Điện tái tạo tại Việt Nam bao giờ hết ‘ế’?

Mới đây, 36 nhà đầu tư điện tái tạo đã cùng ký văn bản kiến nghị thủ tướng về những bất cập trong cơ chế giá phát điện khiến 34 nhà máy điện đã đầu tư xong nhưng không thể bán điện cho EVN (Tập đoàn Điện lực Việt Nam).

Vì là mặt hàng không có tồn kho do khả năng lưu trữ điện năng ở các hệ thống lưu trữ năng lượng rất hạn chế, nên điện năng được sản xuất ra khi có nhu cầu tiêu thụ. Do đó, quá trình sản xuất và tiêu thụ điện năng phải được diễn ra đồng thời và về mặt kỹ thuật, phải luôn luôn cân bằng. Tuy vậy, ở Việt Nam hiện nay đang có 34 nhà máy điện tái tạo, bao gồm 28 dự án điện gió và 6 dự án điện mặt trời, đã hoàn thành đầu tư xây dựng nhà máy, vượt qua giai đoạn thử nghiệm, đủ điều kiện phát điện lên lưới, nhưng vẫn chưa thể bán điện cho EVN.

Tiến sĩ Ngô Trí Long, nguyên Viện phó Viện Nghiên cứu Thị trường Giá cả nói với RFA:

Năng lượng tái tạo thì có một thời kỳ người ta đổ xô đầu tư xây dựng rất nhiều. Nhưng khi xây dựng xong thì không đủ đường tải điện, cho nên cuối cùng thì EVN chỉ mua điện từ một số nhà máy thôi. Và hiện nay họ đang tính toán lại xem giá mua là bao nhiêu. Cho nên năng lượng tái tạo hiện nay vẫn chiếm một tỷ lệ nhỏ thôi dù tiềm năng rất lớn.

Giá cả cũng cao hơn giá điện than và giá thủy điện. EVN cũng mua có mức độ, đồng thời họ vẫn chờ chính phủ thông qua giá để quyết định vì giá nhà nước công bố cho mua rất thấp. Cái chính là đường tải điện không đủ năng lực để đáp ứng cái cung của nguồn điện gió.”

Tháng 12 năm 2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tới khảo sát các dự án điện gió ven biển tại tỉnh Bạc Liêu. Ông Chính yêu cầu phải xem xét lại về giá điện, đàm phán lại về các dự án điện gió đã triển khai để người dân không phải chịu giá điện cao như hiện nay.

Năng lượng tái tạo thì có một thời kỳ người ta đổ xô đầu tư xây dựng rất nhiều. Nhưng khi xây dựng xong thì không đủ đường tải điện, cho nên cuối cùng thì EVN chỉ mua điện từ một số nhà máy thôi. Và hiện nay họ đang tính toán lại xem giá mua là bao nhiêu. Cho nên năng lượng tái tạo hiện nay vẫn chiếm một tỷ lệ nhỏ thôi dù tiềm năng rất lớn. – Tiến sĩ Ngô Trí Long

Trong văn bản kêu cứu gửi tới thủ tướng mới đây, các nhà đầu tư dự án điện tái tạo cho biết, tính đến thời điểm hiện tại có 6 nhà máy điện mặt trời đã nằm chờ cơ chế hơn 26 tháng, và 28 nhà máy điện gió đã phải nằm chờ 16 tháng.

Tiến sĩ Ngô Đức Lâm, chuyên gia năng lượng độc lập thuộc Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam; nguyên Phó viện trưởng Viện Năng lượng nêu nhận định của ông với RFA sáng 14 tháng 3:

Thực tế thì trong tương lai, điện mặt trời dùng cũng sẽ có mức thôi và họ sẽ sử dụng điện gió vì điện mặt trời tốn đất lắm. Phần lớn đất đó là đất dùng cho nông nghiệp. Bây giờ nếu dùng để xây dựng thì sẽ không có đất cho nông nghiệp. Điện gió thì ít chiếm đất hơn vì người ta có thể xây dựng ở gần biển mới nhiều gió. Nhưng mà điện gió cũng cần phải có lưới điện tức là phải truyền điện đến trục chính Nam Bắc. Hiện giờ chưa đủ nên người ta phải tính toán lại.

Xây dựng những nhà máy điện gió thì nhanh nhưng xây đường dây điện để đưa điện từ nhà máy điện gió đến lưới điện quốc gia là vẫn chưa đồng bộ. Làm đường dây đến đâu thì phải giải phóng mặt bằng đến đó, tức là phải lấy đất của dân hoặc đi qua vườn tược của người ta. Mà làm như thế là phải bồi thường cho người ta. Mà hiện nay vấn đề đền bù là vấn đề khó khăn nhất. Đang chờ sửa đổi Luật đất đai. Sửa làm sao để giá đền bù mà người ta chấp nhận được. Xây dựng nhà máy không khó nhưng xây dựng đường dây điện mới khó.”

000_1GE7D1.jpg

Thị trường là một cơ chế mà người mua và người bán tương tác với nhau để xác định giá cả và sản lượng của hàng hóa hay dịch vụ. Nhưng với ngành điện Việt Nam, EVN là một đơn vị thuộc Nhà nước độc quyền truyền tải, phân phối và mua bán điện năng cũng như phân bổ điện năng trong hệ thống điện quốc gia.

Để giải quyết tình trạng độc quyền đó, ngày 11 tháng 2 năm 2020 Bộ Chính trị đảng cộng sản Việt Nam ban hành Nghị quyết số 55 về “Định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Ngoài khuyến khích nhiều thành phần kinh tế tham gia phát triển năng lượng, Bộ Chính trị nêu rõ cần loại bỏ bao cấp, độc quyền, thiếu minh bạch trong ngành năng lượng mà cụ thể là ngành điện.

Theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, điện mặt trời và điện gió của Việt Nam hiện nay có tiềm năng, nhưng vấn đề là sự kết nối và chi phí của việc kết nối hiện chỉ do EVN quản lý. Theo ông, đây là điểm nghẽn cần giải quyết để có thể khai thác đầy đủ. Ông nói thêm:

Hiện nay đã có nguồn phát điện của tư nhân, nhưng mạng lưới phân phối điện vẫn do EVN độc quyền. Vì vậy tình trạng độc quyền vẫn đang tiếp diễn, chúng ta cần phải bước thêm bước nữa, là có cạnh tranh về việc phân phối lưới điện. Nhưng đó là vấn đề khó khăn, vì lưới điện phải được quản lý thống nhất và liên tiếp với nhau.”

Các nhà đầu tư điện mặt trời, điện gió mới đây cũng kiến nghị thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành sớm hoàn thiện và ban hành cơ chế mua bán điện trực tiếp để chủ đầu tư các nhà máy điện tái tạo có thể bán điện trực tiếp cho các bên có nhu cầu sử dụng điện lớn đã sẵn sàng mua điện từ các nhà máy.

Hiện nay đã có nguồn phát điện của tư nhân, nhưng mạng lưới phân phối điện vẫn do EVN độc quyền. Vì vậy tình trạng độc quyền vẫn đang tiếp diễn, chúng ta cần phải bước thêm bước nữa, là có cạnh tranh về việc phân phối lưới điện. Nhưng đó là vấn đề khó khăn, vì lưới điện phải được quản lý thống nhất và liên tiếp với nhau. – Tiến sĩ Lê Đăng Doanh

Hôm 27 tháng 10 năm 2022, trang tin PV Magazine chuyên về năng lượng cho biết, Bộ Công thương Việt Nam đang có kế hoạch thử nghiệm bán điện trực tiếp từ nhà sản xuất điện sử dụng năng lượng tái tạo đến người dùng bắt đầu từ đầu năm 2023 đến năm 2024 và sẽ mở chính thức vào năm 2025.

PV Magazine trích lời ông Mortiz Sticher, chuyên gia cấp cao của hãng tư vấn Apricum có trụ sở tại Berlin rằng, hiện chưa có ngày cụ thể khi nào Việt Nam bắt đầu chương trình này nhưng chương trình lúc đầu được dự kiến là từ 2022 đến 2024. Bây giờ chương trình dự kiến bắt đầu từ quý một năm 2023.