Chủ tịch hãng Vietjet Air thăm Hoa Kỳ, gặp Tổng thống đắc cử Trump. TBT Tô Lâm điện đàm với TBT Tập Cận Bình, nói Việt Nam muốn học tập tư tưởng Tập Cận Bình. Giới quan sát ngạc nhiên trước việc Việt Nam khôi phục lại việc xây dựng Nhà máy điện hạt nhân.
Chuyến thăm Mỹ của Tỷ phú Việt
Đầu tiên phải kể đến là chuyến thăm Mỹ của nữ tỷ phú duy nhất của VN Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch hãng hàng không giá rẻ Vietjet Air. Bà Thảo đã đến dinh thự Mar-a-Lago của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump, để tìm kiếm các thỏa thuận làm ăn với các đối tác và đã gặp ông Trump cũng như tỷ phú Elon Musk. Theo báo Chính phủ đưa tin, từ ngày 9/1 đến 11/1/2025, đoàn lãnh đạo cấp cao Vietjet đã có chuyến đi thăm Hoa Kỳ để gặp gỡ hàng chục đối tác chiến lược đến từ nhiều nơi trên thế giới, tại dinh thự Mar-a-Lago trong sự kiện “Friends of Vietnam Summit” dành cho Vietjet và các đơn vị trong đoàn công tác đến từ Việt Nam, nhằm nâng cao quan hệ hợp tác song phương và đa phương (1). Chuyển động của đợt ngoại giao kinh tế này thật ngoạn mục, khi mà đoàn lãnh đạo Vietjet đã đến Miami trên chuyến bay đầu tiên của Vietjet tới Mỹ. Chuyến bay được thực hiện với tàu bay thân rộng là cột mốc quan trọng đối với Vietjet và ghi dấu cho sự hợp tác chiến lược toàn diện ngày càng phát triển mạnh mẽ với Hoa Kỳ
Hiện tại, Vietjet đang có những thoả thuận chiến lược với những tập đoàn hàng đầu như Boeing, GE, CFM, Pratt & Whitney, Honeywell… với tổng giá trị gần 50 tỷ USD. Bên cạnh đó các hợp tác trị giá khoảng 14 tỷ USD cũng đang được thảo luận. Những thoả thuận này đang tạo ra trực tiếp gần 500.000 việc làm cho người dân Mỹ. Trong năm 2025 này, năm đầu tiên của nhiệm kỳ của tổng thống Trump, 14 chiếc tàu bay 737 Max sẽ được Boeing giao cho Vietjet. Được biết, Madame Thảo cũng đã đón Tổng thống Donald Trump tham dự Tuần lễ APEC 2017 tại khu nghỉ dưỡng Furama Đà Nẵng của bà. Khi đó, Tổng thống Trump đã có bài phát biểu trước hơn 4.000 lãnh đạo doanh nghiệp và chính trị gia tiêu biểu đến từ 20 nền kinh tế (2). Vietjet nay đang có những thoả thuận chiến lược với những tập đoàn hàng đầu như Boeing, GE, CFM, Pratt & Whitney, Honeywell… với tổng giá trị gần 50 tỷ USD. Bên cạnh đó các hợp tác trị giá khoảng 14 tỷ USD cũng đang được thảo luận. Những thoả thuận này đang tạo ra trực tiếp gần 500.000 việc làm cho người dân Mỹ. Bên cạnh đó, Vietjet còn hợp tác với các tập đoàn công nghệ hàng đầu như Microsoft, Amazon Web Service, Apple, Google (3).
Hình ảnh lan truyền trên mạng xã hội cho thấy bà Thảo chụp hình chung với tỷ phú Musk, người giàu nhất thế giới và là người thân cận với ông Trump, và đứng trò chuyện với ông Trump khi ông đang đánh golf tại dinh thự của mình. Một số trang tin của truyền thông Việt Nam cũng đăng tải những hình ảnh bà Thảo gặp ông Trump và ông Musk. Những thỏa thuận làm ăn của Vietjet đã phần nào giúp giảm thặng dư thương mại mà Việt Nam với Mỹ, vốn lên tới 113,3 tỷ USD tính đến tháng 11 năm 2024, theo báo cáo mới được công bố của Bộ Tài chính Mỹ, xếp thứ ba sau Trung Quốc và Mexico. Nếu so với thặng dư chỉ gần 32 tỷ đô la năm 2016, năm ông Trump đắc cử nhiệm kỳ đầu, thì mức thặng dư này có thể đưa Việt Nam vào tầm ngắm bị chính quyền Trump áp đặt thuế quan trong thời gian tới (4).
Điện đàm giữa Tô Lâm với Tập Cận Bình
Kế tiếp là cuộc điện đàm giữa Tổng Bí thư (TBT) Đảng Cộng sản Việt Nam Tô Lâm và TBT, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 15/1/2025 được truyền thông hai nước đưa tin với một số khác biệt. Đây là cuộc điện đàm nhân dịp kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước (18/1/1950 – 18/1/2025). Theo phóng viên TTXVN tại Bắc Kinh, ngay sau khi ông Tập Cận Bình điện đàm với ông Tô Lâm, truyền thông Trung Quốc đã đồng loạt đưa tin về sự kiện quan trọng này. Về phía Hà Nội, trang mạng báo “Nhân Dân”, cơ quan trung ương của ĐCSVN cũng đưa tin trang trọng về các phát biểu của ông Tập về quan hệ hai đảng và hai nước. Truyền thông đôi bên cũng tường thuật hai nhà lãnh đạo đã đề nghị giải quyết các bất đồng giữa hai nước, nhưng báo chí phía Việt Nam bổ sung thêm chi tiết “trên cơ sở Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982” (5).
Trong cuộc điện đàm, TBT Tô Lâm khẳng định, Việt Nam chân thành ngưỡng mộ những thành tựu phát triển to lớn mà nhân dân Trung Quốc đạt được dưới sự lãnh đạo của ĐCSTQ, khẳng định Việt Nam luôn coi việc phát triển quan hệ với Trung Quốc là ưu tiên hàng đầu trong tổng thể đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa (6). Tuy nhiên, báo chí Việt Nam đã không đưa phần phát biểu tiếp theo của TBT Tô Lâm mà Tân Hoa Xã (THX) đã nhấn mạnh, theo đó, ông Tô Lâm cho biết, Việt Nam tích cực ủng hộ ba sáng kiến toàn cầu lớn do Chủ tịch Tập Cận Bình đề xuất và sẵn sàng tăng cường hợp tác với Trung Quốc trong khuôn khổ các sáng kiến ấy (7). Ba sáng kiến THX nhắc chi tiết ở đây là các sáng kiến “Phát triển toàn cầu” (GDI), “An ninh toàn cầu” (GSI) và “Văn minh toàn cầu” (GCI); đấy là những trụ cột, theo giới quan sát quốc tế, chúng tạo nên một quy trình từng bước, trong đó Trung Quốc nêu ra quan điểm của mình về thế giới – không chỉ là quan điểm về thế giới như nó vốn có, mà còn là quan điểm về thế giới như nó nên có, và về một Trật tự Toàn cầu mà nhân loại nên hướng tới (8).
Cũng theo tường thuật của THX, Tổng bí thư Tô Lâm còn khẳng định với Chủ tịch Tập rằng, trên con đường hướng tới “kỷ nguyên vươn mình”, ông Tô Lâm nói, Việt Nam sẽ học hỏi tối đa kinh nghiệm phát triển của Trung Quốc, đặc biệt là sự đổi mới lý luận và thực tiễn của tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới (9). Đây là chi tiết không được tìm thấy trên báo chí ở Việt Nam khi truyền thông đưa tin về cuộc điện đàm. Được biết, năm 2018, “Tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc thời đại mới” đã được ghi trong hiến pháp Trung Quốc. Trước ông Tập, mới chỉ có lãnh tụ Mao Trạch Đông có được một hệ tư tưởng mang tên mình. Ngay cả Đặng Tiểu Bình, người được mệnh danh là kiến trúc sư của quá trình hiện đại hóa Trung Quốc, cũng chỉ có một “lý luận” mang tên ông, trong khi những người tiền nhiệm của ông Tập, không có bất kỳ tư tưởng hay lý luận nào mang tên họ cả.
Thủ tướng Nga thăm Hà Nội
Theo hãng AFP (Pháp), ngày 14/1/2025, Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin đã tới Việt Nam, hai phía Việt – Nga đã ký kết bản ghi nhớ tăng cường hợp tác giữa Tập đoàn Rosatom (Nga) và Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân. Hội đàm với Thủ tướng Phạm Minh Chính, Thủ tướng Mishustin khẳng định, Nga sẵn sàng tham gia xây dựng ngành công nghiệp điện hạt nhân của Việt Nam (10). Trong chỉ đạo mới nhất đưa ra trưa 15/1/2025, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu các cấp hữu quan phải hoàn thành xong việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận trong vòng 5 năm. Hãng Sputnik (Nga) cho biết, khi trả lời truyền thông, Giám đốc Rosatom Alexei Likhachev đã gọi việc Việt Nam muốn quay lại dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận là “một bước đột phá”. Theo Hiệp hội năng lượng Việt Nam, vào tháng 7/2015, Rosatom và EVN đã ký thỏa thuận khung cho việc thực hiện giai đoạn đầu xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1, đánh dấu bước tiến quan trọng để xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại Việt Nam. Tuy nhiên, tới năm 2016, dự án này tạm dừng (11).
Chuyến thăm của Mishustin diễn ra sau chuyến thăm Hà Nội của Tổng thống Nga Vladimir Putin vào tháng 6/2024, trong đó hai nước đã nhất trí xây dựng lộ trình cho một trung tâm khoa học và công nghệ hạt nhân tại Việt Nam. Mặc dù có mối quan hệ lịch sử từ năm 1050, nhưng thương mại song phương giữa Nga và Việt Nam chỉ đạt 3,6 tỷ đô la (3,5 tỷ euro) vào năm 2023, trái ngược hoàn toàn với khối lượng thương mại của Việt Nam với Trung Quốc, đạt tổng cộng 171 tỷ đô la (167 tỷ euro) và Hoa Kỳ, đạt 111 tỷ đô la (108 tỷ euro). Trong khi Nga cung cấp 80% lượng vũ khí xuất khẩu của Việt Nam kể từ đầu những năm 2000, thì nay thị phần này đã giảm khi Việt Nam tìm cách đa dạng hóa các nhà cung cấp quân sự của mình (12).
Điều đáng chú ý, là trong chuyến thăm Hà Nội của Thủ tướng Nga, Việt Nam vẫn chưa phản hồi lời mời trở thành “quốc gia đối tác” của BRICS, được Nga công bố ngày 23/12/2024. Theo Giáo sư Alexander Vuving từ APCSS ở Hawaii, sự do dự của Việt Nam xuất phát từ “mối quan hệ mong manh” của Hà Nội với Washington (13). Tham gia BRICS có thể khiến Việt Nam bị phụ thuộc quá mức vào Trung Quốc trong các vấn đề kinh tế và chính trị. Điều này có thể làm suy yếu nỗ lực của Hà Nội trong việc đa dạng hóa quan hệ đối ngoại và bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông, từ đó có nguy cơ đánh mất sự cân bằng quyền lực hiện nay. Việt Nam hiện nằm ở trung tâm khu vực “Ấn Thái Dương tự do và cởi mở” (FOIP), lại ngay sát nách Trung Quốc trong khi sự cạnh tranh giữa các nước lớn ngày càng gia tăng. Gắn chặt hơn với Trung Quốc trong bối cảnh này sẽ nguy hiểm cho Hà Nội. Trong bối cảnh quan hệ thương mại của Hoa Kỳ với Việt Nam sắp phải điều chỉnh lại khi ông Trump sẽ tiếp quản Nhà Trắng vào 20/1 tới đây. Nếu được xử lý tốt, nó có thể mang lại lợi ích to lớn cho cả hai nước – nhưng điều đó đòi hỏi sự tinh tế đáng kể hơn so với những gì Donald Trump và các cố vấn của ông đã thể hiện trong nhiệm kỳ đầu ông ta làm Tổng thống Hoa Kỳ (14).
Tham khảo:
(2) https://baochinhphu.vn/toan-van-phat-bieu-cua-tong-thong-hoa-ky-tai-apec-ceo-summit-102230039.htm
(3 và 4) https://www.voatiengviet.com/a/ba-chu-vietjet-den-mar-a-lago-gap-trump-musk/7936418.html
(7) https://english.news.cn/20250115/72c0328431fa4d31ba0d4d170f6d102d/c.html
(9) https://english.news.cn/20250115/72c0328431fa4d31ba0d4d170f6d102d/c.html
(13) https://www.voatiengviet.com/a/duoc-va-mat-neu-viet-nam-tham-gia-brics/7939257.html
(14) https://www.asiasentinel.com/p/usa-vietnam-trade-reset-possible
*Blogger Trần Hiếu Chân từng làm việc trong ngành ngoại giao Việt Nam.
*Bài viết không thể hiện quan điểm của RFA.