Không phải ngẫu nhiên mà chuyện miệt thị cờ vàng, miệt thị một chế độ đã mất ở miền Nam Việt Nam đang xuất hiện ở nhiều nơi, vì chỉ còn vài tháng nữa, chế độ Cộng sản ở Việt Nam sẽ tiến đến ngày ăn mừng kỷ niệm cưỡng chiếm lãnh thổ của Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) và thống nhất địa lý đất nước.
Sau nửa thế kỷ, Hà Nội đã làm tất cả để xây dựng tính chính danh cho cuộc xâm lăng của mình với thế giới. Nhưng bất ngờ rằng sau từng ấy năm, từng ấy thế hệ con người bị nhồi sọ và bắt buộc phải ca ngợi đảng cộng sản: Sự phủ nhận quyền lãnh đạo của đảng cộng sản vẫn còn y nguyên trong ý thức của người dân, ý thức về đời sống tự do trong đất nước rực đỏ hôm nay.
“Càng hạ thấp giá trị của chế độ Ngụy bao nhiêu, thì có nghĩa rằng chúng ta càng mạnh mẽ trong lý luận về việc giải phóng, thống nhất đất nước,” một dư luận viên kể lại chuyện được chính trị viên hướng dẫn đường lối tấn công tất cả các status hay các bình luận trong các group mạng xã hội không thuộc về chính quyền.
Không rõ chính xác là chiến dịch tập trung miệt thị lá cờ vàng và tất cả những thành tựu kinh tế văn hóa của miền Nam được phát động từ khi nào, nhưng từ trước 30 tháng Tư năm 2024, những luận điệu đầu tiên cho chiến dịch này đã được phát pháo.
Một trong những nguyên cớ cho phong trào này, được thấy là từ vụ ca sĩ Hanni Phạm người Úc gốc Việt đang được hâm mộ bị “phát hiện” là hậu duệ của một gia đình VNCH. Đau thật, thế là một luận điệu được phát ra trên mạng xã hội, rầm rộ với tiêu chí rằng “thần tượng thì bao nhiêu cũng có, nhưng tổ quốc thì chỉ có một”, và một cô bé tham gia ngành giải trí Kpop hát-nhảy, đột nhiên được nâng lên ngang hàng với tổ quốc trong những ngôn luận ngu xuẩn của giới dư luận viên.
Nhưng câu chuyện của cô bé Hanni Phạm cũng giới thiệu cho thấy sự thao túng của giới dư luận viên điên cuồng và thiếu suy nghĩ chỉ có thể tác động được ngay trong nội bộ của giới đó mà thôi, vì chính ngay tất cả những sản phẩm quảng cáo thương mại có hình Hanni Phạm ở ngay trung tâm Sài Gòn, vẫn ngang nhiên xuất hiện bất chấp những sự lăn lộn và nghiến răng đau khổ của những thành phần yêu tổ quốc theo phong trào. Trên bề mặt của thế giới thì các show diễn của nhóm New Jeans, với Hanni Phạm là một trong những gương mặt tâm điểm, vẫn không hề hấn gì.
______________
Người trẻ giơ ngón tay giữa vào cờ VNCH trưng bày ở Bảo tàng lịch sử quân sự Việt Nam
Cờ Vàng lọt vào video ca sĩ Ngọc Mai: cựu thù còn tha thứ được, cớ gì đồng bào thù địch nhau?
Ca sĩ nổi tiếng Việt Nam phải xin lỗi vì từng hát ở Mỹ trong chương trình có cờ vàng
______________
Từ cách thức chọn nạn nhân theo từng đợt của Ban tuyên giáo, người ta nhận ra cách chiêu bài tấn công vào cá nhân hình ảnh và sự kiện, chỉ với một mục đích là nhằm bôi nhọ phẩm giá, và cố gắng xóa những giá trị đã có của thời đại VNCH trong cách nhìn nhận của đám đông, vốn không thể lay chuyển trong suốt 50 năm qua. Chế độ Cộng sản chỉ có thể làm vậy với sự tự ti và ganh ghét của tư duy chiếm đóng.
Nhưng qua những đợt tấn công đó, tính ấu trĩ tư duy của đám tuyên giáo đã tự phá vỡ những lý luận của họ, và cũng khiến cho các tầng lớp tiên phong ngôn ngữ tuyên truyền phải im lặng, và buộc thay thế những từ ngữ tục tĩu để qua chuyện trong các đối thoại. Chẳng hạn trong việc chuyện chính phủ Mỹ “đô hộ” và “nuôi” chế độ “tay sai” VNCH, Với dư luận viên không đủ khả năng ngôn ngữ, và trí tuệ để có thể xác định Mỹ hôm qua xấu, và Mỹ hôm nay tốt là như thế nào trong cuộc kết nối giữa Hà Nội và Washington lúc này. Và “tay sai” VNCH thì khác thế nào với vai trò “tay sai” của đảng cộng sản ở Việt Nam trong vòng tay quốc tế cộng sản?
Một trong những ngôn luận có thể dễ dàng tìm thấy trên các trang mạng lúc này là cách giới dư luận viên chế ảnh, miệt thị lá cờ vàng VNCH, diễu cợt việc một chế độ thua trận… nhưng đằng sau những ồn ào đó, giới thiệu một sự ẩn ức không thể nào giải tỏa về chuyện một chế độ đã mất nửa thế kỷ, nhưng vẫn còn tồn tại mạnh mẽ trong ý thức của người dân, thậm chí tạo ra nhiều cảm hứng ở các thế hệ mới, như một niềm tin về sự khác biệt với chính quyền độc tài cộng sản hôm nay.
Trong cách cố gắng để “thống nhất” lòng người bằng bạo lực ngôn từ, sau 50 năm dùng bạo lực súng đạn cưỡng chiếm quốc gia VNCH, chính Hà Nội cũng để lộ ra một khoảng trống không lấp đầy được, bởi ngay trong nội bộ của chế độ không phải ai cũng dễ nghe theo lý luận của ban tuyên giáo. Liên tục những sự kiện thời sự lại nhắc về giá trị của VNCH, chẳng hạn như gần đây là sự kiện ngư dân Việt bị Trung Quốc đánh đập, hủy hoại tài sản và bắt giam ở Hoàng Sa, người ta lại nhắc rất nhiều về chuyện VNCH đã không ngại ngần nã súng vào Trung Cộng để giữ gìn đất nước của mình, dù lực không tương xứng.
Ngay khi sách lịch sử mới của Hà Nội phát hành, việc bỏ từ ngữ “ngụy quyền” và thừa nhận tính chính danh của quốc gia VNCH, thì nhiều trí thức của chế độ đã vỗ tay, ca ngợi là một bước tiến quan trọng, có lợi cho cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Đối diện với nhiều tờ báo đầy “tính đảng” vẫn phản đối, tiếp tục giữ giọng hằn học cũ về “ngụy quân”, “ngụy quyền”… sự khác biệt về tư tưởng này há chẳng phải cho thấy rằng tham vọng “thống nhất tư tưởng” của người dân Việt Nam không thích cộng sản, là đang quá sức của Hà Nội, trước khi chế độ có thể thống nhất được ngay trong nội bộ mình của về những sai lầm đã có?
Mỗi chặng của các đợt tấn công bằng ngôn từ ban tuyên giáo tung ra, hầu hết đều kết thúc trong im lặng với sự thất bại không được báo cáo công khai. Ví dụ như trong trường hợp phỉ báng cờ vàng trên một số trang mạng xã hội của dư luận viên, thì ngay sau đó đã xuất hiện rất nhiều các status, các nhóm giới thiệu về cờ vàng với sự trân trọng, cũng như chỉ ra sự ngu xuẩn của chuyện phỉ báng ông cha của mình, trong khi tung hô lá cờ đỏ ngoại lai, có cội nguồn từ Trung Cộng. Hòn đá mà giới dư luận viên ném đi, nó không lặng lẽ chìm xuống hồ, mà ngược lại nó lại phản hồi lại rất nhiều câu chuyện, mà chính ban tuyên giáo cũng phải im lặng trong thất bại.
Khi bài viết này xuất hiện, cũng là lúc đợt tấn công mới của ban tuyên giáo phát động cho giới dư luận viên xông vào các nhóm đăng tải về hồi ức Sài Gòn xưa, những hình ảnh đẹp của ký ức thời VNCH… và miệt thị rằng thời Mỹ Ngụy nhìn lại thì nghèo khó, băng hoại, không bằng thời của chế độ cộng sản hôm nay. Nhưng cũng không có tay dư luận viên nào có thể trả lời rằng suốt 50 năm nay, cư dân của VNCH đã phải tồn tại như trong một vùng chiếm đóng, làm ra 100 đồng, thì đã phải cống nạp cho Hà Nội hết 80 đồng, như trả nợ quá khứ, đồng thời phải chứng kiến bao nhiêu chuyện nhơ nhuốc của giới lãnh đạo Ba Đình?
Chắc chắn sẽ còn nhiều những đợt tấn công với những đủ trò thô bỉ và hèn hạ của Hà Nội, đối với một chế độ đã mất, mà người dân hiện vẫn bảo vệ nó một cách âm thầm, dù nói ít hoặc không thể nói ra. Và khi Ba Đình còn phải vật vã tổ chức những cuộc tấn công như vậy, chế độ cộng sản vẫn còn phải ôm giấc mơ về chuyện thống nhất được lòng người Việt, dưới lá cờ màu quốc tế cộng sản.
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do