Cấm lái xe quá bốn tiếng: khổ tài xế, khổ cả doanh nghiệp

Ngoài mức phạt quá cao theo Nghị định 168 đang gây bất mãn trong công chúng, việc cấm tài xế chạy xe quá bốn tiếng cũng gây nhiều tranh cãi trên mạng xã hội bởi những thiệt hại về kinh tế cho người dân, cho doanh nghiệp, cho xã hội.

Theo quy định mới tại Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ được áp dụng từ đầu năm 2025, người lái xe ô tô kinh doanh vận tải và vận tải nội bộ không được phép lái xe liên tục quá bốn giờ, thời gian làm việc trong ngày tối đa 10 giờ, một tuần không quá 48 giờ. Nếu vi phạm sẽ bị phạt tiền từ ba đến năm triệu đồng và bị trừ hai điểm giấy phép lái xe. Chủ xe có tài xế vi phạm cũng bị phạt từ bốn đến 12 triệu đồng, tùy xe cá nhân hay tổ chức.

Khổ giới tài xế 

Quy định này được cho là không phù hợp với tình trạng kẹt xe mọi lúc, mọi nơi và thời gian kẹt xe không thể tính bằng phút, mà tính bằng giờ như ở Việt Nam.

Nếu chẳng may tài xế vi phạm thì cả tài xế lẫn chủ xe đều bị phạt. Khi doanh nghiệp vận tải phát sinh thêm chi phí, giá hàng hóa ắt sẽ tăng và nền kinh tế sẽ bị ảnh hưởng.

“Giờ có định vị trên xe, công an kiểm tra bất cứ lúc nào nên tụi tôi cũng không dám chạy. Ngày chạy đủ 10 tiếng là nghỉ. Một tuần chạy đến 48 tiếng là không dám chạy nữa. Nếu chạy thêm mà bị phạt thì không có đủ tiền chung chi. Từ lúc nghị định này ra là tụi tôi chạy không hết năng suất. Làm không đủ ăn. Nhiều lúc muốn bỏ nghề tài xế vì không đủ thu nhập”, anh Long, một tài xế lái xe đường dài cho RFA biết.

Ông Thuần, một tài xế chuyên chở hàng cho doanh nghiệp nói với RFA rằng, với quy định mới, một chuyến hàng sẽ tốn nhiều thời gian hơn nên số tiền tài xế kiếm được trong tháng sẽ ít hơn. Nếu doanh nghiệp muốn hàng đến nhanh thì phải thuê hai tài xế, số tiền phải chia ra.

“Tài xế vẫn phải chạy nhưng hàng về trễ. Ví dụ hồi xưa từ Sài Gòn lái ra Hà Nội hết một tuần thì giờ phải từ 10 đến 12 ngày. Xe chở khách, chở hàng hay xe taxi là phải gắn hộp đen và camera hành trình. Giờ nó bắt buộc vậy rồi. Xe nào không gắn là không qua kiểm định. Nó cho lái bốn tiếng phải nghỉ 15 phút hoặc nửa tiếng. Ảnh hưởng thu nhập nhiều lắm. Ví dụ hồi xưa ngày kiếm một triệu, giờ còn có 500 ngàn”.

Quy trình xây dựng, ban hành luật của Quốc hội Việt Nam gồm nhiều bước, như lập chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; soạn thảo dự án luật, thẩm tra; Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, xem xét thông qua dự án luật; công bố luật.

Nếu chạy thêm mà bị phạt thì không có đủ tiền chung chi. Từ lúc nghị định này ra là tụi tôi chạy không hết năng suất. Làm không đủ ăn. Nhiều lúc muốn bỏ nghề tài xế vì không đủ thu nhập. – anh Long, một tài xế lái xe đường dài

Tuy trải qua nhiều bước như vậy nhưng khi luật ban hành ra vẫn còn nhiều bất cập. Điều này từng nhiều lần bị công luận lên tiếng. Trả lời phỏng vấn truyền thông nhà nước, ông Nguyễn Công Hùng, Phó chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cũng cho rằng, luật xây dựng để bảo đảm an toàn giao thông nhưng chưa đánh giá hết tác động của nó lên người dân.

Khi nói về quy định giới hạn lái xe 48 giờ/tuần, ông Hùng cho rằng  “chắc chắn doanh nghiệp sẽ gặp rất nhiều khó khăn, từ việc vận hành một phương tiện đến việc tuyển dụng một người lái xe. Cộng với việc mức xử phạt mới cao hơn rất nhiều so với trước đây, sẽ tạo ra nhiều bất cập.

Xe dừng hay nổ máy thì toàn bộ tích hợp trên thiết bị giám sát hành trình đều cài đặt thuật toán là đang làm việc, nên việc đặt quy định không được lái quá bốn giờ gây áp lực cho lái xe và tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông. Trích phát biểu của ông Nguyễn Công Hùng.

Khổ cả doanh nghiệp

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan từng nói “thể chế nào doanh nghiệp nấy. Chừng nào thể chế chưa thật hoàn thiện để tạo môi trường kinh doanh tốt đẹp thì chúng ta chưa thể có những doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ như chúng ta mong muốn được.”

————-

Người dân: Mức phạt theo Nghị định 168 là “bóc lột”

Nghị định 168: Tính toán sai lầm của ông Tô Lâm

Nghị định 168 làm giàu cho cảnh sát giao thông?

Nghị định 168 và 176: Chính phủ ca ngợi, người dân ca thán

————

Chủ một doanh nghiệp vận tải ở Sài Gòn chia sẻ với RFA rằng, để “chạy” theo Luật giao thông mới, doanh nghiệp phải tốn một mớ tiền cho những thay đổi không vì lợi nhuận của doanh nghiệp, mà vì lợi nhuận và mục đích của nhà nước. Đó là điều vô lý mà doanh nghiệp phải chịu nếu muốn tiếp tục làm ăn.

“Các xe của các công ty vận tải đều phải vào hợp tác xã vận tải, ngay cả khi xe của công ty tư nhân mua với mục đích vận tải. Tất cả các xe phải được gắn hộp đen, gắn thiết bị quét mã để các tài xế khi bắt đầu lái xe và chấm dứt lái xe quẹt thẻ. Xe vận tải của công ty tư nhân tự mua phải đổi bảng số trắng qua bảng số vàng. Cà vẹt xe của công ty từ màu xanh cũng phải đổi ra thành cà vẹt màu vàng. Màu sắc thay đổi nhưng nội dung vẫn như cũ với giá đổi hơn hai triệu đồng”. Vị chủ doanh nghiệp cho biết.

Khi doanh nghiệp phát sinh thêm chi phí thì tất yếu sẽ dẫn đến giá thành hàng hóa tăng. Như vậy người bị nặng nhất vẫn là người dân. Dân nghèo thì đất nước không thể phồn vinh, lớn mạnh được. – Một chủ doanh nghiệp ở Hà Nội

Đối với các doanh nghiệp, chi phí vận chuyển là một trong những yếu tố phải được đặt lên hàng đầu bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận. Chi phí vận chuyển phát sinh trong quá trình di chuyển hàng hóa từ nơi cung cấp đến địa điểm kho bãi hoặc nơi sử dụng của doanh nghiệp. Chi phí vận chuyển ảnh hưởng tới giá thành sản phẩm, ảnh hưởng đến người tiêu thụ, ảnh hưởng ngược lại doanh nghiệp. Doanh nghiệp mạnh là một đóng góp quan trọng đối với nền kinh tế.

Khi doanh nghiệp phát sinh thêm chi phí thì tất yếu sẽ dẫn đến giá thành hàng hóa tăng. Như vậy người bị nặng nhất vẫn là người dân. Dân nghèo thì đất nước không thể phồn vinh, lớn mạnh được.Một chủ doanh nghiệp ở Hà Nội nói với RFA.   

Người này cũng cho rằng, một nghị định được ban ra cần phải có sự tham gia của rất nhiều bộ phận trong xã hội và bộ phận quan trọng nhất là người dân, nên phải có thời gian thử nghiệm. Ban hành luật hay nghị định không tham khảo ý dân là kiểu “đánh úp” người dân. Điều đó không công bằng với dân.

“Vấn nạn giao thông tại Việt Nam hiện nay là kẹt xe và tai nạn giao thông chủ yếu là do đường xá xuống cấp và đèn giao thông, biển báo giao thông không rõ ràng, nạn lấn chiếm vỉa hè, hệ thống thoát nước quá tệ. Lái xe nhiều hơn bốn tiếng không phải là nguyên nhân của tai nạn giao thông tại Việt Nam”. Ông nói thêm. 

Việc dùng quyền hành ban hành luật không phù hợp với thực tiễn đời sống người dân được chính người dân ví von bằng câu thơ “Một tay cầm khẩu AK, một tay viết luật chết cha đồng bào” của Bùi Giáng cho dù lịch sử xã hội là do nhân dân xây dựng và các cuộc cách mạng xảy ra trong xã hội đều có sự tham gia của người dân.