đồng.
Khi còn là bộ trưởng Bộ Công an, ông Tô Lâm đã chính thức kêu gọi toàn bộ lực lượng công an và người thân của họ sử dụng mạng di động do công ty của Bộ Công an quản lý là Gtel Mobile, đồng thời bày tỏ mong muốn các công ty viễn thông của Bộ Công an sẽ trở thành doanh nghiệp hàng đầu cả nước.
Bộ Công an hiện chỉ đứng sau Bộ Quốc phòng về ngân sách do nhà nước cấp. Theo Nghị quyết Dự toán Ngân sách năm 2024 của Quốc hội, ngành Công an được cấp 113 ngàn tỉ đồng cho năm tài khóa 2024. Hoạt động sử dụng ngân sách của Bộ Công an lại được liệt vào dạng thông tin mật. Khiến các nỗ lực yêu cầu minh bạch trong sử dụng ngân sách của cơ quan này trở nên bất khả thi.
Tuy đã được hưởng mức ngân sách không lồ, nhưng theo luật sư Đặng Đình Mạnh thì Bộ Công an vẫn phải “giành ăn” với các bộ khác, để theo kịp đà mở rộng của bộ này.
“Để nuôi một lực lượng công an ngày càng phình to do nhập cả lực lượng an ninh cơ sở, công an bán chuyên trách vào thì Bộ công an phải giành ăn với các bộ khác là điều dễ hiểu.”, Luật sư Đặng Đình Mạnh nói.
Quân số của lực lượng công an được coi là bí mật quốc gia.
Thiếu tướng Sùng Thìn Cò, ủy viên Ủy ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội từng tiết lộ “một tỉnh ít nhất có 3.000, tỉnh to thì 4.000 công an chính quy”.
Tháng 11 năm 2023, Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở được Quốc hội thông qua, cùng với đó là sự gia tăng đáng kể về nhân sự của ngành Công an.
Theo dự kiến tổng kinh phí cần chi để bảo đảm hoạt động cho lực lượng này được tính toán là hơn 3.500 tỷ đồng mỗi năm; trung bình mỗi tỉnh/thành phố cần khoảng gần 56 tỷ đồng/năm.