Tình hình quốc tế năm nay ở cả Á lẫn Âu đều nóng bỏng như một vạc dầu sôi. NATO đang tái thẩm định cục diện toàn cầu. Đông Á xốc lại các cấu trúc an ninh. Nhật Bản tăng cường hỗ trợ ASEAN về hợp tác an ninh hàng hải. Trong khi đó, Hà Nội vẫn loại các cuộc chiến chống xâm lược của Trung Quốc ra khỏi các ngày tưởng niệm quốc gia.
—————————
Trước nay, “tinh thần ngày 17/2 bất tử” được thể hiện rất rõ trong các cột mốc 19/1, 17/2 và 14/3. Riêng kỳ này, mặc dầu có vài dấu hiệu tích cực nhưng chính quyền vẫn để “những khoảng lặng, những e dè” với Trung Quốc (1). Hà Nội mở xu-páp cho truyền thông và không quá gay gắt đối với Tuyên bố của các tổ chức dân sự, nhân dịp 45 năm tưởng niệm cuộc chiến tranh xâm lược của Trung Quốc tại sáu tỉnh biên giới phía Bắc (1979 – 2024). Nhưng như thường lệ, các báo trung ương: Nhân dân, Quân đội Nhân dân vẫn phớt lờ việc tưởng niệm. Dù Truyền hình có ấn phẩm riêng: “Cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc – Không thể lãng quên”, nhưng bài viết 2.000 chữ ấy vẫn “cứ quên” nêu đích danh Trung Quốc. Các báo hội đoàn, báo ngành và địa phương vẫn còn tình trạng đăng bài lên rồi hạ bài xuống. Một số trang mạng có viết về chiến tranh biên giới, kể lại các mẩu chuyện của các cựu chiến binh, từ thân nhân liệt sĩ, hoặc phản ánh những đổi thay tại các địa danh trước đây 45 năm từng là “những cối xay thịt” trong cuộc chiến giữa “những người anh em thù địch” (2).
Tưởng niệm cuộc chiến tranh xâm lược lần thứ 20 này của Trung Quốc tấn công Việt Nam, diễn ra trong những hoàn cảnh khá đặc biệt so với trước đây. Đặc biệt lớn nhất là, cuộc tưởng niệm kỳ này diễn ra sau khi Việt Nam và Trung Quốc vừa ký Tuyên bố chung, cam kết hai bên nhất trí xây dựng “Cộng đồng chia sẻ tương lai”. Ngay thời điểm Tuyên bố ấy được ký kết, dư luận Việt Nam cũng như thế giới đã phản ứng rất nhanh nhậy (3). Dư luận cho rằng, với “Cộng đồng chia sẻ tương lai” vừa cam kết, thực chất là Hà Nội đã chấp thuận xây dựng “Cộng đồng chung vận mệnh” (CCD) với Trung Quốc. Nghĩa của chữ “vận” là thời điểm, còn “mệnh” là thiên định trước cho một cộng đồng hay một quốc gia. Đối với Việt Nam, điều này phải chăng là sự trở lại với quy chế “phiên thuộc”? Và từ nay, Việt Nam đang đặt một chân vào thế trận Trung Quốc đang ráo riết thúc đẩy để thay thế “trật tự thế giới” dựa trên luật pháp? CCD sẽ thay thế trật tự ấy thông qua “Vành đai Con đường” (BRI) và một loạt sáng kiến khác như “Phát triển Toàn cầu” (GDI), “An ninh toàn cầu” (GSI) và “Văn minh Toàn cầu” (GCI) (4).
Theo thống kê của chính Đài tiếng nói Việt Nam, chưa từng có quốc gia nào đem quân đi xâm lược láng giềng của mình với tần suất dày đặc như Trung Quốc đối với Việt Nam. Vậy nếu ràng buộc vận mệnh của dân tộc với Trung Quốc như trên có thể dẫn đến những hệ lụy nào? Trong tổng số 20 cuộc xâm lăng suốt chiều dài lịch sử, chỉ riêng từ khi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ra đời năm 1949 đến nay, tức là chỉ trong thời gian 75 năm, nước này đã xâm lược Việt Nam tất cả là bốn lần (1956, 1974, 1979 và 1988) (5). Trên nền lịch sử tươi rói như vậy, con thuyền “Cộng đồng chung vận mệnh” đích thân do ông Tập Cận Bình đứng đầu Đảng Cộng sản Trung Quốc thiết kế và chèo lái sẽ dẫn dắt gần cả trăm triệu con dân nước Việt về đâu? Người dân Việt Nam thực sự có cơ hội nào để “cùng chung vận mệnh” với Đảng Cộng sản Trung Quốc? Trả lời những câu hỏi này, phần nào có thể hình dung cách thức Chủ tịch Tập Cận Bình muốn thấy Việt Nam trong “bức tranh toàn cảnh” của trật tự Trung Hoa (6).
Một đặc biệt lớn thứ hai là, cục diện quốc tế năm nay ở cả Á lẫn Âu hiện đang như một vạc dầu sôi. Tại Hội nghị An ninh ở Munich lần thứ 60 diễn ra từ 16 – 18/2, Phó Tổng thống Mỹ Harris vẫn cam kết với Tổng thống Ukraine Zelensky: “Tổng thống Biden và tôi sẽ tiếp tục giành những nguồn lực và vũ khí các bạn cần để thành công. Chúng tôi sẽ ở bên các bạn chừng nào cuộc chiến còn tiếp diễn”. Cũng dịp này Tổng thống Ukraine đã ký được hai Hiệp ước an ninh dài hạn với Pháp và Đức. Tổng thống Pháp Macron tuyên bố hôm 16/2: “Bằng cách giúp đỡ Ukraine, chúng tôi đang đầu tư vào an ninh của chính mình” (7).
Mọi so sánh đều khập khiễng, nhưng khi nào thì thế giới coi sự nghiệp bảo vệ an ninh hàng hải trên Biển Đông mà Việt Nam đang gánh vác, cũng là vì lợi ích của cả chính họ? Nếu muốn vậy, Hà Nội phải lưu tâm tới lời khuyên của Thủ tướng Đức Olaf Scholz khi ông này nhắc Việt Nam “nên có lập trường rõ ràng” đối với cuộc xâm lược Ukraine của Mátxcơva. Ông Scholz tuyên bố: “Vấn đề đặt ra là cuộc chiến tranh xâm lược của Nga là vi phạm luật pháp quốc tế với tiền lệ nguy hiểm. Các nước nhỏ không thể an toàn trước hành vi của các nước láng giềng lớn hơn, mạnh hơn… Chuyện này cũng liên quan đến Trung Quốc… Bắc Kinh tuyên bố lãnh thổ ở cách xa hơn 800 km – Mặc dù Tòa án trọng tài quốc tế ở La Haye đã bác bỏ các tuyên bố này vì nó trái pháp luật. Sức mạnh của luật pháp phải được áp dụng cả ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, chứ không thể là, lẽ phải thuộc về kẻ mạnh hơn” (8).
Cũng trên tinh thần ấy, lãnh đạo các nước ASEAN hoan nghênh Nhật Bản coi ASEAN là một trong ưu tiên chính sách đối ngoại nói chung và chiến lược “Ấn Thái Dương tự do và rộng mở” (FOIP) nói riêng; cam kết tiếp tục ủng hộ và hỗ trợ ASEAN xây dựng cộng đồng và phát huy vai trò trung tâm trong khu vực. Đài truyền hình NHK của Nhật Bản mới đây cho biết, Chính phủ của Thủ tướng Fumio Kishida có kế hoạch hỗ trợ an ninh hàng hải cho bốn quốc gia Đông Nam Á gồm Indonesia và Philippines, Malaysia và Việt Nam. Đây là sự hỗ trợ mang tính dài hạn đối với lực lượng an ninh trên biển của bốn quốc gia thành viên ASEAN có bờ biển ở Biển Đông. Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) được Chính phủ nước này giao xây dựng kế hoạch 10 năm nhằm hỗ trợ 4 quốc gia Đông Nam Á. Theo đó, hoạt động tìm hiểu nhu cầu thực tế đã bắt đầu từ tháng 1/2024 tại Philippines và Indonesia và từ tháng 4 tới là tại Việt Nam và Malaysia (9).
Liên quan lễ tưởng niệm bi tráng năm nay, xin ôn lại bài bình luận của TS. Đinh Hoàng Thắng trên trang mạng “Viet-sudies” về “Những cái nhất” của ngày 17/2/1979. Nhân đây, xin được phép nhắc lại một kỷ lục nổi bật từ “năm cái nhất” ấy: Chưa có một cuộc chiến tranh nào trong lịch sử Việt Nam được cả chính quyền lẫn các sử quan “lãng quên nhanh nhất và bỏ chạy một cách kỹ lưỡng nhất” (từ của GS. Trần Ngọc Vương). Bộ Lịch sử quốc gia 15 tập, dày hơn 10.000 trang, với khoảng 290.000 dòng, trong đó dành cả chục ngàn dòng về cuộc chiến ý thức hệ từ 1954 đến 1975 – cuộc chiến mà Trung Quốc đã “tận tình giúp” để ta “đánh Mỹ đến người Việt Nam cuối cùng” – trong khi ấy, chỉ chép vẻn vẹn có mười một dòng về cuộc chiến chống Trung Quốc xâm lược. Trong suốt gần nửa thế kỷ qua, có giai đoạn, chính quyền cố tình tung hoả mù lên tính chính danh của cuộc chiến. Không dám chỉ đích danh kẻ xâm lược, các chiến sỹ ta hy sinh thì khó khăn lắm mới được tôn vinh là liệt sỹ… Quả là một kỷ lục về “sự nhập nhằng ý thức hệ!” (10)
Chính quyền Hà Nội đừng bao giờ quên rằng, “nếu anh bắn vào quá khứ bằng súng lục thì tương lai sẽ bắn lại anh bằng đại bác!”
___________
Tham khảo:
(1) https://www.bbc.com/vietnamese/articles/clj9el40dr6o (Chiến tranh biên giới Việt-Trung: Vẫn còn những khoảng lặng, những e dè)
(2) https://lamgiautrithuc4.blogspot.com/2016/02/gioi-thieu-sach-brother-enemy-war-after.html
(5) https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/mai-me-voi-tham-vong-trung-quoc-tu-bay-chinh-minh-339173.vov(Trong lịch sử gần hàng ngàn năm của dân tộc Việt, các triều đại Trung Quốc đã đem quân xâm lược Việt Nam tất cả 20 lần: nhà Ân 1 lần, nhà Tần 1 lần, nhà Hán 4 lần, nhà Lương 3 lần, nhà Tống 2 lần, nhà Nguyên 3 lần, nhà Minh 1 lần, nhà Thanh 1 lần, CHND Trung Hoa 4 lần; tức với tần suất trung bình 150 năm một lần xâm lược). Từ khi CHNDTH ra đời năm 1949 đến nay, tức là chỉ trong thời gian 75 năm, nước này đã xâm lược Việt Nam đến 4 lần: năm 1956 chiếm phía nửa phía Đông quần đảo Hoàng Sa, năm 1974 chiếm nửa phía Tây quần đảo Hoàng Sa, năm 1979 xâm lược 6 tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam, năm 1988 chiếm đảo Gạc Ma, quần đảo Trường Sa).
(6) https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cgrp57mg9vgo (Chủ tịch Tập Cận Bình muốn thấy Việt Nam trong “bức tranh” của trật tự Trung Hoa)
(7) https://securityconference.org/en/publications/munich-security-report-2024/executive-summary/
(10) https://www.viet-studies.net/kinhte/DinhHoangThang_Ngay17_02_79.html
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
* Trần Hiếu Chân là một blogger, đồng thời cũng là nhà báo độc lập tích cực tham gia vào mạng lưới xã hội đấu tranh vì tự do báo chí, dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam. Blogger này cũng là một trong những nhà nghiên cứu quan hệ quốc tế và đường lối ngoại giao của Việt Nam và các nước ASEAN.