Việt Nam có học tập được mô hình Singapore?

Hôm 20 tháng Mười Hai, 2024, Tổng Bí thư Tô Lâm điện đàm với Tổng Thư ký Đảng Nhân dân Hành động Singapore và là thủ tướng Singapore Lawrence Wong. Trong cuộc điện đàm, ông Tổng bí thư phía Việt Nam đề nghị hai đảng, hai nhà nước “đẩy mạnh hợp tác”, tăng cường “sự tin cậy chính trị”,  “trao đổi đoàn cấp cao và các cấp”. 

Học theo Singapore không phải là ý tưởng mới ở Việt Nam. Thời kỳ đầu “đổi mới”, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt từng có động thái như vậy. Nhưng ngày nay nhìn lại, rõ ràng “con đường phát triển” của Việt Nam không thành công. Tại sao Việt Nam không học được Singapore?

Singapore – Việt Nam, tưởng giống mà khác 

“Góc diễn giả” và “căn phòng vọng ảo” là hai hình ảnh Giáo sư Carl Thayer ở ĐH UNSW Canberra dùng để so sánh về Singapore và Việt Nam. Trao đổi với RFA, GS Carl Thayer cho rằng sự khác biệt về thể chế giữa Việt Nam và Singapore tác động như thế nào tới mô hình phát triển của mỗi nước.

Tại Singapore, mọi đề xuất chính sách, xây dựng lập pháp, việc thực hiện và giám sát đều được thảo luận và tranh luận công khai. GS Carl Thayer lấy mô hình “Góc diễn giả” (Speakers Corner) tại Công viên Hong Lim, Singapore, làm ví dụ. Đây là mô hình được Singapore thực hiện từ năm 2000, làm nơi mọi người được thảo luận tự do các vấn đề của đất nước mà không có bất kỳ kiểm duyệt nào. 

Việt Nam thì hoàn toàn ngược lại. Theo ông, hệ thống của Việt Nam hoạt động như một “căn phòng vọng ảo” phản ánh quan điểm từ trên xuống của các nhà lãnh đạo chính phủ. “Căn phòng vọng ảo” (a virtual echo chamber) là một ẩn dụ chỉ trạng thái con người và xã hội bị ngăn cản tiếp nhận nguồn tin đối lập và mở rộng góc nhìn. Những thông tin và quan điểm mà người ta nhận được chỉ là những gì được lặp lại sao cho phù hợp với quan điểm của chính quyền. 

Trao đổi với RFA, Luật sư Vũ Đức Khanh, giáo sư thỉnh giảng ở Đại học Ottawa, Canada, nhận xét rằng thể chế của Việt Nam hiện nay mang tính chất độc đảng với sự tập trung quyền lực tuyệt đối vào Đảng Cộng sản, kém minh bạch và chịu sự chi phối của các nhóm lợi ích. Điều này làm giảm hiệu quả quản trị, cản trở sự phát triển kinh tế và xã hội bền vững.

“Cai trị bằng luật” hay “Cai trị bởi luật”? 

Cùng nói về pháp quyền, pháp trị, tiếng Anh có hai cách nói  “rule by law”  “rule of law”“Rule by law” là hệ thống cai trị bằng pháp luật. Nói cách khác, chính quyền đặt ra luật để cai trị dân theo ý chí của họ. “Rule of law” là sự thống trị của luật pháp, nơi tất cả mọi người đều đứng dưới luật và luật pháp không phải là công cụ của bất kỳ nhóm nào. 

Đặc điểm của hai hệ thống luật pháp nêu trên cũng là sự khác biệt lớn giữa Singapore và Việt Nam. Điều này khiến Việt Nam không thể học tập Singapore nếu không cải cách triệt để hơn nữa. Đó là nhận xét chung của nhiều chuyên gia. 

Trao đổi với RFA, Luật sư Vũ Đức Khanh nhận xét rằng Singapore sở hữu hệ thống pháp luật rõ ràng, minh bạch, giúp bảo đảm quản lý nhà nước hiệu quả và giảm thiểu tham nhũng. Trong khi đó, Việt Nam dù cũng đặt ra nhiều biện pháp”chống tham nhũng,” nhưng việc triển vọng xây dựng bộ máy nhà nước trong sạch vẫn còn mờ mịt. 

Hệ thống pháp luật của Singapore dựa trên Thông luật của Anh. Hệ thống tư pháp Singapore hoàn toàn độc lập. Theo GS Carl Thayer, hệ thống pháp luật của Singapore được dư luận chung đánh giá là chuyên nghiệp, đáng tin cậy và phát triển tốt. Hệ thống này có thể giải quyết độc lập và công bằng các vấn đề pháp lý, nhất là những vấn đề ảnh hưởng đến đầu tư nước ngoài, tinh thần kinh doanh và doanh nghiệp tư nhân. Trong khi đó, theo vị giáo sư ở ĐH UNSW Canberra, hệ thống tư pháp của Việt Nam không độc lập vì tất cả thẩm phán phải là đảng viên ĐCSVN. Điều này khiến các nhà đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp tư nhân Việt Nam e ngại khi tham gia vào các thủ tục tố tụng, vì họ cho rằng hệ thống tư pháp Việt Nam thiên vị lợi ích của nhà nước. Nhìn chung, hệ thống tư pháp của Việt Nam được coi là không đạt tiêu chuẩn pháp lý quốc tế.

Câu hỏi đặt ra là liệu Việt Nam có khả năng duy trì hệ thống chính trị hiện hành với chế độ độc đảng tuyệt đối, đàn áp xã hội dân sự và tự do báo chí, nhưng đồng thời vẫn có thể xây dựng một hệ thống pháp luật minh bạch và mạnh mẽ như Singapore không?

“Sẽ là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn đối với Việt Nam để chuyển đổi hệ thống pháp luật hiện tại thành một hệ thống minh bạch và độc lập theo mô hình Singapore”. Đó là nhận xét của GS Carl Thayer. Theo ông, lý do nằm ở Hiến pháp Việt Nam, trong đó tuyên bố rằng Đảng Cộng sản Việt Nam “là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội”.

Việt Nam phải chuyển từ “rule by law” (“cai trị bằng luật”) sang “rule of law” (sự thống trị của luật pháp, hay là “cai trị bởi luật”)”, theo nhận quan điểm của GS Carl Thayer.

Trao đổi với RFA, GS Nguyễn Văn Chữ, nguyên trưởng Khoa Kinh tế Đại học Houston at Downtown cho rằng Việt Nam hiện đứng giữa những nghịch lý. Một mặt, Singapore cũng như những nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan quả thực đã phát triển ở giai đoạn độc tài. Nhưng sự khác biệt của họ là độc tài nhưng vẫn có không gian mở để phát huy sức sáng tạo của xã hội. Ở đó, đảng cầm quyền không đồng nhất với quốc gia. Còn Việt Nam cũng độc tài nhưng không phát triển được. Ông giải thích: 

“Vấn đề đầu tiên là phải định hướng đúng. Chủ đích của người lãnh đạo phải là đặt lợi ích của dân tộc trên lợi ích của đảng phái. Việt Nam cải cách để bảo vệ lợi ích cầm quyền của đảng. Điều đó hoàn toàn khác với các nước độc tài nhưng phát triển được trước kia. Cố Tổng thống Mỹ Nixon năm từng nói trong một bài diễn văn năm 1967 là “khi anh vướng vào vấn đề đảng phái thay vì quốc gia thì anh bị kẹt vào một vòng lặp không thoát ra được”. Đó cũng là vấn đề của Việt Nam.”

Nội các bằng cấp và nội các thực nghiệp 

Giáo dục và chính trị ảnh hưởng qua lại lẫn nhau như thế nào ở Singapore và Việt Nam? Liệu Việt Nam có theo đuổi được mô hình Singapore chỉ đơn giản bằng cách kêu gọi “ý chí”? 

Các thành viên chính phủ Việt Nam phần đông là “giáo sư”, “tiến sĩ”, “thạc sỹ”. Người ký Nghị định 168 về xử phạt giao thông gây hỗn loạn từ khi ban hành là phó thủ tướng Trần Hồng Hà, một người lấy bằng tiến sỹ ở Nga. Các thành viên chính phủ Singapore đều tốt nghiệp từ các trường đại học hàng đầu thế giới như Oxford, Chicago, Berkeley, Harvard, Yale, London, Đại học Quốc gia Singapore…v.v. 

Mặc dù đều là những nhà nước do một đảng lãnh đạo từ khi lập quốc, Singapore có cơ chế lựa chọn lãnh đạo chính phủ khác hẳn Việt Nam. Chất lượng của dàn lãnh đạo chính phủ đóng vai trò lớn quyết định chất lượng chính sách và khả năng phát triển của mỗi nước. 

Giáo sư Carl Thayer cho biết Singapore đã xây dựng cơ chế trọng dụng nhân tài dựa trên tiêu chí thành tích, bao gồm trình độ học vấn và kinh nghiệm làm việc đạt kết quả cao. Quy trình đánh giá năng lực ứng viên chính phủ được thực hiện nghiêm ngặt. Các tiêu chí như hoàn cảnh gia đình, độ tuổi, xuất thân gia đình, đảng viên đều không có ảnh hưởng gì. 

Sinagpore có một lợi thế là tiếng Anh là ngôn ngữ chung, có hệ thống giáo dục trung học và đại học có tính cạnh tranh cao. Những sinh viên tốt nghiệp xuất sắc nhất đủ điều kiện để được nhận vào các trường đại học tốt nhất thế giới. Nhưng đó vẫn chưa phải là lợi thế lớn nhất của Singapore để có được dàn lãnh đạo chất lượng cao. 

Điều quan trọng nhất, theo chia sẻ của GS Carl Thayer, các chính trị gia trẻ, các Nghị sĩ trẻ của Singapore được thử thách ngay từ giai đoạn đầu sự nghiệp trong các cuộc tranh luận với phe đối lập. Trạng thái phải tranh luận để khẳng định mình giúp các chính trị gia trẻ tuổi của Đảng Nhân dân Hành động mài sắc tư duy và năng lực, thay vì chỉ nói lại như vẹt những thông điệp từ trên đưa xuống. 

Trong khi đó, giáo dục và chính trị ở Việt Nam rất khác Singapore và vì thế dàn lãnh đạo cũng khác. Một thực tế ai cũng biết các bộ trưởng tại Việt Nam phải là đảng viên ĐCSVN. Tiểu sử của tất cả những người này đều phải có “trình độ lý luận chính trị cao cấp”. Theo GS Carl Thayer, yêu cầu về “giáo dục” này là yêu cầu chính thức. Nhưng đó vẫn chưa phải là điểm nghẽn lớn nhất. 

GS Carl Thayer cho biết kể từ năm 1976, Quốc hội chỉ hai lần bác bỏ đề cử ứng viên bộ trưởng của thủ tướng. Lý do nằm ở quy trình: trước tiên, Ban Tổ chức Trung ương của Đảng giới thiệu ứng viên bộ trưởng với Ban Bí thư và phải đạt được sự đồng thuận bên trong Bộ Chính trị. Sau đó, hồ sơ đưa ra Quốc hội phê duyệt. 

Tiến sỹ kinh tế Nguyễn Huy Vũ trao đổi với RFA rằng Việt Nam có rất nhiều người giỏi nhưng không có đất dụng võ do cơ chế tuyển chọn cán bộ của nhà nước không cho họ bất kì cơ hội nào. 

Giáo sư Carl Thayer có cùng chung một nhận định như vậy. Ông cho biết các bộ trưởng phải là ủy là ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã phục vụ ít nhất một nhiệm kỳ năm năm. Điều này tạo ra một điểm nghẽn vì ĐCSVN có giới hạn độ tuổi đối với những người được đề cử bầu vào Ban Chấp hành Trung ương. Điều này khiến những người dưới năm mươi tuổi gặp bất lợi. Mặt khác, quy trình tuyển chọn lãnh đạo ấy đã thiên vị những người trung thành với đảng hơn là những nhóm tinh hoa kỹ trị trẻ tuổi.

Cơ chế cứng nhắc nói trên khiến cho Việt Nam không thể thu hút vào nội các chính phủ những nhân tài giỏi nhất, những người dưới năm mươi tuổi và chưa phục vụ một nhiệm kỳ 5 năm trọn vẹn nào trong Ban Chấp hành Trung ương Đảng làm bộ trưởng, theo GS Carl Thayer.  

Bên cạnh vấn đề cơ chế tuyển chọn nhân sự, Việt Nam còn “khác biệt” với Singapore ở văn hóa “mua quan bán chức”. Theo Kỹ sư Khiêm Nguyễn, một chuyên giao cấp cao về kinh doanh và công nghệ ở công ty Voyager Space, một công ty đa quốc gia ở Mỹ, và có nhiều năm kinh nghiệm làm việc ở Việt Nam và một số nước Đông Nam Á, quá trình dàn xếp nhân sự cấp cao ở Việt Nam dựa theo các tiêu chí phe nhóm và lợi ích giữa các nhóm, đồng thời có yếu tố mua bán quán chức. Năm 2018, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng đặt yêu cầu phải “làm rõ ai tham nhũng, ai bán chức, bán quyền?” Đây là điều không xảy ra tại Singapore ngay từ ngày lập quốc. 

Giáo Carl Thayer cho rằng hiện tượng “mua quan bán chức” làm suy yếu các tiêu chí dựa trên năng lực và dẫn đến việc các quan chức chính phủ Việt Nam không dám dấn thân mà giữ mình an toàn cho đến khi có thâm niên để mua một vị trí cao hơn. Điều này làm nản lòng những nhân tài trẻ tuổi và năng động hơn trong việc tìm kiếm việc làm trong bộ máy nhà nước. Ông trao đổi với RFA:

“Dưới sự lãnh đạo của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Việt Nam đã có những bước tiến đáng chú ý về chống tham nhũng, kể từ năm 2016. Tuy nhiên, Việt Nam chỉ xếp hạng dưới mức trung bình của thế giới. Năm 2023, Việt Nam đạt 41 điểm (xếp thứ 83). Để so sánh, Singapore đạt 84 điểm vào năm 2017 (xếp thứ 5 trên thế giới) và đạt 83 điểm vào năm 2023 (cũng xếp thứ năm thế giới).

Phải thừa nhận rằng Việt Nam đã có những bước tiến trong việc cải thiện việc lựa chọn dựa trên năng lực trong những năm gần đây. Quá trình này cần được đẩy nhanh theo chiến dịch tinh giản bộ máy nhà nước của Tổng Bí thư Tô Lâm. Đồng thời, Việt Nam phải tiếp tục chiến dịch chống tham nhũng của mình.”

Với những khác biệt như vậy, liệu Việt Nam có áp dụng được mô hình Singapore? Theo Luật sư Vũ Đức Khanh, mặc dù “không có gì là không thể” và “vạn sự tùy duyên”, Việt Nam khó mà áp dụng thành công mô hình Singapore một cách rập khuôn do sự khác biệt về quy mô và bối cảnh chính trị. Tuy vậy, theo Luật sư Vũ Đức Khanh, cải cách để phát triển là yêu cầu sống còn của Việt Nam.