Bài thơ “Hưng Yên bay lên” ca ngợi Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Tô Lâm và quê hương của ông đăng tải trên một tờ báo của tỉnh bị rút xuống sau gần một tuần không rõ lý do, trong lúc dân chúng đang ta thán về những tác hại của Nghị định 168.
BBC News Tiếng Việt đầu tiên đưa tin về bài thơ được được đăng trên báo mạng và báo giấy Hưng Yên, đến trưa cùng ngày 17/1, bài thơ đã không còn xem được. Các tờ báo Nhà nước khác không đề cập gì đến vụ việc.
Phóng viên chiều 17/1 thử tìm kiếm tên bài thơ trên Google và cho ra kết quả đường link của báo Hưng Yên, nhưng khi truy cập vào thì bị lỗi 404 cùng dòng thông báo “Không tìm thấy trang yêu cầu”.
Trang Wayback Machine, một công cụ hỗ trợ truy cập các phiên bản đã cũ của một website, có một bản lưu vào ngày 13/1 ảnh chụp màn hình bài thơ của tác giả Vi Thùy Linh đăng trên trang web của báo Hưng Yên.
Bản lưu cho thấy bài thơ được đăng tải vào Thứ sáu ngày 10/1/2025, có những câu ca ngợi Hưng Yên – quê nhà của ông Tô Lâm là “Chỉ đứng sau Thăng Long, Văn miếu Quốc Tử Giám”, hay nhắc đến cụm từ người kế vị của ông Nguyễn Phú Trọng hay nói kể từ sau khi nhậm chức:
“Mỗi khát vọng nhắc em – Anh, nhắc chúng ta
Vươn mình dũng mãnh kỉ nguyên đột khởi”
Bài thơ không theo luật thơ, vần điệu có đoạn viết:
“Giáo sư, Tiến sĩ, Đại tướng Tô Lâm được Nhân dân tin quý
Ông gắn bó cả đời với lực lượng công an
Một Đại tướng, Bộ trưởng hiếm hoi biết thẩm tranh,
thưởng nhạc thường xuyên
Thực đơn tinh thần là nghe hoà nhạc”
Phóng viên không thể liên lạc với tác giả Vi Thùy Linh để phỏng vấn. Chúng tôi cũng đã gửi email cho báo Hưng Yên để hỏi về vụ việc, tuy nhiên chưa lập tức nhận được câu trả lời.
Nhà văn Đoàn Bảo Châu, người có sáu cuốn tiểu thuyết đã xuất bản ở trong nước, đăng tải bản chụp bài thơ trên báo giấy của Hưng Yên lên Facebook Chau Doan với hơn 180 ngàn người theo dõi cùng dòng chữ ngắn gọn “Thơ hay quá!”.
Ông sau đó có bài viết kể về việc “doanh nhân bán linh hồn cho quỷ dữ”, đồng thời đặt câu hỏi “những văn sỹ, thi sỹ, triết gia… mà bán linh hồn thì họ còn cái gì?”
Không trực tiếp nhắc về tác giả và bài thơ “Hưng Yên bay lên”, nhưng ông kêu gọi những văn thi sỹ rằng, “lương tâm ta không bao giờ là thứ có thể mua bán.” Ông khẳng định:
“Người có nhân cách nói chung, nịnh một kẻ có quyền chức, mà câu nịnh không thực với lòng mình thường sẽ cảm thấy xấu hổ ghê gớm như thể họ phản bội lại chính mình và tự dùng một con dao đâm vào con tim vốn đầy kiêu hãnh của mình.
Do vậy, đã là người có chữ nghĩa trong xã hội, hãy rất cẩn thận khi khen kẻ có quyền chức.”
Một số người dùng Facebook khác cũng có những nhận xét tương tự cho rằng, bài thơ không giống thơ và có vẻ đang “nịnh đầm” lộ liễu ông Tổng bí thư, người giữ vị trí quyền lực nhất ở Việt Nam sau khi các nhân vật sáng giá khác trong Bộ Chính trị phải rời chức vụ.
Ông Tô Lâm kế vị chức vụ Tổng bí thư hồi tháng 8 sau khi ông Nguyễn Phú Trọng đột ngột qua đời. Trên YouTube sau đó lan truyền những bài hát được sáng tác hay chế lời để ca ngợi Tô Lâm như “Bác Tô Lâm Người Tiếp Bước Đốt Lò”, hay “Lò Bác Tô Lâm Đang Rực Cháy” đều có trên 100 ngàn người xem.