Đại diện quan hệ công chúng thuộc Văn phòng Phật giáo của tỉnh Ubon Ratchanthani, Thái Lan, hôm 3/1 cho BenarNews biết văn phòng này không nhận được thông tin gì về chuyến đi của đoàn nhà sư Thích Minh Tuệ sang Thái Lan và cũng không có sự phối hợp trước đó với phía Việt Nam. Trong khi đó, cảnh sát ở cửa khẩu Chong Mek thuộc tỉnh này xác nhận đoàn nhà sư vào Thái Lan khất thực nhưng cảnh sát không được cho biết về việc đoàn sẽ sang Myanmar và cũng không có giao thiệp nào với phía Việt Nam về đoàn.
Sư Thích Minh Tuệ cùng năm nhà sư Việt Nam khác vào ngày 31/12/2024 đã đi bộ qua biên giới giữa Lào và Thái Lan, bắt đầu cuộc bộ hành trên đất Thái Lan. Theo YouTuber Đoàn Văn Báu – cựu sĩ quan an ninh Việt Nam, người đi theo hộ tống đoàn – các nhà sư sẽ đi bộ 1.300 km trên đất Thái Lan trong vòng hai tháng để sang Myanmar trong chuyến đi đến Ấn Độ.
Chuyến đi bộ hành khất thực của sư Thích Minh Tuệ từ Việt Nam qua Lào và hiện giờ ở Thái Lan được công chúng ở những nơi đoàn đi qua chú ý, đặc biệt đối với sư Thích Minh Tuệ – người tu theo 13 hạnh đầu đà của Phật và không tự nhận mình là người thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Trên kênh YouTube của mình, ông Đoàn Văn Báu cập nhật các thông tin về chuyến đi của đoàn và cho biết đoàn thường được giới chức các địa phương đoàn đi qua giúp đỡ, như công an Lào đi theo khi đoàn ở Lào và cảnh sát Hoàng gia Thái Lan được cử đi theo hộ tống đoàn.
Những video đầu tiên về đoàn nhà sư tại cửa khẩu Chong Mek hôm 31/12/2024 cho thấy có hai cảnh sát địa phương đi theo để đảm bảo an ninh trật tự, tuy nhiên những chặng đường các ngày sau đó không thấy xuất hiện những cảnh sát mặc đồng phục.
Trả lời phỏng vấn của BenarNews, Trung tá Kittipong Thanomsin – quyền trưởng đồn cửa khẩu Chong Mek của tỉnh Ubon cho biết: “Chúng tôi xác nhận đoàn đã vào Thái Lan hợp pháp. Chúng tôi thường xuyên phối hợp với các giới chức xuất nhập cảnh và du lịch để kiểm tra các khách nước ngoài vào Thái Lan. Nếu không phát hiện có vi phạm, nhà sư có thể thực hiện bộ hành như cho phép trong visa. Ngay từ đầu, ông ấy đã không cho biết kế hoạch sẽ đi đến Myanmar, mà chỉ cho biết là ông sẽ hành hương và chúng tôi không thấy bất cứ vi phạm nào”.
Viên cảnh sát này đồng thời cũng cho biết thêm: “Không có quan ngại nào hoặc nhu cầu phối hợp đặc biệt, chúng tôi sẽ tiến hành kiểm tra thường xuyên như thường lệ. Không có bất cứ giao thiệp nào với phía Việt Nam”.
Đại diện quan hệ công chúng của Văn phòng Phật giáo tỉnh Ubon Ratchathani nói với BenarNews: “Chúng tôi không biết gì về chuyến đi này và không có bất cứ phối hợp nào trước đó”.
Sau khi đoàn nhà sư Việt Nam vào Thái Lan, một số truyền hình Thái Lan đã đưa tin về chuyến đi của sư Thích Minh Tuệ, trong đó có nói đến sự việc sư Thích Minh Tuệ từng đi bộ hành khất thực ở Việt Nam nhưng đã bị chính quyền gây khó khăn. Ông Đoàn Văn Báu trong video mới đây trên YouTube cho rằng thông tin này là sai sự thật và cho biết “Bộ Ngoại giao Việt Nam sẽ gửi công hàm cho Bộ Ngoại giao Thái Lan để điều chỉnh về vấn đề này”.
Hiện vẫn chưa có thông tin nào trên báo chí Nhà nước Việt Nam về việc Bộ Ngoại giao Việt Nam lên tiếng về thông tin này và truyền thông trong nước cũng không đưa tin về chuyến đi tới Ấn Độ của sư Thích Minh Tuệ – người được công chúng chú ý rộng rãi trên mạng xã hội Việt Nam suốt năm 2024.
Sư Thích Minh Tuệ đã từng bộ hành khất thực ít nhất bốn lần suốt dọc Việt Nam nhưng chuyến đi gần nhất của ông vào giữa năm 2024 mới được đặc biệt chú ý khi người dân đưa hình ảnh và video của ông lên mạng xã hội, kéo theo hàng đoàn người đi theo. Nhiều người cũng cạo đầu và mặc y phấn tảo đi khất thực cùng ông. Lúc đông nhất, đoàn nhà sư đã lên đến 70 người. Đoàn nhà sư đã bị công an địa phương giải tán vào hồi đầu tháng 6/2024 khi đoàn đi qua địa bàn tỉnh Thừa Thiên – Huế.
Sư Thích Minh Tuệ sau đó bị đưa về quê nhà ở Gia Lai để lấy dấu vân tay làm căn cước công dân. Ông cũng phải ẩn tu sau đó. Ban Tôn giáo Chính phủ Việt Nam thông báo ông tự nguyện ẩn tu.
Vào ngày 25/11, sư Minh Tuệ viết thư tay bày tỏ mong muốn được bộ hành đến Ấn Độ và thăm các thánh tích Phật giáo, đồng thời nhờ tư vấn đường đi, thủ tục.
Trong chuyến đi đến Ấn Độ của sư Thích Minh Tuệ, cựu sĩ quan an ninh chuyên về tâm lý tội phạm Đoàn Văn Báu cho biết ông là người đại diện cho sư Minh Tuệ và thường đưa ra các phát biểu thay cho các nhà sư trong đoàn. Một số những video được đăng tải trên mạng xã hội còn cho thấy ông Báu nạt nộ nhà sư địa phương đến gặp sư Minh Tuệ tại Lào, hay yêu cầu các YouTuber không được lại gần đoàn.
Ông Báu mới đây cũng cho biết đoàn nhà sư sáu người đã giảm xuống năm người và sẽ tiếp nhận thêm chín nhà sư mới đưa từ Việt Nam sang. Các nhà sư phải đáp ứng điều kiện giữ giới và đi chân trần. Ông Báu cho biết đây là ý kiến của sư Minh Tuệ và các sư trong đoàn. Điều này trái ngược với những gì sư Minh Tuệ đã từng phát biểu trước đó là ông không kêu gọi ai đi theo và cũng không đuổi bất kỳ ai.
Một nhà quan sát người Thái Lan giấu tên nói với RFA: “Hiện không rõ có phải ông Báu đi theo hộ tống các sư để tránh sự chú ý ở Việt Nam và giảm nhẹ ảnh hưởng của ông (sư Minh Tuệ) ở đó hay không”.
Người này cho rằng sư Minh Tuệ có thể theo bước thiền sư Thích Nhất Hạnh, người đã tạo được dấu ấn về giảng đạo Phật ở Thái Lan.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh là người nổi tiếng ở Việt Nam và thế giới, tuy nhiên ông đã bị cấm về Việt Nam từ năm 1973 và chỉ được trở về lần đầu tiên vào năm 2005 khi Hà Nội đang tìm cách ra khỏi danh sách các quốc gia cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo của chính phủ Mỹ. Ông cũng quay lại Việt Nam vài lần sau đó và lần cuối cùng là vào năm 2018 khi ông đang bị bệnh và bày tỏ mong muốn được dành những ngày cuối đời tại ngôi chùa nơi mình xuất gia – Tổ đình Từ Hiếu (Huế). Ông qua đời vào tháng 1 năm 2022.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh cũng là người lập ra Làng Mai ở Thái Lan cho các nhà sư vào năm 2012.
“Câu hỏi vẫn còn để mở là liệu ông (sư Minh Tuệ) có thể được cho phép quay lại Việt Nam nữa hay không. Sư Thích Nhất Hạnh chỉ có thể quay lại Việt Nam khi ông gần qua đời” – nhà quan sát Thái Lan nói với RFA.