Hồi kèn xung trận “rất đời” của Bí thư Thành Hồ

“Lạy ông-cơ-chế lạy bà-tư-duy/ Xin đừng hót những lời chim chóc mãi/ Ðừng lớn lối khi dân lành ốm đói/ Vẫn còng làm cho thẳng lưng ăn…” (1) Phải chăng “đoạn trường tân thanh” – tiếng kêu mới xé lòng đứt ruột – của nhà thơ Nguyễn Duy suýt soát bốn thập kỷ là tiền đề cho hồi kèn xung trận “rất đời” của Bí thư Nguyễn Văn Nên?

——————————-

Từ lâu là nạn nhân của cơ chế

Việc Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên khẳng định rằng “nếu đặt lợi ích quốc gia, dân tộc, thành phố, lợi ích người dân lên trên, mọi nỗi lo của bản thân sẽ nhẹ nhàng, có thể vượt qua được” trong Hội nghị Thành ủy TP.HCM lần thứ 34 không chỉ là lời kêu gọi, mà còn là hồi kèn xung trận quyết liệt cần có để thực hiện cuộc cách mạng tinh giản bộ máy hành chính (2). Chủ trương này không mới, nhưng trong bối cảnh hiện nay, nó đòi hỏi một sự cam kết sâu sắc, không chỉ từ cá nhân từng nhà lãnh đạo, mà còn từ toàn bộ hệ thống chính trị. Theo thống kê, hiện nay, đến 70% ngân sách nhà nước chi cho việc duy trì bộ máy hành chính, một con số khổng lồ trong bối cảnh các nguồn lực quốc gia còn hạn hẹp. Theo nguyên Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp, ở Việt Nam 9 – 10 người dân “nuôi” một công chức, trong khi ở Trung Quốc là 170, Nga 200, Mỹ 400, Nhật Bản 700 (3). Bộ máy hành chính cồng kềnh, nhiều tầng lớp trung gian không chỉ gây lãng phí mà còn làm giảm hiệu quả hoạt động, đặc biệt tăng gánh nặng cho người dân, những người phải trực tiếp đối mặt với các thủ tục rườm rà, phức tạp.

Đại bộ phận người dân TP.CM từ lâu đã trở thành nạn nhân của cơ chế “hành là chính” trong thời gian dài. Hơn ai hết, họ hiểu rõ rằng cải cách là cần thiết, và nhiều người ủng hộ quyết tâm tinh giản bộ máy. Tuy nhiên, sự ủng hộ này không phải là tuyệt đối, mà gắn liền với điều kiện tiên quyết là cuộc cải cách phải thực chất, không chỉ là khẩu hiệu hay phong trào. Thực tế, đây không phải lần đầu tiên Đảng Cộng sản Việt Nam đưa ra chủ trương tinh giản bộ máy. Nghị quyết 18 của Trung ương Đảng năm 2017 từng đề ra mục tiêu tương tự, nhưng kết quả đạt được lại hạn chế (4). Sự thất bại của các nỗ lực trước đó chủ yếu đến từ những rào cản trong nội bộ hệ thống. Những người trực tiếp chịu ảnh hưởng – cán bộ, công chức – thường là những người phản đối mạnh mẽ nhất, bởi lo ngại về quyền lợi cá nhân, về việc mất vị trí, quyền lực và thậm chí là mất đi sự an toàn trong công việc.

Cải cách tức không được “bàn lùi”

Những công chức “sáng xách ô đi, tối xách ô về” mà cựu Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trước đây và nay là đương kim Bí thư thành Hồ Nguyễn Văn Nên nhắc đến không phải là hình ảnh hiếm gặp (5). Đây chính là biểu tượng của một bộ phận cán bộ thụ động, không gắn bó với công việc, chỉ làm cho qua chuyện mà không đặt lợi ích của người dân lên trên. Để thay đổi được thói quen, tư duy này không phải là điều dễ dàng. Như Bí thư Nguyễn Văn Nên thẳng thắn thừa nhận, bên cạnh những ý kiến đồng tình, vẫn còn những ý kiến lo ngại về việc sáp nhập, tinh giản có thể ảnh hưởng đến các nỗ lực và kết quả đã đạt được của một số cơ quan, đơn vị.

Những băn khoăn nói trên không phải không có cơ sở, bởi việc cắt giảm bộ máy hành chính, nếu không được thực hiện cẩn trọng và có lộ trình rõ ràng, có thể dẫn đến sự gián đoạn trong các hoạt động quản lý và điều hành, nhất là tại một đô thị lớn và phức tạp như TP.HCM. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ, nếu cứ tiếp tục “bàn lùi”, không dám đối diện với thực tế, thì bộ máy sẽ mãi đứng yên. Bí thư Nguyễn Văn Nên đã đúng khi nhấn mạnh: “Tìm mọi cách để bàn làm, không bàn lùi” (6). Tư duy này cần được quán triệt ở mọi cấp, mọi ngành, bởi đây không chỉ là một cuộc cách mạng về cơ cấu tổ chức, mà còn là cuộc cách mạng về tư duy lãnh đạo.

Để cuộc cải cách thành công, cần có những biện pháp cụ thể và quyết liệt. Trước hết, việc tinh giản bộ máy không phải là chỉ dừng lại ở việc giảm số lượng cơ quan, đơn vị, mà cần tập trung vào việc nâng cao chất lượng hoạt động (7). Bộ máy sau tinh giản phải thực sự hiệu quả, minh bạch và đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân. Thứ hai, phải xây dựng cơ chế bảo vệ và hỗ trợ những người bị ảnh hưởng bởi cải cách, nhất là những cán bộ, công chức thực sự có năng lực, nhưng rơi vào diện bị tinh giản do cơ cấu tổ chức thay đổi. Điều này không chỉ giúp giảm thiểu sự phản kháng, mà còn tạo ra niềm tin vào sự công bằng và minh bạch trong quá trình cải cách (8). Cuối cùng, sự đồng thuận của người dân là yếu tố không thể thiếu. Những quyết sách phải được công khai, minh bạch, và đi kèm với những lời giải thích rõ ràng để người dân hiểu rằng đây không chỉ là một biện pháp hành chính, mà là một nỗ lực cải thiện cuộc sống của chính họ (9).

Tư duy mới – Cơ chế quản trị mới

Để cuộc cải cách tinh giản bộ máy không rơi vào lối mòn của những nghị quyết trước đây, TP.HCM cần thay đổi triệt để không chỉ trong cách tổ chức mà còn phải có bước chuyển căn bản trong tư duy mới và cơ chế quản trị mới. Một bộ máy hành chính hiện đại không thể vận hành hiệu quả, nếu vẫn duy trì cách quản lý theo lối cũ, dựa nhiều vào mệnh lệnh hành chính, thiếu trách nhiệm giải trình và còn mang tính cục bộ, chia phần giữa các đơn vị. Với sự thay đổi nhanh chóng của xã hội, mô hình quản lý tập trung, quan liêu đã không còn phù hợp. TP.HCM cần áp dụng các mô hình quản trị dựa trên kết quả, nơi các cơ quan, đơn vị phải cam kết và chịu trách nhiệm về mục tiêu cụ thể. Điều này không chỉ giúp nâng cao hiệu suất mà còn khuyến khích tinh thần đổi mới sáng tạo trong từng cơ quan. Việc tinh giản bộ máy không chỉ dừng ở cắt giảm số lượng người mà còn phải đi đôi với việc áp dụng công nghệ để thay thế các quy trình thủ công, phức tạp. TP.HCM, với vị thế là trung tâm kinh tế và công nghệ, hoàn toàn có thể đi đầu trong việc xây dựng một chính quyền số thực chất. Điều này không chỉ giúp tăng hiệu quả hoạt động mà còn giảm thiểu cơ hội cho tham nhũng, nhũng nhiễu – vốn là mối quan tâm lớn nhất của người dân.

Tất cả các quyết định cải cách cần được xây dựng trên nguyên tắc “phục vụ tốt hơn”. Bộ máy dù tinh giản nhưng nếu không cải thiện được chất lượng dịch vụ công thì cũng không có ý nghĩa gì. Chính quyền TP.HCM cần coi người dân là “khách hàng” mà mình phục vụ, từ đó thiết kế lại các quy trình hành chính một cách đơn giản, minh bạch, dễ tiếp cận nhất. Một bộ máy tinh gọn và hiệu quả sẽ không chỉ mang lại lợi ích trực tiếp cho người dân và doanh nghiệp mà còn tạo ra những hệ quả tích cực trên quy mô lớn hơn. Hiện nay, chi phí để duy trì bộ máy hành chính cồng kềnh là một gánh nặng lớn đối với ngân sách nhà nước. Khi giảm được số lượng cán bộ không cần thiết và tối ưu hóa hoạt động, TP.HCM sẽ tiết kiệm được một phần lớn nguồn lực, từ đó dành nhiều hơn cho các lĩnh vực thiết yếu như y tế, giáo dục, hạ tầng (10).

Đặt cược lòng tin vào chính quyền

Khi cải cách được thực hiện một cách công khai, minh bạch và mang lại kết quả thực tế, niềm tin của người dân vào Đảng và Nhà nước sẽ được củng cố. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh hiện nay, khi sự hoài nghi và mất niềm tin đang trở thành một thách thức lớn đối với hệ thống chính trị. Đặt cược lòng tin vào chính quyền sẽ tạo tiền đề cho những cải cách lớn hơn (11). Một cuộc cách mạng tinh giản thành công không chỉ có giá trị ở phạm vi hành chính, mà còn tạo động lực để có thể tiến hành các cải cách lớn hơn trong các lĩnh vực khác như giáo dục, y tế, hay công nghiệp hóa. TP.HCM, với vai trò tiên phong, có thể trở thành hình mẫu để các địa phương khác noi theo.

Ngược lại, nếu thất bại, niềm tin sẽ mất đi mãi mãi một khi cải cách lần này tiếp tục đi vào vết xe đổ của những nghị quyết trước, hậu quả sẽ rất nghiêm trọng. Không chỉ làm lãng phí thêm thời gian và nguồn lực, mà còn khiến người dân hoàn toàn mất niềm tin vào khả năng tự đổi mới của hệ thống. Những lời hứa hẹn sẽ không còn giá trị, và sự hoài nghi sẽ lan rộng, gây ảnh hưởng xấu đến mọi mặt đời sống xã hội. Thành công hay thất bại, vì vậy, phụ thuộc vào sự quyết tâm của chính quyền TP.HCM. Bí thư Nguyễn Văn Nên, với vai trò là người dẫn dắt, cần tiếp tục giữ vững lập trường “không được bàn lùi” và kiên quyết loại bỏ những lợi ích nhóm, những lực cản nội tại ngay trong bộ máy (12).

__________

Tham khảo:

(1) https://nxbphunu.com.vn/san-pham/nhin-tu-xa-to-quoc/#:~:text=

(2) https://sonoivu.hochiminhcity.gov.vn/web/snv/-/bi-thu-nguyen-van-nen-can-bo-nghi-den-loi-ich-chung-se-vuot-qua-noi-lo-tinh-gon-bo-may-?inheritRedirect=

(3) https://vnexpress.net/ong-le-doan-hop-9-10-nguoi-dan-nuoi-mot-nguoi-huong-luong-ngan-sach-4824367.html

(4) https://www.vietnamplus.vn/tong-ket-nghi-quyet-so-18-nqtw-dieu-chinh-thoi-gian-thuc-hien-mot-so-noi-dung-post999311.vnp

(5) https://www.sggp.org.vn/ngan-sach-co-no-nhu-noi-com-thach-sanh-cung-kho-nuoi-du-bo-may-nhu-hien-nay-post454888.html

(6) https://tuoitre.vn/bi-thu-nguyen-van-nen-can-bo-nghi-den-loi-ich-chung-se-vuot-qua-noi-lo-tinh-gon-bo-may-20241204163604088.htm

(7) https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/bo-may-moi-phai-tot-hon-bo-may-cu-di-vao-hoat-dong-ngay-khong-de-ngat-quang-cong-viec-119241201101651859.htm

(8) https://www.quanlynhanuoc.vn/2022/02/10/xay-dung-khung-nang-luc-so-cua-can-bo-cong-chuc-dap-ung-yeu-cau-phat-trien-chinh-phu-so/

(9) https://thitruongtaichinhtiente.vn/thuc-day-van-hoa-minh-bach-trong-viec-cong-khai-ngan-sach-o-cac-cap-49783.html

(10) https://dangcongsan.vn/tam-nhin-moi-muc-tieu-moi-phat-trien-6-vung-chien-luoc/dong-nam-bo/chuyen-doi-so-chinh-la-chia-khoa-de-tp-ho-chi-minh-dong-hanh-cung-dan-toc-buoc-vao-ky-nguyen-moi-685761.html

(11) https://vov.vn/chinh-tri/suc-manh-cua-dang-nam-o-long-tin-cua-nhan-dan-post999545.vov

(12) https://www.vietnamplus.vn/tong-bi-thu-khong-de-co-quan-nha-nuoc-la-vung-tru-an-toan-cho-can-bo-yeu-kem-post998440.vnp

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

Trần Hiếu Chân là một blogger, đồng thời cũng là nhà báo độc lập tích cực tham gia vào mạng lưới xã hội đấu tranh vì tự do báo chí, dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam. Blogger này cũng là một trong những nhà nghiên cứu quan hệ quốc tế và đường lối ngoại giao của Việt Nam và các nước ASEAN.